Kỳ vọng bứt phá từ sản xuất công nghiệp
BẮC GIANG - 2024 là năm mà Bắc Giang có số khu công nghiệp (KCN) được mở rộng, thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay. Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, qua đó giúp địa phương thêm quỹ đất, tạo lực bứt phá phát triển công nghiệp.
Một năm thêm 6 KCN được chấp thuận
Những ngày đầu năm 2025, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm (Hiệp Hòa).
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Xuân Cẩm-Hương Lâm. |
KCN này do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng S-Dragon làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Đây là KCN cuối cùng của năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa tổng số KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm là 6 KCN, cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, 4 KCN thành lập mới gồm: Phúc Sơn (Tân Yên), Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm, Hòa Yên, Xuân Cẩm - Hương Lâm đều thuộc huyện Hiệp Hòa và 2 KCN mở rộng: Việt Hàn (thị xã Việt Yên), Yên Lư (TP Bắc Giang).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập 12 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.823 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 57,6%. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục phấn đấu được cấp có thẩm quyền chấp thuận thêm các KCN như: Mỹ Thái (Lạng Giang), Đồng Phúc, Đức Giang (TP Bắc Giang)... hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều quỹ đất công nghiệp hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. |
Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập 12 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.823 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 57,6%. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục phấn đấu được cấp có thẩm quyền chấp thuận thêm các KCN như: Mỹ Thái (Lạng Giang), Đồng Phúc, Đức Giang (TP Bắc Giang)... hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều quỹ đất công nghiệp hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển KT-XH nói chung.
Theo đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, số KCN được thành lập mới, tạo quỹ đất công nghiệp dồi dào, thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tỉnh. Từ kết quả này, các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng, cơ hội đầu tư tại địa phương. Ngay khi các KCN được thành lập, UBND tỉnh triển khai kế hoạch, bảo đảm các bước, tiến độ thực hiện.
Dồn lực giải phóng mặt bằng
Trong 4 KCN thành lập mới thì 3 khu thuộc huyện Hiệp Hòa, mở ra cơ hội lớn cho phát triển KT-XH của huyện. Đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thông tin, địa phương được tỉnh xác định là trung tâm công nghiệp trọng điểm phía Tây của Bắc Giang. Vì thế, chỉ có phát triển công nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh mới tạo bước đột phá phát triển trong tương lai nên huyện luôn cố gắng tập trung cao các giải pháp. Hiệp Hòa có một vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho phát triển công nghiệp do tiếp giáp với các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội - đều là các trung tâm công nghiệp năng động của cả nước. Nhiều cây cầu, con đường đã được đầu tư kết nối đến tất cả các địa phương này như: Cầu Hòa Sơn, cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú, cầu Đông Xuyên…
Được biết, theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 Hiệp Hòa có 4 KCN. Với kết quả trên, Hiệp Hòa đã hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch đề ra. Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, nhiệm vụ tiếp theo là huyện dồn lực giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút đầu tư. Huyện đề ra, đối với dự án đã có mặt bằng sạch sẽ mời gọi thu hút đầu tư, với KCN mới được thành lập, tập trung cao cho việc GPMB. Vì thế, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, huyện thành lập các tổ công tác do lãnh đạo huyện làm tổ trưởng, phụ trách công tác bồi thường GPMB từng dự án. Ở cấp cơ sở thành lập tổ tuyên truyền do các đồng chí Bí thư Đảng ủy làm tổ trưởng. Bí thư các chi bộ được quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể.
Hiện nay, dù giáp Tết Nguyên đán nhưng việc triển khai công tác GPMB phục vụ phát triển công nghiệp tại huyện Hiệp Hòa diễn ra hết sức khẩn trương. Huyện đã tổ chức hội nghị, phân công rõ người, rõ việc để ngay sau Tết bắt tay luôn vào các phần việc như: Quy chủ, kiểm kê đất đai, hỗ trợ tái định cư… thực hiện theo trình tự bồi thường GPMB để bàn giao mặt bằng sạch sớm nhất cho nhà đầu tư. Tại xã Hương Lâm, nơi có 2 KCN vừa được thành lập, cần GPMB hơn 200 ha đất.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã, ngoài phát trên hệ thống loa truyền thanh, xã phân công từng đồng chí lãnh đạo xã đến từng hộ, dòng họ giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu để tạo sự đồng thuận. Riêng với dự án KCN Hương Lâm-Châu Minh-Bắc Lý giai đoạn 1 cần GPMB 105,5 ha thì Hương Lâm có 88,5 ha liên quan 350 ngôi mộ. Dựa trên tình hình thực tế, bám sát chỉ đạo của cấp trên, xã đã linh hoạt thực hiện với sự chung tay của người dân. Cán bộ, đảng viên nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ. Nhân thời tiết khô ráo cuối năm, xã đã vận động nhân dân chủ động di chuyển mộ. Đến nay, đã có 286/350 ngôi mộ được người dân tự nguyện giải tỏa, đưa vào khu vực nghĩa trang quy hoạch của xã. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, công tác GPMB tại địa phương cơ bản thuận lợi.
Cùng với tập trung cao GPMB, thời gian tới, huyện Hiệp Hòa tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cộng với các dịch vụ đi kèm như: Quy hoạch phát triển các khu thương mại; nhà ở xã hội... Hiện huyện đang thu thu hút đầu tư khu nhà ở xã hội ở xã Châu Minh 35 ha. Ngoài Hiệp Hòa, công tác GPMB các KCN vừa thành lập cũng được các địa phương như thị xã Việt Yên, TP Bắc Giang tập trung, nhằm bổ sung quỹ đất, tạo đà phát triển công nghiệp của địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)