Bắc Giang: Lồng ghép nguồn lực, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả
Những kết quả tích cực
Kết thúc giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,14%, giảm 10,79% so với năm 2016 (bình quân giảm 2,16%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 13,45%; các thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7%/năm (các tỷ lệ này đều vượt mục tiêu đề ra).
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao kinh phí hỗ trợ xây "Mái ấm công đoàn" cho gia đình chị Vy Thị Chín, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn). |
Cùng với thu nhập, việc trợ giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được quan tâm. Đến nay, hơn 3,6 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 113 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 4,4 nghìn tỷ đồng; hơn 1,68 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 99% người dân của tỉnh có thẻ BHYT.
Qua phân tích số liệu hằng năm có thể khẳng định kết quả giảm nghèo theo chuẩn đa chiều đã mang tính bền vững khi tỷ lệ tái nghèo rất thấp (chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh hằng năm); đời sống nhân dân, nhất là người nghèo ở các xã nghèo được nâng lên đáng kể.
Nhiều hộ nghèo ở xã Tân Sơn (Lục Ngạn) vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi ngựa. |
Tại huyện vùng cao Sơn Động, năm 2015, sau tổng điều tra hộ nghèo với phương thức tiếp cận đa chiều, toàn huyện có hơn 9,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 50,8%. Với số lượng hộ nghèo tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước, cùng với những khó khăn về địa hình nhiều đồi núi, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đã đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Theo bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng LĐTBXH huyện, đơn vị tập trung tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo hằng năm trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ sinh kế. Cách làm này được bà con ủng hộ, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Nuôi lợn rừng, trồng ba kích ở xã Tuấn Đạo, ong ở Yên Định; trồng chè Bát Tiên ở thị trấn Tây Yên Tử, tre măng Bát Độ tại xã Vĩnh An.
Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, gia đình chị Pháo Thị Thân (SN 1985), thôn Tiên Lý, xã Yên Định đã vươn lên thoát nghèo năm 2018. Chị chia sẻ: “Chồng tôi sức khỏe yếu nên không thể lao động nặng, gia đình chỉ trông vào nguồn thu của 50 gốc vải thiều.
Được tiếp cận nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo vào năm 2016 và hỗ trợ 10 đàn ong để làm sinh kế ban đầu, gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2019, thu lãi gần 70 triệu đồng/năm từ bán vải thiều và mật ong”. Kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm toàn huyện giảm trung bình gần 6% (đến năm 2020 còn 20,94%), đạt 120% mục tiêu.
Tạo động lực để người nghèo vươn lên
Trải qua một giai đoạn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với phương thức đánh giá đa chiều, ngoài kết quả giảm nghèo hằng năm vượt kế hoạch đề ra, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, người dân các địa phương về công tác giảm nghèo được nâng lên.
Gia đình chị Đỗ Thị Thà, thôn Trại Chùa, xã Yên Định (Sơn Động) vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ kinh tế. |
Việc xây dựng bộ tiêu chí xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là chủ trương đúng đắn của Chính phủ bởi từ đó, các địa phương sẽ đánh giá toàn diện các mặt và mức độ thiếu hụt của từng hộ. Nhờ vậy việc lựa chọn phương thức hỗ trợ sẽ phù hợp, phát huy tối đa hiệu quả nguồn trợ giúp. Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, dự báo sau đợt tổng điều tra, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2021, Chính phủ vẫn áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2022-2025, chuẩn nghèo mới quy định về mức thu nhập bình quân hộ nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị tăng từ 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, bổ sung thêm 1 dịch vụ xã hội cơ bản xác định hộ nghèo đa chiều là việc làm. |
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ hơn 731 tỷ đồng. Hơn 50% trong số kinh phí này được dành hỗ trợ 62,1 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc khi tham gia 313 dự án sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm; khu vực các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 4-5%/năm; giảm số xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để hoàn thành, các cấp, ngành, địa phương quan tâm nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù trên cơ sở gắn mục tiêu giảm nghèo của từng năm, từng giai đoạn với kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân; tiếp tục chuyển đổi cơ chế hỗ trợ từ “cho không” sang đối ứng một phần, tạo động lực để người nghèo vươn lên; huy động xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ người nghèo cải thiện về nhà ở, vốn sản xuất, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)