Mở đường, mở hướng thoát nghèo
Nhiều tuyến đường mới mở
Năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo; riêng huyện Sơn Động, hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra. Qua phân tích, hiện nay, số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, thôn, bản đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng, sản xuất. Vì vậy, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên lồng ghép nguồn lực, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số phát triển hạ tầng giao thông, tạo đà kết nối, phát triển.
Đường trục xã Đồng Hưu (Yên Thế) nhìn từ trên cao. Ảnh: Danh Lam. |
Mấy năm gần đây, người dân xã Phúc Sơn (Sơn Động) đi lại dễ dàng hơn nhờ chủ trương cứng hóa đường nông thôn của tỉnh. Nhiều tuyến đường được đổ bê tông, nhiều ngầm qua suối được đầu tư xây mới. Điển hình như tuyến đường từ thôn Hấu đi Đồng Cao. Trước đó, đây là con đường đất đỏ, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội khiến bà con di chuyển rất khó khăn. Với mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ vốn ngân sách huyện, con đường đã được trải bê tông.
Bà Vi Thị Tèn ở thôn Hấu chia sẻ: "Trước kia đường đất nên mỗi khi mùa mưa đến bà con đi lại rất khó khăn, trẻ con đến trường cũng vất vả. Bây giờ, chính quyền đầu tư làm đường bê tông giao thông và ngầm tràn qua suối nên đi lại thuận tiện. Nhờ đó, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật liệu của bà con dễ dàng hơn".
Theo bà Nguyễn Thị Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã: Phúc Thắng và Thạch Sơn. Cả hai xã đều thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng chưa được đầu tư, giao thông không thuận lợi. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ kém phát triển. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xã Phúc Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.
Ở Yên Thế, năm 2022 huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để bố trí gần 320 tỷ đồng cứng hóa đường thôn, xóm, trục xã. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cùng với việc bố trí vốn, huyện chỉ đạo các phòng, ngành, UBND các xã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân góp công, góp của để những tuyến đường thêm dài, rộng hơn. Với cách làm đó, nửa nhiệm kỳ qua huyện đã cứng hóa 878 km đường”. Nhiều tuyến đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, tiêu thụ nông sản như ở các bản: La Lanh, La Xa (xã Đồng Vương); đường bê tông, ngầm ở bản Đồng An, đường bê tông bản Gốc Bòng (xã Đồng Tiến)…
Đường rộng dài, đời sống đổi thay
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh huy động hơn 4 nghìn tỷ đồng làm đường, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt hơn 4,2 nghìn km. Giao thông phát triển tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con từng bước được nâng lên rõ rệt. Cái nghèo đang dần được thay thế bằng sự no đủ, sung túc.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh huy động hơn 4 nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,7 nghìn tỷ đồng thực hiện kiên cố hóa hơn 4,2 nghìn km đường nông thôn. Giao thông phát triển tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con từng bước được nâng lên rõ rệt. |
Hiện nay, huyện Lục Nam có 1,7 nghìn ha na (đứng đầu tỉnh về diện tích, sản lượng hơn 14 nghìn tấn/năm), hơn 6 nghìn ha rau màu, gần 6 nghìn ha vải, 750 ha nhãn và hơn 400 ha dứa. Xác định sản xuất nông nghiệp là lợi thế của địa phương, để tạo điều kiện cho bà con nông dân đi lại, giao thương, những năm qua, huyện Lục Nam đã tích cực vận động người dân chung sức làm đường giao thông. Đường sá cải thiện giúp thúc đẩy buôn bán nông sản, từ đó, đời sống người dân cũng được nâng cao.
Theo ông Hoàng Văn Thứ, thôn Tranh, xã Vô Tranh, nhà có 0,5 ha trồng nhãn. Trước đây đường nhỏ, ô tô không vào được nên phải chở bằng xe máy đi bán. Ngày nay, đường bê tông chạy đến chân đồi nên thương lái có thể tới tận nơi thu mua, vừa đỡ mất công mà lại được giá.
Ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: "Sự phát triển mạnh mẽ của đường giao thông thúc đẩy bà con phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có đời sống ngày càng tốt hơn. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,5 triệu đồng/năm. Toàn xã có 222 hộ nghèo, chiếm 8,59% (tại thời điểm tháng 10/2022); xã phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%".
Hay như xã Phong Vân (Lục Ngạn) với lợi thế đồi núi cao, đường sá đã được đầu tư thuận lợi nên phát triển nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Xã có nhiều mô hình liên kết sản xuất như: Nuôi ngựa bạch, trồng rừng, vải thiều. Thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn là một trong những quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây chính là tiền đề để việc lưu thông, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm hàng hoá của bà con nông thôn, miền núi và vùng khó khăn.
Hằng năm, Sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo từ sớm. Dựa trên thực tế các địa phương và nguồn vốn được phân bổ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực; khuyến khích lồng ghép các nguồn hỗ trợ và xã hội hoá, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, tạo cơ sở thuận lợi để người dân phát triển mô hình sản xuất.
Thủy Bình
Ý kiến bạn đọc (0)