Giúp học sinh dễ tiếp cận kiến thức môn Sinh học
Nhóm tác giả thực hiện giải pháp là bà Đào Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục & Đào tạo) và cô giáo Trần Thị Hương, Trường THPT Tân Yên số 1. Nói về tính cấp thiết của giải pháp này, bà Đào Thị Minh Hải cho hay, cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Học sinh Trường THCS Mỹ Hà (Lạng Giang) học nội dung "Tiến hóa". |
Điểm khác biệt cơ bản với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là có thêm môn Khoa học tự nhiên. Đây là môn học bắt buộc được xây dựng trên cơ sở ba môn Vật lí, Hóa học, Sinh học. Theo đó, nội dung "Tiến hóa" sẽ có trong chương trình lớp 9 với thời lượng 6% so với cả môn Khoa học tự nhiên (tương đương khoảng 8 tiết, chiếm tới 22,9% nội dung Sinh học).
Được biết, học sinh lớp 9 các năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024 ở cấp THCS đang học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không có nội dung "Tiến hóa". Nội dung này sẽ được giảng dạy ở cấp THPT. Nhóm tác giả cho rằng cần thiết phải dạy bổ sung nội dung "Tiến hóa" cho học sinh lớp 9 từ năm học 2021-2022 để khi vào học THPT các em có những kiến thức cơ bản. Cùng đó, giải pháp còn đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; phù hợp với điều kiện dịch bệnh (trong hai năm 2021, 2022) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong toàn ngành.
Giải pháp tạo ra một bộ học liệu gồm tài liệu kiến thức bổ sung chủ đề tiến hóa (khái niệm về tiến hóa; chọn lọc nhân tạo; chọn lọc tự nhiên; cơ chế tiến hóa và sự phát sinh, phát triển của sự sống trên trái đất), 5 kế hoạch bài học, 5 giáo án điện tử, 5 bài giảng dựa trên các thiết bị thông minh bám sát chủ đề tiến hóa và 2 đề kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Học sinh còn được vừa học vừa chơi thông qua các trò chơi thú vị như: Vòng quay may mắn, trò chơi ô chữ...
Sản phẩm tạo ra từ giải pháp được lưu giữ trên một website có giao diện đẹp, dễ sử dụng, có mã QR giúp giáo viên và học sinh tiện khai thác nguồn học liệu. Nhóm tác giả còn đưa ra các bước hướng dẫn giáo viên sử dụng nền tảng công nghệ, tự thiết kế kế hoạch dạy học của mình. Nhóm tác giả tạo nguồn học liệu đa dạng gồm hình ảnh, video, câu hỏi... để đưa lên website. Từ đó giáo viên bộ môn tiết kiệm được thời gian tìm tài liệu, thiết kế bài giảng, ước tính số tiền tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng trong hai năm áp dụng giải pháp.
Đến năm học 2024-2025, khi có sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 9 thì sản phẩm của giải pháp vẫn được giáo viên sử dụng như nguồn tài liệu để tham khảo, giảng dạy. |
Trong năm học 2021-2022, 231 trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh đã áp dụng dạy học cho 100% học sinh lớp 9 nội dung "Tiến hóa" theo giải pháp của nhóm tác giả. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt 7-8 điểm chiếm 28,87%; tỷ lệ học sinh đạt 8-10 điểm chiếm 31,38% (trong đó, tỷ lệ học sinh đạt điểm xuất sắc (từ 9-10) chiếm 12,38%); tỷ lệ học sinh dưới 5 điểm chỉ chiếm 3,42%. Phần lớn học sinh cho biết, khi học theo các bài giảng trên website, các em thoát ly khỏi cách học và ghi chép truyền thống, thay vào đó được thỏa sức sáng tạo, phát huy tính tự giác, tích cực, tiếp thu các nội dung dễ dàng.
Giải pháp cũng đem lại nhiều lợi ích cho giáo viên. Cô giáo Lê Thị Hương, giáo viên Trường THCS Xuân Hương (Lạng Giang) cho biết: “Nội dung “Tiến hóa” trong bộ môn Sinh học đều mới đối với cả thầy cô và trò. Nhờ giải pháp của nhóm tác giả, chúng tôi không tốn thời gian trong việc soạn bài, thiết kế bài dạy điện tử. Đồng thời được trau dồi thêm kỹ năng như sưu tầm tài liệu, cập nhật thông tin, khả năng phân tích, khái quát và truyền đạt cho học sinh”.
Cô giáo Trần Thị Hương, đồng tác giả cho biết thêm, khi triển khai dạy học nội dung "Tiến hóa" theo hình thức trực tuyến, giáo viên có thể dạy học theo phương pháp “Lớp học đảo ngược”. Cụ thể, giáo viên gửi học liệu số (bài giảng điện tử, video về lý thuyết và bài tập cơ bản) qua internet cho học sinh xem trước và tự học theo sự gợi ý. Khi tương tác thực, học sinh được giáo viên giải đáp những nội dung chưa hiểu, làm bài tập khó, thảo luận sâu hơn về kiến thức theo định hướng và nhu cầu cá nhân.
“Lớp học đảo ngược” lấy học sinh làm trung tâm, dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân (từ người chưa hiểu kỹ bài học đến học sinh có tiềm năng). Đối với giáo viên tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, việc thiết kế học liệu số, tổ chức dạy học theo hình thức “Lớp học đảo ngược” là một yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, giải pháp thiết kế website hỗ trợ tổ chức dạy học chủ đề “Tiến hóa” còn giúp người dạy nâng cao năng lực số, năng lực công nghệ thông tin, tự tin khi tham gia cuộc thi này.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2024-2025, khi có sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 9 thì sản phẩm của giải pháp vẫn được giáo viên sử dụng như nguồn tài liệu để tham khảo, giảng dạy.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)