Liệu tân Tổng thống Hàn Quốc có giải được "bài toán Triều Tiên"?
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. |
Vận hội mới cho quan hệ liên Triều
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in nhắc đi nhắc lại rằng ông muốn tái lập đối thoại với Bình Nhưỡng và khởi động lại các dự án hợp tác kinh tế chung giữa hai miền Triều Tiên, vốn đã trở thành con số 0 sau 10 năm phe bảo thủ cầm quyền tại Seoul. Tuy nhiên, "đường lên miền Bắc" của ông Moon Jae-in sẽ khá gian nan. Có thể nói, ông sẽ phải đi trên một con đường ngoại giao đầy khó khăn để thực hiện chủ trương của mình với Triều Tiên, quốc gia vốn luôn tham vọng chế tạo được một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ.
Một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc ngay sau khi nhậm chức là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm Giám đốc cơ quan tình báo. Ông Suh Hoon từng đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị hai Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007.
Theo giới quan sát, ông Moon Jae-in có thể sẽ áp dụng chính sách ôn hòa, khác hẳn với bà Park Geun-hye trước đây, để xử lý quan hệ với Bình Nhưỡng. Bà Park Geun-hye xuất thân từ Đảng Hàn Quốc Tự do có truyền thống bảo thủ và chủ trương thân Mỹ. Do đó, chính quyền Seoul dưới thời bà Park rất coi trọng quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn và có thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng. Ngược lại, ông Moon Jae-in là người của Đảng Dân chủ, chính đảng chủ trương ôn hòa trong quan hệ với Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in cho rằng các bên Mỹ và Trung Quốc cần tích cực hợp tác, còn Hàn Quốc sẽ đóng vai trò điều phối, dẫn dụ Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Làm như vậy không những có thể hóa giải được căng thẳng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mà còn khiến cho quan hệ Trung-Hàn nồng ấm trở lại. Phán đoán này rất thiết thực và chính xác. Không thể chỉ dựa vào vũ lực hoặc cấm vận để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên mà tăng cường tiếp xúc và hiểu biết giữa các bên cũng là giải pháp không thể thiếu.
Chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang của Viện Sejong cho rằng Washington và Seoul cần phối hợp "đòn cương nhu" để đối phó với Bình Nhưỡng. Trong những tháng gần đây, chính quyền Trump đã nói rằng giải pháp quân sự (nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên) đang để ngỏ, khiến cho những lo ngại về một cuộc xung đột gia tăng mạnh mẽ. Mỹ đã điều tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới sát Triều Tiên trong tháng 4 vừa qua giữa lúc có những thông tin đồn đoán về việc Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới để kỷ niệm một số ngày lễ trọng đại của nước này.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện đã tạm lắng xuống và Tổng thống Mỹ đã thay đổi giọng điệu khi nói rằng ông rất "hân hạnh" được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức ngày 10-5, cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Hàn Quốc đều nhất trí "hợp tác chặt chẽ để giải tỏa các mối quan ngại về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng".
Có thể nói việc ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc có lợi cho hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên vì ông này phản đối chiến tranh, chủ trương tăng cường tiếp xúc và thậm chí còn có thể đóng vai trò điều phối trung gian giữa các bên Trung-Mỹ. Tuy nhiên, mọi người cũng không thể kỳ vọng quá cao vì ngoài việc bị đảng đối lập cản trở, truyền thông giám sát, ông Moon Jae-in còn phải đối mặt áp lực từ phía Washington.
Trở ngại từ Mỹ và vai trò quyết định của Trung Quốc
Để chấm dứt mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần có được một thỏa thuận nền tảng quan trọng là thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, điều từ lâu vẫn được xem là một mục tiêu ngoại giao cuối cùng. Thực tế là dù đã có những phát biểu lớn tiếng song dường như ông Trump lại đang bước vào chính lối mòn của những người tiền nhiệm. Thực tế là, cách hành xử không nhất quán của ông Trump đã tác động ít nhiều đến cuộc bầu cử Hàn Quốc ngày 9-5, tạo thuận lợi cho ứng cử viên ít được Mỹ ưa thích nhất đắc cử.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong lễ nhậm chức. |
Với bản tính không kiên định của ông Trump, rủi ro nảy sinh là điều khó tránh khỏi. Các chuyên gia cho rằng chỉ trong vòng một nhiệm kỳ tổng thống của ông, Triều Tiên có thể sẽ phát triển thành công một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn đủ xa là tới tận Seatle. Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa của quốc gia này.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng đều có thể gây ra những hậu quả khó lường và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí mà ông ta coi là thiết yếu đối với sự sống còn của chế độ mình. Tất cả những điều này là minh chứng cho thấy chỉ có một giải pháp để phi hạt nhân hóa được Bán đảo Triều Tiên, dù sẽ rất khó khăn, đó là tái thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, với sự bảo trợ của Trung Quốc.
Chuyên gia hàng đầu về Hàn Quốc Sue Mi Terry đã liệt kê các lợi ích tiềm tàng của giải pháp này đối với Nhật Bản, Mỹ và cả Trung Quốc, trong đó phải kể đến việc trút bỏ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân đối với khu vực Đông Bắc Á và Mỹ; chấm dứt mối đe dọa từ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; giải thoát 25 triệu người dân Triều Tiên ra khỏi cơn bi kịch chính trị và kinh tế, đồng thời loại trừ một thảm họa nhân đạo tiềm tàng tại vùng biên giới Trung Quốc; hình thành một mối quan hệ đối tác thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và phương Tây; giảm bớt những thiệt hại từ sự hỗ trợ tài chính và chính trị mà Trung Quốc phải gánh chịu khi bảo trợ cho Triều Tiên.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ và Hàn Quốc phải làm thế nào để thuyết phục Trung Quốc thay đổi quan điểm của mình? Chuyên gia Terry cho rằng trước tiên, hai bên nên tìm cách thỏa thuận để giải quyết các quan ngại an ninh của Trung Quốc trên bán đảo này, trong đó có thể bao gồm việc giảm bớt hoặc rút hẳn các binh lính của Mỹ ở Hàn Quốc, thậm chí là cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, trước khi bàn đến chuyện tái thống nhất hai miền. Ngoài ra, Seoul nên thuyết phục Trung Quốc rằng một Bán đảo Triều Tiên trung lập và thịnh vượng hơn có thể sẽ là một đối tác thương mại và láng giềng tốt hơn so với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân dưới sự chỉ đạo của Kim Jong Un.
Mặc dù giới hoạch định chính sách tại Washington có thể lo ngại song kế hoạch này cũng đề cao các cam kết của Mỹ đối với một Hàn Quốc dân chủ và thống nhất trong bối cảnh Washington đang duy trì các căn cứ của mình ở Nhật Bản và Guam như một hàng rào bảo vệ chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Tiến trình này đòi hỏi Trung Quốc phải tham gia bằng một chính sách thực dụng, cắt đứt sự hỗ trợ kinh tế, quân sự và ngoại giao cho Triều Tiên, thúc đẩy sự tan rã của chế độ Bình Nhưỡng nhưng vẫn bảo hộ một số thành viên trong đó.
Điều quan trọng nhất để bảo đảm sự can dự hiệu quả của Trung Quốc là một mối hợp tác toàn diện giữa Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm bảo đảm sự ổn định, ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng người tị nạn, phong tỏa các vũ khí hạt nhân, giải quyết vấn đề hòa nhập của quân đội Triều Tiên và trấn an người dân Triều Tiên về vấn đề an ninh cũng như tương lai phát triển.
Việc tái thiết hai miền Triều Tiên có thể khiến các bên phải tiêu tốn rất nhiều tiền của, hơn cả những gì phải đánh đổi để tái thiết nước Đức, bởi thay đổi lịch sử không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng và ít tốn kém. Tuy nhiên, so với thảm họa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, thì đây vẫn là một cái giá đáng để cân nhắc.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)