Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Hạnh phúc với nghề nuôi dạy trẻ
Khi mới ra trường cô Nguyệt nhận công tác tại Trường Mầm non Dương Đức. Những năm trước, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động còn nhiều hạn chế, đồng lương của giáo viên ngoài biên chế ít ỏi, có thời kỳ thù lao tính bằng thóc do phụ huynh đóng góp (tương đương 6kg/học sinh/năm học).
Cô Nguyễn Thị Nguyệt và các em học sinh Trường Mầm non Tiên Lục. |
Vượt qua những khó khăn ban đầu, lòng yêu nghề, mến trẻ đã thôi thúc cô vừa làm, vừa học nâng cao trình độ. Tháng 8/2003, cô được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Dương Đức và là một trong những cán bộ quản lý trẻ nhất của ngành giáo dục huyện thời kỳ đó. Ở những nơi cô từng công tác như: Mầm non Dương Đức, mầm non Mỹ Hà... chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt, kết quả vận động, thu hút trẻ mầm non ra lớp hằng năm đều vượt kế hoạch giao.
Giáo viên mầm non lấy trường học là ngôi nhà thứ hai của mình. Vì vậy, những nơi công tác cô đều tham mưu với cấp ủy, chính quyền sơn sửa, kiến thiết khang trang, sạch đẹp, góp phần tạo cảnh quan môi trường thân thiện. Tháng 5/2022, cô Nguyệt nhận quyết định chuyển công tác về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Lục.
Trường nằm trên địa bàn xã đông dân cư, đa số phụ huynh làm nông nghiệp, công nhân, mấy năm qua được Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục huyện quan tâm nên điều kiện học tập của học sinh nơi đây đã cải thiện hơn trước song vẫn còn khó khăn.
Toàn trường có gần 900 học sinh, trong đó tại khu A ở thôn Ngoẹn có hơn 600 học sinh nhưng cơ sở vật chất chật chội, có lớp quá tải, còn khu B cách điểm chính gần 3 km ở thôn Cầu Gỗ Tám Sào rộng rãi nhưng chỉ có hơn 100 em ra lớp.
Trước thực trạng mất cân đối sĩ số lớp học giữa hai khu, từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, năm học 2022-2023, khu B mới đưa vào dãy nhà hai tầng gồm 6 phòng khang trang, thực hiện chủ trương giãn học sinh, tạo điều kiện cho trẻ được học trong điều kiện tốt nhất. Cô Nguyệt tham mưu với Đảng ủy, UBND xã hỗ trợ kinh phí cải tạo một phần diện tích sân trường làm sân cỏ nhân tạo rộng hơn 500m2, không gian cổ tích ngoài trời, góc chợ quê.
Tận dụng khoảnh đất trống, cô cùng giáo viên, phụ huynh cuốc đất trồng hoa, rau xanh tạo cảnh quan trong lành, tươi mát. Nhờ vậy trong năm học đã thu hút học sinh ở địa bàn thôn về học tại điểm trường gần nhà, khắc phục tình trạng quá tải ở điểm chính.
Đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh có con nhỏ dưới 3 tuổi, cô cùng Ban Giám hiệu nhà trường tham mưu với cấp trên mở thêm 2 nhóm trẻ, tạo điều kiện cho phụ huynh là công nhân có điều kiện đi làm sớm.
Học sinh hoàn cảnh khó khăn tại Trường Mầm non Tiên Lục được cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt nhận đỡ đầu. |
Qua nắm bắt thấy nhiều gia đình thuộc hộ nghèo hoặc có con đau ốm, cô Nguyệt đã phát động phong trào đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tiên phong trong phong trào này, cô nhận đỡ đầu tài trợ chi phí học tập một học sinh 5 tuổi mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Không chỉ giỏi việc trường, nhà giáo Nguyễn Thị Nguyệt còn đảm việc nhà, quán xuyến chu toàn việc nội, ngoại khi chồng công tác xa. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình cô đã gương mẫu hiến gần 300 m2 đất để mở rộng đường giao thông và hàng trục triệu đồng tiền mặt.
Vũ Hương
Ý kiến bạn đọc (0)