Lũ ống tại Lào Cai làm 7 người chết và mất tích
Lũ ống xảy ra tại khu vực suối thuộc xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. |
Theo thông tin ban đầu, mưa lớn diễn ra khoảng 30 phút thì nước của 3 dòng suối chính trên địa bàn các xã Nậm Phá, Nậm Cang và Nậm Than đột ngột dâng cao. Nhiều người dân phát hiện lũ dâng nhưng không kịp di chuyển, bị cuốn trôi.
Lũ ống bất ngờ trên 3 con suối đã cuốn trôi toàn bộ các trại cá hồi, cá tầm và nhiều tài sản khác của người dân. Hiện khu vực trên vẫn tiếp tục có mưa lớn, nước lũ tiếp tục dâng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Các tuyến đường di chuyển vào xã Liên Minh bị cô lập, các ngầm tràn có lũ lớn không thể tiếp cận.
Khoảng gần 10 giờ đêm ngày 12/9, các lực lượng cứu hộ mới có thể tiếp cận khu vực bị thiên tai và tìm thấy 2 thi thể đầu tiên bị nước lũ cuốn trôi bàn giao cho gia đình đưa về mai táng. Trong sáng 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại thị xã Sa Pa. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm những người bị mất tích, hỗ trợ người dân đi chuyển đến nơi an toàn.
Ngoài ra, mưa lũ trong tối ngày 12/9 cũng làm ngập lụt nhiều tuyến đường, giao thông bị tê liệt. Tại khu vực Km135+400 Quốc lộ 4D, đoạn thuộc địa phận xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum dâng cao khiến đoạn đường dài khoảng 300m bị ngập sâu, nhiều phương tiện không thể lưu thông qua khu vực.Trên đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, đoạn thuộc địa phận tổ 30, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum làm ngập đoạn đường dài khoảng 100 m, các phương tiện không thể đi qua khu vực ngập.
Trước diễn biến của mưa lũ trên địa bàn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch cụ thể và các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất… nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, tăng thời lượng truyền thông về tình hình thời tiết trên hệ thống loa, đài truyền thanh thôn, xã, để tuyên truyền đến người dân. Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng để có phương án di chuyển kịp thời. Kiểm tra các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tại chỗ nhằm sẵn sàng phục vụ công tác phòng và ứng phó.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ, đập và xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ, đập. Tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn bị ngập úng, lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... để hướng dẫn người dân, các phương tiện qua lại bảo đảm an toàn.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)