Giêng hai hội hát rộn ràng
Hát giao duyên sình ca tại xã Đèo Gia. |
Tháng Giêng, khi dư âm hương vị Tết vẫn còn trong mỗi nếp nhà, bản làng thì đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn lại rủ nhau đến hội hát mùa xuân. Núi rừng nơi đây đẹp, nên thơ hơn trong mắt du khách nhờ những hội hát của 7 dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh sự trao gửi, ước hẹn của trai gái, qua các buổi hát, bà con động viên nhau chăm lo sản xuất, nâng cao đời sống.
Đồng bào dân tộc nào cũng có niềm tự hào riêng về những di sản của mình. Nếu người Nùng mê điệu soong hao (hát lượn), người Tày thích nhất hát then, người Dao say tiếng páo dung thì người Cao Lan trung thành với sình ca, đồng bào Sán Chỉ có dân ca cnắng cọô, dân tộc Sán Dìu tự hào có điệu soọng cô... Các làn điệu có từ thời xa xưa, được cha ông truyền dạy cho con cháu, như một sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại.
Thường, thể loại hát giao duyên nam - nữ trong tình yêu được đồng bào yêu thích nhất. Trai gái quen nhau trong mùa hội hát đến với nhau bằng sự rung động của con tim. Từng tốp người rủ nhau đi hát ròng rã từ chợ Thác Lười (Tân Sơn) đến chợ Phong Vân, ngược Tân Hoa, Biển Động, Đèo Gia, Khuôn Thần, Biên Sơn, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn)... Cũng có khi đồng bào thuê xe ô tô đi tận Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ chỉ để hát giao lưu. Chưa thấy thỏa mãn, bà con hát qua điện thoại hàng tiếng đồng hồ cho những người cùng dân tộc ở các tỉnh phía Bắc và xa nhất là tận Tây Nguyên cùng nghe.
Đã ba mùa hoa đào gần đây, năm nào tôi cũng đi chợ tình Thác Lười (xã Tân Sơn) để cảm nhận không khí xuân rạo rực nơi vùng cao. Gọi là chợ tình bởi mọi người đến đây không phải để mua- bán mà là nơi trai gái hò hẹn trao duyên, quan trọng hơn là được hát đối đáp một cách thoải mái. Mỗi năm, phiên chợ chỉ họp một một lần vào ngày 12 tháng Giêng. Hát trên sân khấu chưa đủ, nhiều người về hát trong nhà, rồi trên khắp các sườn đồi, lối về.
Chị Vi Thị Dùng (50 tuổi), dân tộc Nùng, thôn Khuôn So, xã Tân Sơn kể: Người Nùng ai cũng nằm lòng câu hát "Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui" (Hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui). Ngày còn xuân sắc, chị Dùng thường đến chợ tình, hòa vào dòng người để hát giao duyên, chị từng tham dự nhiều cuộc hát trong vùng, giọng điệu mượt mà đã làm thổn thức biết bao trai bản. Cũng từ những cuộc hát, chị đã ưng ý và chấp nhận làm vợ một chàng trai có giọng ca hay trong vùng.
Ở Lục Ngạn hầu như xã nào cũng tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc vào đầu xuân, trong đó hát giao lưu dân ca là nội dung không thể thiếu. Năm nay, hội hát xã Đèo Gia và Tân Hoa được tổ chức sớm nhất (mùng 6 tháng Giêng). Tiếp đến là hội hát xã Biển Động (mùng 9 tháng Giêng), Hộ Đáp (11 tháng Giêng), Kiên Lao (13 tháng Giêng), Tân Sơn (ngày 12 tháng Giêng), ngày 1- 3 âm lịch đến lượt xã Nam Dương... Đặc biệt, ngày 17, 18 tháng Hai âm lịch tới sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc của huyện quy tụ các câu lạc bộ hát dân ca trong và ngoài địa phương về giao lưu tranh tài.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn An, Trưởng Ban Liên lạc các CLB hát dân ca huyện cho biết: Lục Ngạn có gần 30 câu lạc bộ hát dân ca thuộc 7 dân tộc thiểu số ở 24 xã. Họ tự nguyện, tự túc đóng góp kinh phí hoạt động và lưu diễn. Còn theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, địa phương luôn khuyến khích phong trào ca hát, coi đây là hình thức hữu hiệu bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Những năm qua một số xã và UBND huyện có chính sách hỗ trợ kinh phí và trang phục, tăng âm, loa đài, mở lớp truyền dạy cho các CLB hát dân ca thành lập mới.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)