Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Giới trẻ còn thờ ơ
Hiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và một số phòng khám chuyên khoa trên địa bàn tỉnh đã có hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khảo sát tại các cơ sở y tế nói trên được biết mỗi năm số lượng người đến khám chỉ dao động từ 2 đến 5 lượt người/cơ sở (chủ yếu là những cặp đôi đến khám khi có dấu hiệu bệnh tật, hiếm muộn hoặc cơ quan, đơn vị yêu cầu bắt buộc phải khám sức khỏe trước khi cưới…). Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tư pháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.700 trường hợp kết hôn trong nước và 88 trường hợp kết hôn với người nước ngoài.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tân Yên hướng dẫn cài đặt phần mềm tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân tại Công ty TNHH Mplus (thị trấn Cao Thượng). |
Nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu là do các cặp đôi nhận thấy sức khỏe bình thường, tin tưởng nhau. Bên cạnh đó, nhiều người e ngại khi khám, nếu như phát hiện mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, đối phương tự ái, cho rằng bạn đời thử thách.
Ngoài chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc làm này thì chi phí cho một lần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cũng khá cao (từ 2 đến 4 triệu đồng/người) khiến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân càng trở nên xa vời, nhất là với những cặp đôi điều kiện kinh tế eo hẹp.
Thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản như hiếm muộn, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Mới đây, ở xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) có trường hợp cả hai vợ chồng mang gen thalassemia thể lặn, khi sinh con, cháu bé bị bệnh tan máu bẩm sinh. Gia đình vốn hoàn cảnh khó khăn, con sinh ra bị bệnh khiến áp lực tâm lý nặng nề, kinh tế lại càng khó khăn.
Theo Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Thị Cường, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm rất quan trọng, cần thiết, giúp đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của những cặp đôi sắp cưới để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường về sức khỏe và rủi ro có thể gặp phải cho con cái trong tương lai. Không những thế, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp tầm soát toàn diện chức năng của các bộ phận trong cơ thể như: Gan, hệ tuần hoàn, tuyến giáp, thận… qua đó có biện pháp ngăn ngừa, điều trị bệnh tật kịp thời, phù hợp.
Đối với phái nữ sẽ được tư vấn việc tiêm vắc xin, bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng hợp lý để chuẩn bị cho quá trình mang thai và sinh đẻ an toàn. Thời điểm khám tốt nhất là trước khi cưới từ 3 đến 6 tháng. "Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân vừa là sự quan tâm tới sức khỏe bản thân, mặt khác thể hiện trách nhiệm với người chồng, người vợ. Vì thế, các bạn trẻ không nên e ngại", bác sĩ Hoàng Thị Cường nói.
Ngoài ý nghĩa giúp cho cuộc sống vợ chồng tự tin, hạnh phúc, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn được xem là biện pháp hữu hiệu giúp nâng cao chất lượng dân số. Để hoạt động này ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm thực hiện, thời gian qua, Sở Y tế đã tích cực triển khai đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số- kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2020”.
Với mục đích "mưa dầm thấm lâu", "đi trước đón đầu", các cơ quan, đơn vị đã chủ động tuyên truyền về đề án tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức như hội nghị, tọa đàm, phát tờ rơi, cẩm nang… Cùng đó, nhiều mô hình chuyên biệt được triển khai, trong đó có mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” do Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) phối hợp tổ chức.
Bà Hoàng Thị Thanh Minh, Phó trưởng Phòng Truyền thông- Giáo dục (Chi cục Dân số và KHHGĐ tỉnh) cho hay, từ năm 2017 đến năm 2020, Chi cục Dân số và KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Sơn Động tổ chức 16 cuộc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho hơn 1.500 đoàn viên thanh niên công nhân tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân.
Hướng mạnh vào lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, Chi cục Dân số-KHHGĐ còn phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho nhóm đối tượng này nhằm giúp các bạn trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, sẵn sàng bước vào cuộc sống lứa đôi. Trung bình mỗi năm có hơn 10 nghìn học sinh được tham gia các buổi tư vấn, đại đa số đều hào hứng, cởi mở.
Thông qua các hoạt động trên, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản được giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi hơn. Từ đó giúp nâng cao nhận thức cho nhiều người trẻ về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi bước vào cuộc sống lứa đôi, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao chất lượng dân số.
Ý kiến bạn đọc (0)