Linh hoạt vận động, hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Chọn phương thức hỗ trợ phù hợp
Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh còn hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,14%, giảm 10,79% so với năm 2016 (bình quân giảm 2,16%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn 13,45%; các thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7%/năm (vượt mục tiêu đề ra).
Các tổ chức chính trị - xã hội huyện Việt Yên hưởng ứng Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo. |
Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Được trợ giúp về nhiều mặt, người nghèo có cơ hội vươn lên. Người thiếu hụt về tiêu chí thu nhập thì được giúp vốn, tư liệu sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Còn người nghèo do khó khăn tiếp cận dịch vụ xã hội, văn hóa thì được nhận trợ giúp về bảo hiểm y tế (BHYT), học nghề, học phí.
Năm nay, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nên các tổ chức chính trị - xã hội huyện Tân Yên hướng đến hỗ trợ bằng tư liệu sản xuất, phù hợp với đặc thù của tổ chức hội. Nổi bật như Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Hội Nông dân xây dựng vườn cây giảm nghèo; Hội LHPN các cấp thực hiện tiết kiệm từ mô hình “phân loại rác thải bán phế liệu”, “nuôi heo đất” để tặng đồ dùng, phương tiện cần thiết cho hội viên nghèo. Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ theo địa chỉ cụ thể. Nhờ đó nhiều người nghèo có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống.
Tháng 9 vừa qua, chị Nguyễn Thị Tuân (SN 1973) ở thôn Chúc, xã Đại Hóa được MTTQ huyện Tân Yên hỗ trợ đôi lợn thịt và 6 bao cám chăn nuôi. Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo chuồng trại. Sau một thời gian chăm sóc, dự kiến đến Tết Nguyên đán có thể xuất chuồng. Được biết, chị Tuân là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, bản thân lại không được minh mẫn nên thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền.
Việt Yên từng là tâm dịch Covid-19 của cả nước với hàng nghìn ca bệnh, nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Để có thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo và những trường hợp khó khăn đột xuất, ngày 17/11 vừa qua, UBND huyện phát động chương trình “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã huy động được 142 sổ tiết kiệm vì người nghèo với số tiền hơn 12,8 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, dù mức chuẩn xác định hộ nghèo nâng lên, Bắc Giang vẫn kiên trì mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm; vùng khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4-5%/năm; hạn chế tái nghèo; duy trì kết quả không còn hộ nghèo là người có công. |
Tại điểm giao dịch xã Tiên Sơn (Việt Yên), ông Nguyễn Văn Vĩnh (SN 1967), ở thôn Thần Chúc, mặc dù bị tai nạn ở chân đi lại khó khăn nhưng vẫn nhờ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đưa đến để gửi số tiền 50 triệu đồng. Ông Vĩnh chia sẻ: “Khi các con tôi đi học đại học, do không đủ khả năng chu cấp nên gia đình đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay các cháu có việc làm ổn định, mỗi tháng đều gửi tiền về cho bố mẹ chi tiêu, cuộc sống đã dư dả hơn. Với số tiền dành dụm của mình, sau khi gửi vào ngân hàng, tôi mong muốn có thể hỗ trợ những hộ khó khăn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Phát huy nội lực, kiên trì thực hiện mục tiêu
Từ năm 2022, mức thu nhập để xác định chuẩn nghèo cao hơn hiện nay nên dự báo tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng. Đây là thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vượt lên khó khăn, các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh.
Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Tháng cao điểm Vì người nghèo năm nay (từ 17/10 đến 18/11), MTTQ các cấp đã tiếp nhận được gần 8 tỷ đồng. Ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Ngoài một phần dành tặng quà Tết, nguồn quỹ này sẽ ưu tiên hỗ trợ người nghèo tiếp cận tư liệu sản xuất, vay vốn và hỗ trợ xây mới, sửa chữa 500 nhà đại đoàn kết trong năm 2022. Bởi vậy MTTQ các cấp tiếp tục kêu gọi, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để cùng chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các huyện, thành phố tập trung xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với đặc thù của từng địa phương, giúp người dân thoát nghèo bằng nội lực. Theo tổng hợp của UBND huyện Lục Ngạn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) còn 2,6%; bình quân mỗi năm giảm 3,07%.
Trao đổi với ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, những năm gần đây, huyện tập trung nguồn lực nâng cấp các công trình hạ tầng gắn với phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Hằng năm, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ. Khuyến khích các xã, thị trấn tiếp tục khai thác hiệu quả vùng cây ăn quả, từng bước phát triển du lịch cộng đồng.
Tại huyện Lạng Giang hiện có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, huyện quan tâm tuyên truyền chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, dù mức chuẩn xác định hộ nghèo nâng lên, Bắc Giang vẫn kiên trì mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm; vùng khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4-5%/năm; hạn chế tái nghèo; duy trì kết quả không còn hộ nghèo là người có công.
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài những giải pháp trao sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm... được triển khai linh hoạt, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các chương trình trợ cấp xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý kiến bạn đọc (0)