Quỹ quốc gia về việc làm: Thêm sinh kế cho đoàn viên Bắc Giang
Nguồn lực giúp đoàn viên vượt khó
Chị Đàm Thị Hương (phải) xây dựng mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. |
Đó là những trường hợp sống đơn thân, gia đình không may gặp rủi ro, hoạn nạn hoặc thiếu vốn để phát triển kinh tế. Từ nguồn quỹ do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phối hợp với LĐLĐ tỉnh triển khai cho đoàn viên công đoàn vay ưu đãi, nhiều mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo sinh kế cho người lao động vượt khó vươn lên.
Từ năm 2008 đến nay, với tổng số tiền quay vòng vốn gần 5 tỷ đồng, nguồn Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân cho gần 300 lượt đoàn viên nghèo vay vốn. Bà Diêm Bích Liên, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết: “Để nguồn vốn vay phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ đúng người, chúng tôi chỉ đạo công đoàn các cấp rà soát, lựa chọn, ưu tiên cho những đối tượng là đoàn viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thu nhập thấp”.
Hiện nay, mức vay cho mỗi dự án từ 20-30 triệu đồng/lượt vay trong thời hạn tối đa 36 tháng. Lãi suất tính theo Ngân hàng CSXH là 0,55%/tháng. Qua khảo sát được biết, từ nguồn vốn vay ưu đãi, đa số đoàn viên đã sử dụng hợp lý nguồn vốn, chủ yếu đầu tư cho trồng cây ăn quả, trồng rừng, nuôi ong, lợn, gà, kết hợp thả cá, làm dịch vụ... đạt hiệu quả, hoàn trả vốn vay đúng hạn.
Từ đó quay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các dự án sản xuất mới, giúp nhiều lao động có thêm nghề phụ, cải thiện đời sống. Các địa phương triển khai tốt hoạt động cho vay là: Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên.
Đánh giá về hiệu quả nguồn quỹ đối với công nhân nghèo, ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Yên cho biết: “Nắm bắt nhu cầu vay vốn của đoàn viên, ngoài lựa chọn người phù hợp, khẩn trương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn kịp thời, chúng tôi còn chỉ đạo công đoàn cơ sở vận động cán bộ, đoàn viên đóng góp thêm nhằm tăng nguồn lực hỗ trợ NLĐ xây dựng mô hình kinh tế.
Với cách làm đó, từ năm 2010 đến nay, huyện có gần 100 lượt đoàn viên khó khăn được vay vốn ưu đãi, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt”.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, từ nguồn vốn vay của Quỹ thông qua LĐLĐ tỉnh, mỗi đoàn viên có thêm thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu trong số này là chị Đàm Thị Hương (SN 1975), công tác tại Trung tâm Nghiên cứu đất và phân bón vùng Trung du, thôn Sơn Quả, xã Lương Phong (Hiệp Hòa).
Từ năm 2008 đến nay, có gần 300 lượt đoàn viên nghèo được vay vốn với tổng số tiền quay vòng gần 5 tỷ đồng. Hiện nay, mức vay cho mỗi dự án từ 20 -30 triệu đồng/lượt vay trong thời hạn tối đa 36 tháng, lãi suất 0,55% /tháng. |
Quê gốc ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên), chị Hương và chồng lập nghiệp tại Bắc Giang đã gần 20 năm.
Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn do đồng lương hạn hẹp, không có đất để canh tác thêm, các con thì mỗi ngày mỗi lớn phải lo chi phí ăn học. Chị Hương và chồng luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo nhưng khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn.
Đáp ứng nguyện vọng đó, từ năm 2015, chị được vay 30 triệu đồng từ Quỹ trong thời hạn 36 tháng. Cùng với vốn tiết kiệm của gia đình, chị Hương nhận thầu diện tích đất chưa sử dụng của Trung tâm Nghiên cứu đất và phân bón vùng Trung du và một số hộ dân quanh khu vực để đầu tư cải tạo trồng cây ăn quả. "Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi qua tổ chức công đoàn, hết năm 2018, gia đình tôi đã hoàn trả các khoản gốc và lãi, kinh tế giờ đã ổn định”, chị Hương nói.
Anh Lê Văn Quang, giáo viên Trường THCS Hồng Kỳ (Yên Thế) cũng vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Được vay 20 triệu đồng vào năm 2016, anh Quang lựa chọn đầu tư chuồng trại nuôi ong, lợn và 200 cặp chim bồ câu. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức chăn nuôi, thậm chí thua lỗ do dịch bệnh hoặc giá bán thấp.
Nhưng nhờ tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, tham quan các mô hình khác nên hiện nay con giống phát triển tốt. Lứa này gối lứa khác, vừa bán chim giống, chim thương phẩm và mật ong, gia đình anh có lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng giúp anh yên tâm công tác và có thêm tích lũy lo cho hai con ăn học.
Việc tiếp cận nguồn quỹ đã tạo sinh kế ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, theo ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nguồn vốn cho vay hiện nay vẫn hạn hẹp, mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng nhu cầu.
Bên cạnh đó, không phải đoàn viên nào cũng đủ điều kiện tiếp cận khoản vay này do phải có tài sản thế chấp. “Do vậy, LĐLĐ tỉnh kiến nghị tăng nguồn vốn vay từ Quỹ phân bổ về các tỉnh, có thêm nguồn lực, tạo cơ hội vươn lên cho ngày càng nhiều đoàn viên”, ông Cương cho biết.
Cùng đó, với vai trò của mình, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ, nhất là khâu rà soát, lựa chọn đối tượng, thẩm định hồ sơ bảo đảm khách quan, công bằng. Để tránh thất thoát vốn, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo 18 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng lịch kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, cử cán bộ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cá nhân vay vốn trả lãi đúng kỳ hạn.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)