Hỗ trợ vùng khó khăn, hướng tới giảm nghèo bền vững
Thay đổi tư duy, phương thức hỗ trợ
Kết thúc giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,14% tổng số hộ, bình quân giảm 2,16%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn còn 13,45%; các thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7%/năm (đều vượt mục tiêu đề ra). Kết quả giảm nghèo mang tính bền vững khi hằng năm, tỷ lệ tái nghèo chỉ chiếm 0,64% so với số hộ nghèo phát sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có được kết quả này là nhờ sự thay đổi tư duy về giảm nghèo, chuẩn nghèo ở các cấp, ngành và mỗi địa phương, từ cán bộ cơ sở đến người nghèo. Phương thức hỗ trợ hộ nghèo chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, có đối ứng. Các địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc “cần câu”, giảm nghèo bền vững.
Đường giao thông nông thôn ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn) được đầu tư, tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. |
Nghĩa Phương là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Lục Nam với 5/21 thôn đặc biệt khó khăn, người dân đa phần làm nông nghiệp. Bà Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với mô hình sản xuất manh mún, thiếu vốn, kỹ thuật, bà con khó có cơ hội vươn lên. Vì vậy, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã dành phần lớn kinh phí đầu tư hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn. Xã phân công, gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo địa bàn phụ trách, nhất là trong đợt điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.
Việc xác định đúng đối tượng, nguyên nhân nghèo giúp lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách. Nhờ vậy, năm 2021, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn xã Nghĩa Phương còn 194 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,6%, giảm 0,49% so với năm 2020 và 32,1% so với năm 2015. Bà Vũ Thị Thanh (SN 1968), thôn Dùm - một trong những hộ thoát nghèo năm 2019 cho biết, năm 2015, gia đình bà được hỗ trợ 50 cây bưởi Diễn và phân bón trong dự án hỗ trợ sinh kế của địa phương. Đến nay, hộ bà Thanh đã có gần 300 cây bưởi và nuôi thêm gà, vịt, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Lồng ghép các nguồn lực
Theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, nếu áp theo chuẩn nghèo cũ của giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn hơn 11 nghìn hộ nghèo, chiếm 2,37% (giảm gần 3,6 nghìn hộ và 0,77% so với năm 2020). Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2021-2025 thì tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là hơn 24,6 nghìn hộ, chiếm 5,27%; tăng hơn 9,9 nghìn hộ và 2,13% so với năm 2020.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở xã Hữu Sản (Sơn Động). |
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Trải qua một giai đoạn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với việc chuyển đổi hình thức đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và các tiêu chí đánh giá sát thực tế, kết quả giảm nghèo hằng năm không chỉ nhanh mà còn dần đạt yếu tố bền vững.
Tuy vậy, với số hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên sau tổng điều tra do áp chuẩn nghèo mới và ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 sẽ gặp không ít thách thức. Để tăng thu nhập và tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thì giải pháp quan trọng, then chốt vẫn là huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực.
Trên thực tế, yếu tố “bền vững” trong giảm nghèo thể hiện ở việc giảm số hộ nghèo theo mục tiêu đề ra nhưng phải hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Năm 2015, huyện vùng cao Sơn Động có tỷ lệ hộ nghèo là 50,8%, tương ứng 10,3 nghìn hộ. Đến nay, do phát huy tối đa các nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo huyện (theo chuẩn cũ) giảm còn 16,7% (tương ứng hơn 3,4 nghìn hộ).
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã bám sát phương châm đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, từ tổng nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mỗi năm, huyện ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi ở vùng khó khăn, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh theo nghị quyết của HĐND tỉnh, trong hai năm 2020, 2021, Sơn Động đầu tư xây dựng 16 công trình hạ tầng tại các xã: An Lạc, Tuấn Đạo, An Bá, Phúc Sơn, Thanh Luận, Yên Định với tổng số vốn được giao gần 20 tỷ đồng. Đối với Chương trình 30a, huyện làm đường vào trung tâm xã An Lạc và sửa chữa, duy tu 10 công trình đường bê tông liên thôn ở một số xã khác. Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện tự nhiên từng xã, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã đẩy mạnh giúp vốn, phổ biến kỹ thuật mới để hộ nghèo phát triển mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, đời sống bà con được cải thiện đáng kể.
Theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, nếu áp theo chuẩn nghèo cũ của giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn hơn 11 nghìn hộ nghèo, chiếm 2,37% (giảm gần 3,6 nghìn hộ và 0,77% so với năm 2020). Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2021-2025 thì tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là hơn 24,6 nghìn hộ, chiếm 5,27%; tăng hơn 9,9 nghìn hộ và 2,13% so với năm 2020.
|
Để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, trong đó, các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phát huy những kết quả đạt được, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, làm thay đổi nhận thức, phương thức giảm nghèo. Phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư từ T.Ư và ngân sách tỉnh trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường xã hội hóa trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, nhất là bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Trương Đức Huấn nhấn mạnh: “Ngành LĐTBXH đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 bảo đảm hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Bên cạnh hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật sản xuất để nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững”.
Ý kiến bạn đọc (0)