Khai quật khảo cổ học tại chùa Mã Yên: Đi tìm dấu cũ, nền xưa
Các nhà khảo cổ học phát hiện khu nền móng cách địa điểm khai quật khoảng 50m. |
Giải mã lịch sử
Giữa cái nắng hanh hao ngày cuối tháng 10, theo dấu chân tiền nhân, chúng tôi cùng các nhà khảo cổ học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) và cán bộ Bảo tàng tỉnh luồn lách dưới tán thông già lên đỉnh núi Huyền Đinh, tiếp cận công trường khai quật khảo cổ Mã Yên. Không chỉ khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương, chúng tôi còn biết thêm nhiều thông tin về di sản văn hóa cổ xưa của cha ông và công việc thầm lặng của các nhà khảo cổ. Người dân bản địa giải thích, Mã Yên là tên một quả núi có hình giống với yên ngựa. Tại đây còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (giống một người đang đứng), núi Con Voi, vực Rêu..., xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn, tất cả đều mang trên mình dấu vết thời gian đậm chất huyền thoại. Mất hơn một giờ leo núi mới đến nơi khai quật, đường đi trắc trở, sóng điện thoại không có, buổi trưa đoàn khảo cổ dựng tạm lán nấu cơm tại chỗ, xế chiều xuống tá túc nhờ một gia đình dưới chân núi. Câu chuyện của người dân về những cuộc đào bới, tìm kiếm cổ vật trong quá khứ từng diễn ra tại đây càng khiến chúng tôi nuối tiếc. Bà Vũ Thị Sang, thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng kể: Cách đây hàng chục năm, khi đi qua khu vực này người dân gặp nhiều di vật, vật cổ nằm ngổn ngang dưới lá rừng, một số nhóm săn lùng đồ cổ, rồi người dân nghĩ có vàng bạc châu báu nên mang cả máy dò kim loại đến đào bới, khiến khu di tích thêm một lần bị tàn phá.
Từ đỉnh Mã Yên, phóng tầm mắt bao quát cả một vùng mênh mang phía hạ du, tiếng thông reo vi vu trong gió, đâu đây như còn âm vang của hồn thiêng sông núi và câu thơ của Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông) mấy trăm năm trước: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng". Dù sử sách và một số tài liệu đã từng nhắc đến chùa Mã Yên nhưng chỉ khi được chứng kiến các hiện vật được "khơi" lên từ lòng đất, chúng tôi mới thấy được tầm vóc một nền móng quần thể kiến trúc cổ giữa đại ngàn hoang vu. Những gì tìm thấy là hệ thống chân tảng đá, vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, sành thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó sớm nhất là thời Trần.
Mấy chục năm gắn bó với nghề, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học Việt Nam) từng có hai lần thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn tương tự và đều tại Bắc Giang. Đó là đợt khai quật tại phế tích chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương (năm 2012) và nay là chùa Mã Yên. Vị trí khai quật đều ở trên núi cao, xa dân cư, nhiều muỗi và vắt rừng, việc di chuyển rất khó khăn. Lần này phải mất 3 ngày phát quang bụi rậm, quét dọn lá rừng để tạo mặt bằng khai quật. Muỗi rừng bay vo vo trước mặt nhưng với họ đây quả thực là một chuyến công tác thú vị và khó quên. Ngồi cạnh nén hương muỗi bốc khói nghi ngút để phân loại, chỉnh lý các hiện vật vừa khai quật được, vị Tiến sĩ 44 tuổi người Thủ đô say sưa ngắm nhìn các họa tiết hoa văn trang trí từ một viên ngói cổ rồi bảo: "Điều đọng lại với tôi không chỉ là khó khăn mà còn vì giá trị thông tin thu lượm từ đợt khai quật. Từng hiện vật phát hiện đều có giá trị thông tin đặc biệt, góp phần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa di tích với các công trình khác thuộc Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử". Việc tìm kiếm, khai quật rất thận trọng và tỉ mỉ; phân loại các hiện vật chi tiết để biết trên cùng công trình kiến trúc xuất hiện bao nhiêu loại vật liệu xây dựng trong mỗi thời kỳ. Mỗi viên đá, mảnh gốm được vệ sinh, lập hồ sơ, báo cáo và sẽ đưa về Bảo tàng tỉnh quản lý...
Chân tảng đá cánh sen được tìm thấy tại chùa Mã Yên. |
Xứng là đại danh lam
Dù sử sách và một số tài liệu đã từng nhắc đến chùa Mã Yên nhưng chỉ khi được chứng kiến các hiện vật được "khơi" lên từ lòng đất, chúng tôi mới thấy được tầm vóc một nền móng quần thể kiến trúc cổ giữa đại ngàn hoang vu. Những gì tìm thấy là hệ thống chân tảng đá, vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, sành thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó sớm nhất là thời Trần. |
Với diện tích khai quật hơn 200m2, sau gần một tháng thực hiện, bước đầu các nhà khảo cổ học đã thấy rõ nhiều lớp kiến trúc, trong đó có nền móng của ngôi thượng điện ba gian hướng Nam như: Hệ thống bậc thềm, cửa, chân tảng đá còn nguyên, ngói trang trí, bát, đĩa, chum lọ, cối đá… Ngoài ra còn thấy giếng cổ, dấu chân Phật trên đá, tại khu vực lân cận phát hiện nền móng những công trình kiến trúc khác quy mô lớn nằm rải rác trong không gian hàng nghìn m2. Nhận định sơ bộ, đó có thể là nơi ở của các nhà sư, nhà bếp, tòa tiền tế... Đào đến ngày thứ 8, đoàn phát hiện một hố sâu 1m có chôn nhiều mảnh chum, lọ. Anh Nguyễn Đức Thống, chủ khu rừng đã nhanh chóng về nhà lấy hương, hoa quả đến làm lễ, cẩn thận hơn, anh và người thân khuân mấy tảng đá lập tạm một bàn thờ. Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, hố này nhiều khả năng là vết tích của việc săn lùng cổ vật trước đây. Các tay săn lùng cổ vật đào bới rồi chôn các vật dụng xuống đó. Quá trình khai quật, đoàn phát hiện có sự xáo trộn giữa các lớp sinh thổ. Tiến sĩ Hiệp giải thích: Theo cổ sử thì chùa Mã Yên có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII) nhưng đến thời điểm hiện tại, đoàn khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng để khẳng định công trình khởi dựng từ thời Lý. Với các vật liệu xây dựng đã thu thập, có thể nhận biết di tích đã trải qua ít nhất ba mốc thời gian, gồm thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) với sự xuất hiện của chân tảng đá hình cánh sen; thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) với ngói mũi sen trang trí hoa văn như ý và cuối cùng là thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư.
Với hiện vật khảo cổ, tài liệu lịch sử và đặc điểm trên, Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm. Cơ sở để các nhà khoa học nhận định, chùa sử dụng hệ thống tường bao gỗ vì quá trình khai quật hầu như không xuất hiện gạch, rất có thể các bậc tiền nhân đã bạt núi xây chùa và tận dụng gỗ tại chỗ làm tường bao. Với những tấm ngói bản to, nặng cho thấy, bộ chịu lực của kiến trúc như cột, vì, kèo khá lớn, công trình sử dụng 2 loại đá, trong đó phần lớn đá tại chỗ để kè nền và có thêm đá sa thạch được chuyển từ nơi khác đến tạc chân tảng hoa sen. Các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy lá đề, tháp mộ, đầu rồng, phượng như vẫn thấy ở các ngôi chùa thời Trần trước đây. Dù vậy, rất có thể do công trình nằm trên sườn núi chênh vênh, độ dốc cao, qua nhiều thế kỷ hiện vật bị trôi trượt.
Mặc cho lớp thời gian khiến nhiều tầng văn hóa Phật giáo bị phai nhạt, điều đọng lại với mỗi người đã từng đến Mã Yên là sự kính phục, trân trọng di sản mà cha ông đã tạo dựng. Đợt khai quật khảo cổ tại Mã Yên chưa kết thúc song các thông tin thu được có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc… Bên cạnh đó vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học.
Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, trước mắt khi chưa thể khôi phục chùa, địa phương cần khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ, làm đường giao thông tới các phế tích, có thể xây dựng biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu, gắn với bảo vệ cảnh quan xung quanh. Chính quyền sở tại nên có phương án bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng, tránh để phế tích tiếp tục bị xâm hại. Ông mong muốn tỉnh Bắc Giang sớm xem xét, xếp hạng di tích này. Về lâu dài, trên cơ sở các tư liệu, kết quả từ đợt khai quật, địa phương có thể phục dựng chùa mới, gắn với phát triển du lịch, đồng thời cũng có thể tổ chức khai quật quy mô lớn hơn để có thể đánh giá toàn bộ kiến trúc công trình. Hy vọng rằng, vị trí xứng đáng của khu di tích này sẽ được tìm lại trong tương lai không xa.
Thanh Hải - Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)