Hai dấu ấn làm báo thời đổi mới
Tôi nhớ Hà Bắc khi đó vẫn xuất bản 2 kỳ/tuần in hai màu nhưng đổi sang khổ nhỡ, phát hành chỉ vài ngàn tờ/kỳ. Tòa soạn khi đó truyền miệng câu nói “thứ Sáu chưa qua, thứ Ba đã tới” là vì ý đó.
Làm báo thứ Bảy ở “hai tòa soạn”
Năm 1993, trước đòi hỏi của bạn đọc và nhu cầu phát triển tờ báo của Đảng bộ tỉnh, Ban Biên tập, đứng đầu là nhà báo Hoàng Tiến có ý tưởng ra tờ thứ Bảy gồm 8 trang, trong đó trang 1 và 8 in 4 màu. Tờ báo nhằm đáp ứng các tiêu chí thông tin đa dạng, phong phú các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế, đồng thời mang tính giải trí cao thông qua các chuyên trang, chuyên mục; tin tức, phóng sự, văn hóa- nghệ thuật, quốc tế- thể thao… từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực về nhân lực, vật lực, được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 1/1/1994, Báo Hà Bắc chính thức xuất bản 3 số báo ra thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần sau 32 năm. Đây được coi là dấu mốc quan trọng của Báo Hà Bắc (nay là Báo Bắc Giang) ghi nhận sự nỗ lực đổi mới và phát triển tờ báo Đảng địa phương cũng như đáp ứng sự mong đợi của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu thăm Phòng Báo Điện tử nhân dịp khai trương Báo Bắc Giang điện tử 1/1/2007. Ảnh: Việt Hưng |
Để làm được tờ báo này, bây giờ nhớ lại quả là một hành trình khó quên. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến ra vào nên làm hay không vì còn thiếu các điều kiện cần và đủ cho một ấn phẩm mới, hơn nữa tờ báo in 4 màu, xưa nay cả năm ra vài số còn khó khăn, huống hồ bây giờ ra một số/tuần quả là không đơn giản chút nào. Nhưng quyết tâm của Ban Biên tập và anh em cơ quan thì có sẵn. Khi tờ báo thứ Bảy hình thành được đề cương, công tác tập hợp, chuẩn bị tin bài của phóng viên và cộng tác viên, rồi tòa soạn biên tập, in 4 màu cũng là một vấn đề được đặt ra.
Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, Ban Biên tập quyết định tổ chức các Hội nghị cộng tác viên báo thứ Bảy tại Hà Nội và Bắc Giang, mời các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình như: Vũ Bão, Băng Sơn, Thanh Hào, Lê Bầu, Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Mai Thục, Trương Kim Dung, Hữu Sơn, cùng một số văn nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà văn hóa ở địa phương làm cộng tác viên. Tòa soạn báo thứ Bảy được đặt tại Báo Hà Bắc và Văn phòng tại Hà Nội do anh Trần Đăng Khoa, Báo Văn hóa phụ trách. Mời nhà thơ Thanh Kim, nguyên phóng viên Báo Hà Bắc làm đại diện cho Báo Hà Bắc tại Hà Nội tập hợp tin bài của cộng tác viên, biên tập, chọn lọc để cuối tuần Tổng Biên tập Hoàng Tiến ra duyệt tin bài, ảnh từ “hai tòa soạn”, lên maket và chuyển in tại Nhà in Thống Nhất.
Khi ấy cả cơ quan có chiếc xe Lada cổ ọc ạch là phương tiện duy nhất hằng tuần ra lấy báo về phát hành tại Bắc Giang. Công việc làm báo thứ Bảy cứ như vậy suốt mấy năm trời, “hàm nào đố ấy” suôn sẻ. Cuối tuần nào tờ báo cũng háo hức đến tay bạn đọc còn thơm giấy mực, anh em nói vui mấy chục năm mới có tờ báo làm ở “hai tòa soạn”. Nhìn lại mà toát mồ hôi. Báo Hà Bắc thứ Bảy vẫn nội dung ấy đã có lúc đổi thành tờ thứ Sáu, cuối tuần, rồi lại được “trả lại tên cho em” cho đến bây giờ. Từ báo Hà Bắc thứ Bảy đến Bắc Giang thứ Bảy đã đi qua 28 năm trên chặng đường 60 năm Báo Bắc Giang ra số đầu. Vẫn cái tên “khai sinh” ấy nhưng chỉ khác là tờ báo ngày một đẹp hơn, hay hơn với 12 trang dày dặn đầy đủ các thông tin của một tờ báo chính trị - văn hóa và giải trí cao luôn có chỗ đứng và sự mong đợi trong lòng bạn đọc xa gần.
Bắc Giang điện tử - tờ báo của hội nhập và phát triển
Vào năm 2006, một số tờ báo láng giềng ngoài báo in đã có Báo điện tử, khi đó rất mới với báo Đảng các tỉnh. Ban Biên tập đã họp mấy phiên cho ý kiến phải ra được Báo Bắc Giang điện tử hơn nữa lại đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm Báo Bắc Giang xuất bản số đầu 1/1 (1962-2007) và 10 năm tái lập tỉnh, phải có cái gì đó mới hơn để chào mừng các sự kiện quan trọng này (thời điểm đó Báo Bắc Giang đã phát hành liên tục từ thứ Hai đến thứ Sáu và tờ nguyệt san Bắc Giang cuối tháng). Anh Lê Tâm, Giám đốc Nhà in được phân công làm Đề án Báo Bắc Giang điện tử. Chúng tôi tranh thủ tham khảo, học tập một số báo bạn trong khu vực: Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Ninh… sau đó thống nhất trong Ban Biên tập và báo cáo Tỉnh ủy.
Báo Bắc Giang thứ Bảy ngày càng đổi mới, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. |
Trong một cuộc họp vào khoảng tháng 6/2006, tôi trực tiếp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Bí thư Tỉnh ủy Đào Xuân Cần. Còn nhớ khi đó Báo Bắc Giang xin ý kiến làm báo điện tử, vì là việc mới ở tỉnh nên có nhiều ý kiến phản biện, nhưng cuối cùng Bí thư kết luận đồng ý cho làm. Thế là công việc bắt đầu (lúc đó kinh phí chưa có, thống nhất là làm trước rồi xin bổ sung sau). Trong Đề án Báo Bắc Giang điện tử nêu rõ: Báo Bắc Giang điện tử là loại hình báo chí hiện đại đa phương tiện có nhiều tính năng nổi trội: Thông tin cập nhật liên tục, không hạn chế về không gian và thời gian; có khả năng tương tác và kết hợp truyền dẫn các phương tiện truyền tải thông tin: Chữ viết, âm thanh, hình ảnh, dung lượng lớn không hạn chế về diện tích và số trang.
Giao diện hấp dẫn nhiều màu, sử dụng tiện lợi mọi lúc, mọi nơi… Với những ưu điểm đó, Bắc Giang điện tử là tờ báo của hội nhập, là cầu nối giữa tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch và đông đảo bạn đọc, cộng tác viên… từ đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, du lịch Bắc Giang ra cả nước và thế giới.
Sau mấy tháng tích cực chuẩn bị các điều kiện về thủ tục pháp lý, tư liệu, hình ảnh, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết. Cùng lúc cử các phóng viên, biên tập viên đi học nghiệp vụ ở Báo Hà Nội mới, Thái Nguyên, Hòa Bình để về làm. Vào khoảng tháng 10/2006, giao diện Báo Bắc Giang điện tử được “treo lên” để chạy thử với 38 chuyên mục, chuyên đề phản ánh nhiều nội dung về chính trị, văn hóa - xã hội, pháp luật, du lịch, giải trí cùng những thông tin bổ ích cho các nhà đầu tư, đồng thời tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung, hình thức tờ báo cho hoàn chỉnh.
Kỷ niệm 60 năm ra đời Báo Bắc Giang là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường dài của các thế hệ làm báo đã vượt qua muôn vàn gian khó để có ngày hôm nay. Nhớ lại vài kỷ niệm làm nghề cũng là để “ôn cố tri tân”, nhớ về các bậc cha anh, những người đã dày công đào tạo, rèn luyện đội ngũ những người làm báo Bắc Giang ngày một trưởng thành và tiếp bước. |
Đến khi chạy ổn định, tôi vào báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin khai trương đúng ngày 1/1/2007 nhân kỷ niệm 45 năm Báo Bắc Giang xuất bản số đầu. Báo Bắc Giang điện tử ra đời là bước phát triển mới của Báo Bắc Giang trong quá trình hội nhập với báo chí cả nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương ngày càng phát triển. Ngày nay, Báo Bắc Giang điện tử không chỉ có phiên bản tiếng Việt mà đã có thêm bản tiếng Anh và tới đây là tiếng Trung Quốc nhằm không ngừng mở rộng thông tin tới độc giả quốc tế. Tờ báo đa ngôn ngữ với lượng truy cập không ngừng tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn lượt người một ngày ở khắp năm châu.
Kỷ niệm 60 năm ra đời Báo Bắc Giang là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường dài của các thế hệ làm báo đã vượt qua muôn vàn gian khó để có ngày hôm nay. Nhớ lại vài kỷ niệm làm nghề cũng là để “ôn cố tri tân”, nhớ về các bậc cha anh, những người đã dày công đào tạo, rèn luyện đội ngũ những người làm báo Bắc Giang ngày một trưởng thành và tiếp bước.
Nguyễn Thế Dũng, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)