Hội LHPN huyện Yên Thế: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho hội viên
Khai thác thế mạnh
Hội LHPN huyện Yên Thế có 197 chi hội thuộc 20 cơ sở hội với gần 23 nghìn hội viên đang sinh hoạt, đa số làm nông nghiệp. Để có thêm nhiều việc làm và cải thiện thu nhập, Hội LHPN huyện tích cực vận động hội viên đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, liên kết. Đồng thời tạo điều kiện cho hội viên tham gia chương trình đào tạo nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Cán bộ phụ nữ huyện Yên Thế thăm mô hình liên kết sản xuất thanh long của hội viên xã Đồng Tiến. |
Mô hình liên kết sản xuất trà xạ đen Diệp Nhật và rượu gạo men lá truyền thống của chị Nông Thị Huệ, dân tộc Nùng ở bản Trại Nhì, xã Hồng Kỳ là một trong số đó. Cây chè được trồng nhiều trên địa bàn huyện song trước đây, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ chè còn tự phát, nhỏ lẻ nên đầu ra không ổn định. Với mục tiêu nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho nông sản quê hương, chị Huệ có ý tưởng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm trà.
Năm 2020, chị được Hội LHPN huyện phối hợp với một số đơn vị hướng dẫn thành lập HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, quản lý kinh doanh. Được trang bị những kiến thức cần thiết, chị tiếp tục tìm tòi tạo ra sản phẩm chất lượng, tiện lợi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Năm 2022, sản phẩm "Trà xạ đen Diệp Nhật" túi lọc của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng lựa chọn. Bên cạnh đó, chị Huệ bàn với các thành viên HTX đầu tư dây chuyền nấu rượu bằng điện. Đồng thời tận dụng bã rượu để nuôi lợn thương phẩm, tăng thu nhập cho thành viên. HTX hoạt động ổn định, từng bước phát triển, mỗi năm thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.
Nắm bắt đặc điểm thổ nhưỡng, khuyến khích người dân liên kết canh tác loại cây trồng phù hợp cũng là cách thức để huyện Yên Thế phát triển nông nghiệp bền vững. Địa bàn thôn Đồng An, xã Đồng Tiến nhiều đồi núi, đất đai cằn cỗi. Sau khi phối hợp với một số chuyên gia nông nghiệp phân tích năng suất các loại cây đang thâm canh trên địa bàn, Hội LHPN xã đã chỉ đạo, hướng dẫn Chi hội Đồng An lựa chọn đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng. Để thuận tiện trong sản xuất, tiêu thụ, Hội LHPN xã vận động các chị em trong Chi hội Đồng An thành lập tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ.
Chị Dương Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, tổ trưởng tổ liên kết cho biết: Hiện tổ có 20 hộ phụ nữ trồng thanh long với hơn 20 ha. Tham gia tổ liên kết các hộ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất cây trồng. Việc trồng, thu hoạch đồng loạt theo đợt và tập trung sản phẩm tại một điểm để thu mua thuận tiện. Mô hình tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, gần 50% nông sản của huyện được tiêu thụ ở ngoài địa phương. Việc hình thành các tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bao tiêu sản phẩm đã và đang giúp huyện Yên Thế duy trì, giữ vững thương hiệu nhiều nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Cùng với các cấp ngành, chính quyền, Hội LHPN Yên Thế đã tập trung xây dựng, nhân rộng 25 mô hình tổ liên kết của phụ nữ với 576 thành viên.
Hiện nay, các cấp hội phụ nữ huyện Yên Thế có 25 mô hình tổ liên kết sản xuất nông nghiệp với 576 thành viên. Các tổ tạo việc làm thường xuyên cho 750 lao động, mỗi năm giúp đỡ hàng trăm lượt hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động và vốn sản xuất, kinh doanh. |
Nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, 100% tổ liên kết đã ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Một số mô hình được nhân rộng như: Chăn nuôi gà, lợn sạch, trồng thanh long ruột đỏ, chè, cây dược liệu... Các tổ tạo việc làm thường xuyên cho 750 lao động, mỗi năm giúp đỡ hàng trăm lượt hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động và vốn sản xuất, kinh doanh.
Quá trình triển khai, Hội LHPN huyện phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá hiệu quả hoạt động và thường xuyên rút kinh nghiệm. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất, phương thức kinh doanh mới giúp các hội viên xây dựng kế hoạch, lập phương án hoạt động hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên.
Chị Nông Thị Tuyết Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, các cấp hội trong huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế và đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 gắn với phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Các cơ sở hội đăng ký mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn của Đề án với hướng phát triển những sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và bảo lãnh vay vốn, khai thác các nguồn hỗ trợ hội viên. Mục tiêu để các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đạt hiệu quả cao, đóng góp vào sự ổn định, tăng trưởng kinh tế chung của huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)