Thêm cơ hội tiếp cận quỹ quốc gia về việc làm
Gần 4,3 nghìn lượt người vay vốn
Thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, từ năm 2015 đến nay, doanh số cho vay từ QQGVVL đạt hơn 156 tỷ đồng với gần 4,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn; dư nợ đạt gần 130 tỷ đồng, tăng khoảng 60,1 tỷ đồng so với năm 2015.
Chị Phạm Thị Đường xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả từ vốn vay ưu đãi. |
Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, để triển khai hiệu quả chương trình cho vay ưu đãi từ QQGVVL, đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các đơn vị được ủy thác tập trung ở khâu rà soát, lựa chọn đối tượng phù hợp. Từ đó hướng dẫn người có nhu cầu vay vốn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời, bảo đảm nguồn cho vay phát huy hiệu quả.
Chương trình tín dụng ưu đãi này đã góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Hầu hết các hộ được vay đều dần chuyển biến nhận thức, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Vay vốn từ QQGVVL qua ủy thác của hội phụ nữ, chị Phạm Thị Đường (SN 1973), thôn 3, xã Việt Tiến (Việt Yên) đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Khi mới lập gia đình, điều kiện kinh tế của hai vợ chồng chị Đường rất khó khăn, thu nhập chủ yếu trông vào mấy sào lúa. Rồi các con lần lượt ra đời khiến nỗi lo cơm áo ngày càng nặng gánh.
Để vươn lên thoát nghèo, lo cho con ăn học, năm 2015, chị làm hồ sơ vay vốn với số tiền ban đầu là 10 triệu đồng để đào ao thả cá. Năm 2017, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng cải tạo vườn trồng bưởi, xây chuồng trại nuôi vịt và chim bồ câu. “Với lợi nhuận mỗi năm khoảng 100 triệu đồng, ngoài trang trải cuộc sống, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất”, chị Đường nói.
Tăng nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn
Ngành lao động đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn từ QQGVVL hiện vẫn gặp những khó khăn như: Giải ngân cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, thiếu tính ổn định, bền vững; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã vay vốn đạt tỷ lệ thấp.
Thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh, từ năm 2015 đến nay, doanh số cho vay từ QQGVVL đạt hơn 156 tỷ đồng với gần 4,3 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; dư nợ đạt gần 130 tỷ đồng. |
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, do không có nguồn vốn T.Ư bổ sung vào quỹ nên nguồn cho vay hiện nay chủ yếu từ vốn quay vòng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu việc làm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2016, dự án cho vay vốn từ QQGVVL không còn nằm trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 nên việc bổ sung vốn cho chương trình tín dụng ưu đãi này rất hạn chế.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, từ ngày 8-11-2019 dù đã tăng mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng/dự án), thời hạn vay tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng) nhưng rào cản lớn vẫn là mức lãi suất còn cao và quy định về tài sản bảo đảm để thế chấp.
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) nói: “Hợp tác xã hiện có 24 thành viên là người địa phương, chuyên sản xuất rau, củ, quả. Chúng tôi góp cổ phần bằng đất, bình quân 3 sào/hộ. Muốn vay vốn ưu đãi từ QQGVL để đầu tư, phát triển hợp tác xã rất khó thực hiện bởi vướng mắc trong huy động tài sản bảo đảm”.
Theo ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, Nghị định 74/2019/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng gấp đôi mức vay, thời hạn vay. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là không có nguồn bổ sung từ T.Ư, nguồn kinh phí cấp của tỉnh, huyện cũng hạn chế thì rất khó để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.
“Thời gian tới, để chương trình đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị Chính phủ tăng nguồn ngân sách, bổ sung nguồn lực, đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay. Ngân hàng tăng cường hướng dẫn, phối hợp với ngành chức năng, đơn vị ủy thác lựa chọn đối tượng phù hợp, đôn đốc thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng”, ông Quát cho biết.
Cùng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lồng ghép, bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)