Hiệu quả từ nhân giống bơ bằng phương pháp ghép
Theo Sở KH&CN, từ năm 2019, đơn vị phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) triển khai mô hình trồng thử nghiệm một số dòng, giống bơ với quy mô 15 hộ trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động. Giống bơ được trồng là MC 17 và Choquete (giống bơ nhập nội từ Cuba). Đến nay, cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, trung bình mỗi cây cho từ 20-35 kg quả.
Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN cùng nhóm tác giả đề tài nghiên cứu kiểm tra chất lượng cây bơ giống. |
Tuy nhiên, phần lớn cây giống nhập từ các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, phát sinh nhiều chi phí vận chuyển, giá thành cao hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống và tiến độ trồng. Mặt khác, một số hộ vẫn sử dụng giống cũ, phương thức nhân giống từ hạt, tỷ lệ lẫn tạp cao dẫn tới năng suất thấp, chất lượng không đồng đều.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2023, Chi đoàn Sở KH&CN đề xuất thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống bơ bằng phương pháp ghép tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang”. Qua đây nhằm tạo nguồn cây giống tốt, chất lượng, có triển vọng (chủ yếu là giống bơ Booth 7, Bơ 034); tiết kiệm chi phí vận chuyển, giá thành, giúp nông dân có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích trồng giống cây này.
Chi đoàn Sở KH&CN lựa chọn gia đình anh Dương Văn Dẫu (SN 1985), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Bảo Sơn (Lục Nam) để phối hợp thực hiện đề tài. Thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 11/2023.
Được biết, anh Dẫu có thời gian khá dài làm việc tại tỉnh Đắk Lắk (địa phương trồng nhiều cây bơ cho năng suất cao). Nhận thấy đây là một loại cây giúp nông dân thoát nghèo nên năm 2017, anh mang giống bơ về trồng tại đồng đất quê hương mình. Từ 50 cây ban đầu, đến nay, khu vườn rộng 2 ha của gia đình anh đã có gần 1 nghìn cây, chủ yếu là bơ Booth 7, bơ 034. Dự kiến cho thu quả vào tháng 7 năm nay, mỗi cây ước khoảng 50 kg quả (cao hơn những vụ trước khoảng 20 kg/cây).
Từ hàng trăm cây trong vườn nhà anh Dẫu, nhóm tác giả đã khảo sát, lựa chọn những cây có chồi ghép to khỏe để thực hiện quy trình nhân giống bằng phương pháp ghép. Chị Đỗ Nguyên Hạnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chúng tôi lựa chọn cây gốc ghép từ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống uy tín (cao khoảng 30 cm, có từ 8-10 lá, không sâu bệnh). Đoạn cành ghép được lựa chọn kỹ càng với các tiêu chuẩn như sạch bệnh, có ít nhất 3 chồi ở dạng ngủ, cành dài từ 10-15 cm, không quá non, vẫn giữ được màu xanh tươi”.
Sau khi ghép, anh Dẫu được hướng dẫn đầy đủ các kỹ thuật chăm sóc. Cây ghép được 1 tháng cũng là lúc tiết trời nắng nóng gay gắt, anh Dẫu đã che lưới đen cho cây, tưới nước vào bầu thường xuyên, không tưới lên cành ghép, bón phân đầy đủ và phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc đặc trị. Đến nay, tỷ lệ cây sống, phát triển tốt đạt 90%, vượt chỉ tiêu đề ra 15%.
Anh Dẫu phấn khởi nói: “Cây giống này có khả năng sinh trưởng tốt, thời gian đậu quả được rút ngắn từ 3-4 năm xuống còn 2 năm rưỡi, quả thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Từ tháng 5 tới nay, gia đình tôi bán được hàng trăm cây giống cho các hộ dân trong và ngoài xã. Đặc biệt, giống bơ này có thể trồng trái vụ, vừa bảo đảm sản lượng, chất lượng vừa cạnh tranh được về giá”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng loại cây này, anh Dẫu chia sẻ thêm, trong các giống bơ phổ biến hiện nay thì giống bơ Booth 7 có nguồn gốc từ Mỹ được xem là giống cho chất lượng cao, năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Cây bơ có thể thích nghi với nhiều loại đất trồng khác nhau nhưng phải bảo đảm dễ thoát nước, không ngập úng. Cây bơ mới trồng cần được che nắng, tưới đủ nước.
Việc tỉa cành, tạo tán rất quan trọng, quyết định đến năng suất, vì thế, người trồng cần tạo cho cây bơ có tán cân đối, loại bỏ sâu bệnh và cành không cho trái, cành bị che nắng giúp cây khỏe, tập trung dinh dưỡng ở những cành đậu quả. Bên cạnh đó thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh, phòng ngừa kịp thời. Thời gian tới, HTX Nông nghiệp xanh Bảo Sơn phấn đấu liên kết sản xuất, mở rộng thị trường và tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây bơ nói riêng đang là mục tiêu, hướng đi đúng, trúng của tỉnh. Hiện cây bơ đã được trồng ở một số địa phương nhưng nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong nhân giống, chăm sóc, tiêu thụ nên chưa phát huy tối đa những lợi thế của loại cây này.
Như vậy, cái được đầu tiên của đề tài nghiên cứu nhân giống bơ bằng phương pháp ghép là giúp nông dân có nguồn cây giống tốt, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao; tiếp theo là được tiếp cận những kỹ thuật chăm sóc phù hợp, khoa học, giúp cây phát triển khỏe mạnh, cho sản lượng cao. Cơ quan chủ trì và cá nhân thực hiện có thêm các dữ liệu khoa học về giống, kỹ thuật nhân giống để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn trên cây bơ cũng như các giống cây khác.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)