Hướng tới Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ VII: Sẻ chia với đồng đội khó khăn
Tiếp khách trong căn nhà vừa sửa lại phần mái, ông Nguyễn Quang Tủng (SN 1952) ở tổ dân phố Hậu, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) không giấu được niềm hạnh phúc. Ông nói, mấy chục năm về trước, hai vợ chồng ông dành dụm tiền để xây ngôi nhà nhỏ chỉ rộng hơn 50 m2, phần mái bằng tấm lợp xi măng nên mùa hè nóng bức, khó chịu.
Hội CCB phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) hỗ trợ kinh phí sửa nhà cho CCB - thương binh Nguyễn Quang Tủng. |
Nhiều đêm, ông phải mang võng ra ngoài sân nằm. Gia đình ông Tủng thuộc diện hộ cận nghèo, bản thân ông là thương binh nặng, sức khỏe mỗi năm thêm yếu, kinh tế eo hẹp, chưa có điều kiện sửa chữa căn nhà.
Vừa qua, Hội CCB phường Thọ Xương đã vận động các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ hơn 40 triệu đồng giúp gia đình ông sửa lại phần mái nhà, thay bằng mái tôn cách nhiệt, chống nóng. Ngày khởi công, các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội CCB phường, các đồng chí trong Chi hội CCB tổ dân phố đã đến giúp gia đình tháo dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu.
Trong một tuần thi công, gặp trời mưa gió, nhưng tinh thần làm việc của những cựu binh và thợ xây dựng vẫn hăng hái, nhiệt tình. Công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã giúp gia đình cựu binh có nơi ở khang trang hơn, tư tưởng thoải mái, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Trường hợp của ông Tủng là một trong số hàng chục hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP được các cấp Hội CCB giúp đỡ mỗi năm. Ngoài hình thức hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà, Hội CCB TP còn duy trì mô hình “10+1”, tức là 10 hội viên khá đóng góp kinh phí giúp đỡ một hội viên nghèo.
CCB có hoàn cảnh khó khăn còn được vay chân quỹ (mỗi hội viên khi vào hội đóng 500 nghìn đồng làm chân quỹ, số tiền này cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, không lấy lãi). Anh Hà Văn Hưng, Chủ tịch Hội CCB phường Thọ Xương cho biết: “Nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, chúng tôi rà soát, lấy ý kiến, lựa chọn kỹ các trường hợp, ai khó khăn hơn sẽ ưu tiên sử dụng nguồn hỗ trợ trước”.
Thống kê từ Hội CCB tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 1,2 nghìn hộ hội viên CCB thuộc diện nghèo; hơn 2,4 nghìn hộ thuộc diện cận nghèo. 194/209 phường, xã không còn CCB nghèo. |
Tìm hiểu ở Hội CCB huyện Tân Yên được biết, mỗi hội CCB cấp xã đều có những cách làm hiệu quả, thiết thực để không hội viên nào bị bỏ lại phía sau. Như trong cả năm 2019, đều đặn mỗi tháng, Hội CCB xã Ngọc Châu đóng góp, dành tặng ông Nguyễn Văn Lễ ở thôn Khánh Giàng 300 nghìn đồng để hỗ trợ ông đi chữa bệnh. Đến nay, bệnh tình của ông đã thuyên giảm.
Nhiều năm nay, hơn 500 hội viên ở Hội CCB xã Song Vân duy trì việc đóng góp 10 nghìn đồng/người/năm để gây quỹ giúp đỡ đồng đội. Năm 2020, Hội CCB xã cho ông Giáp Văn Kiện (SN 1947) ở thôn Chậu vay 5 triệu đồng từ nguồn quỹ nói trên để ông trồng 200 cây chuối, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Trước đó, ông Đoàn Bá Lịch (SN 1957) ở thôn Tân Lập được Hội CCB xã hỗ trợ 20 triệu đồng (trong đó 10 triệu đồng do hội viên đóng góp, 10 triệu đồng xã hội hóa). Có kinh phí, ông cải tạo lại vườn tạp, trồng hơn 200 gốc bưởi, đến nay vườn bưởi tươi tốt, cho năng suất cao.
Thực tế, nhiều gia đình hội viên được giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ấm no. Đơn cử như gia đình CCB Hoàng Thị Tuất ở tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Xương Giang (TP Bắc Giang); CCB Lãnh Văn Từ ở thôn Thảo, CCB Thân Văn Lăng ở thôn Biển Dưới cùng xã Biển Động (Lục Ngạn); CCB Tô Văn Trưởng ở thôn Quan 1, ông Phạm Minh Đức ở thôn Trường Khanh cùng xã Đông Hưng (Lục Nam)…
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lê Văn Hoan đánh giá, các cấp hội đã bám sát phương châm, hỗ trợ đúng người, đúng việc, thiết thực, tập trung vào công trình, phần việc mang tính chất lâu dài như hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở. Được biết, năm 2021, các cấp hội vận động kinh phí sửa, xây mới 107 nhà, vượt chỉ tiêu 13 nhà với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Năm 2022, Hội CCB tỉnh phấn đấu sửa chữa, xây mới 76 nhà. Phần lớn CCB được hỗ trợ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, là thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Tất cả đều là những việc làm thiết thực để tri ân công lao những người có công với cách mạng, góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)