Khu tập thể cũ
Khu nhà tập thể được xây dựng từ thời bao cấp, đã trải qua bao mưa nắng đời người hơn 5 thập kỷ qua. Đó có lẽ là khu tập thể lớn nhất của tỉnh Hà Bắc cũ. Từ ngày Nhà máy phân đạm Hà Bắc được khởi công xây dựng. Thật vinh dự và tự hào đó là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của cả nước. Những dãy nhà cao tầng không chỉ là chứng nhân lịch sử của một thời vàng son mà còn là kí ức của mỗi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở đây.
Minh họa: Đinh Hương |
Mẹ có lẽ là một trong những cư dân đầu tiên sống trong khu tập thể mà người thị xã trước đây quen gọi Khu nhà tầng. Khu nhà với lô nhô những cột ăng ten và ẩm mốc, khu nhà trong trí nhớ của tôi được quét ve vàng và đánh số từ A1 đến A12. Tôi nhớ những năm bao cấp, hầu hết mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào Nhà nước, cán bộ công nhân thời tem phiếu như mẹ, như bác Hoạch, cô Bình, vợ chồng chú Lựu và những người hàng xóm của mẹ đều vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Họ chung nhau từ căn bếp, cái vòi nước máy, chỗ giặt giũ, phơi phóng cho đến cả cái nhà vệ sinh cũng…công cộng. Vậy mà khu tập thể vẫn đầy ắp tiếng cười, những đứa trẻ Khu nhà tầng vẫn học giỏi. Có đứa bây giờ đã là tiến sĩ, giáo sư, có đứa xa tít tận trời Tây, mỗi lần trở về vẫn đem quà chia khắp cầu thang.
Những đồng nghiệp của mẹ hầu hết đã nghỉ hưu, có người chuyển về quê sinh sống, có bác đã trở thành người thiên cổ, lần nào nhắc đến họ nước mắt mẹ cũng rơi. Mẹ bảo: Mới tháng trước cô Vân còn lặn lội từ Nghệ An ra ăn cưới con nhà bác Huỳnh thế mà tuần trước đã mất, sự sống và cái chết thật mong manh như gió, chả biết đâu mà lần.
Cô Vân là phụ nữ đơn thân cùng tầng với nhà mình, những hôm mẹ đi làm ca đêm cô thường sang trông giúp. Bác Huỳnh là người miền Nam tập kết ra Bắc, bác ấy chan hòa và cởi mở, chiều chiều bác hay đỡ hộ mẹ 2 thùng nước vo gạo mẹ xin từ bếp ăn về nuôi lợn. Bác ấy ở lại nhà máy cho tới tận lúc nghỉ hưu.
Giọng mẹ cứ đều đều kể cho tới khi tôi chìm vào giấc ngủ. Trong mơ tôi thấy mình cùng thằng Hoạch đang tranh nhau cuốn sách “Ba chàng lính ngự lâm pháo thủ”, tôi mơ thấy cái Trang nhà cô Thu cho lợn ăn cuối dãy nhà bị lợn cắn vào tay đang ngồi khóc nức nở, thấy thằng Phong chơi trò trận giả bị va đầu vào cái ống nước. Tôi mơ thấy mình được ăn cái bánh mì kẹp chả là phần bồi dưỡng độc hại của mẹ mỗi kỳ đại tu nhà máy. Hồi ấy cái bánh mì sao nó thơm ngon đến thế, nó thơm mãi cả vào những giấc mơ sau này mà chẳng thể nào tôi quên được.
Hôm qua mẹ gọi “cuối tuần con được nghỉ thì về chuyển nhà giúp mẹ”. Nhà nước đang tái thiết, cải tạo và phá dỡ những khu nhà tập thể đã xuống cấp. Nằm bên mẹ trong căn phòng 18m vuông sao bỗng thấy chênh vênh, ký ức cứ ùa về đầy trong cõi nhớ, tưởng rằng người ta có thể quên đi những ngày tháng khó khăn vất vả, quên đi những điều xưa cũ nhưng hóa ra ký ức là một cái gì đó níu kéo chẳng bao giờ quên được.
Chỉ ngày mai thôi là mẹ sẽ sang nhà mới, khu chung cư mới rộng rãi, đẹp đẽ hơn nhưng sao mẹ vẫn bồi hồi mãi về căn phòng cũ kỹ với những bức tường loang lổ và cái cầu thang ẩm mốc rỉ sét. Hóa ra khi người ta chia tay bất cứ điều gì đã từng trở thành thân thuộc, trở thành máu thịt cũng đều thấy nuối tiếc, quyến luyến khôn nguôi.
Cầu thang máy mẹ đứng chưa quen, cái sàn gỗ mẹ đi cũng chưa quen, những người lạ trong cái hành lang dài hun hút cửa đóng then cài mẹ cũng chưa quen. Mẹ tôi già quá rồi chăng? Không. Mẹ tôi sợ mình sẽ cô đơn, cô độc hơn trong những thứ tiện nghi hiện đại. Mẹ sợ sự tách biệt giữa con người với con người.
Còn tôi, giữa những vui buồn bất chợt, tôi nhớ những người đồng nghiệp của mẹ không còn kịp thời gian về bên nhà mới, tôi nhớ lũ bạn học với nụ cười vô tư bên khu tập thể cũ. Gió chiều nay có vẻ lạnh hơn và tôi chỉ kịp khoác cho mẹ tấm áo của mình trước ban công nhà mới.
Tản văn Đinh Tiến Hải
Ý kiến bạn đọc (0)