Giải phóng mặt bằng làm nhà máy xử lý chất thải: Những kinh nghiệm quý
Dự án xây dựng nhà máy xử lý CTR huyện Hiệp Hòa triển khai tại thôn Hưng Đạo và Đồng Quan thuộc xã Đông Lỗ, quy mô 9,8 ha. Theo kế hoạch giai đoạn 1, huyện GPMB 5 ha xong trong năm 2020, còn lại thực hiện trong giai đoạn 2 vào năm kế tiếp.
Đại diện lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và cán bộ chuyên môn kiểm tra bản đồ GPMB khu xử lý rác thải tập trung. |
Huyện giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện làm chủ đầu tư; Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện GPMB. Tại huyện Lục Nam, dự án xây dựng nhà máy xử lý CTR đặt tại thôn Lan Hoa, xã Lan Mẫu có quy mô hơn 8,7 ha. Địa phương GPMB 5 ha giai đoạn 1 vào năm 2020, còn lại thực hiện giai đoạn 2. Sau khi hoàn thiện GPMB, hai địa phương sẽ thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTR quy mô tập trung.
Xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm nên huyện Hiệp Hòa tập trung cao nhân lực để thực hiện. Huyện thành lập Tổ công tác GPMB do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Tại xã Đông Lỗ cũng thành lập 2 tổ công tác.
Thành viên của các tổ này tuyên truyền chế độ, chính sách đến từng hộ dân trong diện thu hồi đất, đề xuất các chính sách bảo đảm quyền lợi của người dân. “Có nhiều cuộc đối thoại, không chỉ cơ quan tham mưu mà cả lãnh đạo UBND huyện trực tiếp tham gia để tìm tiếng nói chung”, ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa chia sẻ.
Chị Vũ Thị Hòa, thôn Đồng Quan ban đầu mới nghe thông tin xây dựng nhà máy xử lý CTR chưa nhất trí bàn giao ruộng vì lo nhà máy sẽ làm ô nhiễm môi trường. Khi được tổ công tác của huyện và xã vận động, gia đình chị đã đồng ý nhận tiền và bàn giao hơn 4 nghìn m2 đất cho Nhà nước.
Tại huyện Lục Nam, ngoài thành lập tổ công tác GPMB ở cấp huyện, xã Lan Mẫu cũng thành lập tổ công tác, thành phần gồm đại diện lãnh đạo UBND xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đồng chí nguyên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, người cao tuổi. Tổ hỗ trợ xác minh nguồn gốc đất đai cho người dân khẩn trương, chính xác, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai, sớm hoàn thiện hồ sơ, lập phương án bồi thường, GPMB.
Ông Trần Văn Nhiên, Chủ tịch UBND xã Lan Mẫu chia sẻ, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy, cán bộ đoàn thể thôn, xã tích cực tuyên truyền cho người dân nắm vững chủ trương, cơ chế và chính sách bồi thường. Ngoài tuyên truyền trên loa, cán bộ thôn, xã đến tận nhà giải thích để người dân đồng thuận…
Điểm chung trong công tác tuyên truyền GPMB ở hai huyện Hiệp Hòa, Lục Nam là trước khi thực hiện bồi thường, UBND các huyện tổ chức nhiều đợt đưa người dân đến thăm nhà máy xử lý CTR tại tỉnh Thái Bình. Nhà máy này không có mùi và không gây ô nhiễm. Đồng thời các huyện thông tin cho người dân biết rõ sau khi GPMB, các địa phương thu hút doanh nghiệp trên đầu tư dây chuyền xử lý rác tương tự tỉnh Thái Bình.
Bằng những giải pháp trên, đến nay, huyện Lục Nam đã GPMB khoảng 8,6 ha, hoàn thành giai đoạn 1 và vượt kế hoạch đề ra. Phần diện tích còn lại chủ yếu là đất công, huyện dự kiến GPMB trong tháng 3/2021. Huyện Hiệp Hòa đã GPMB xong diện tích hơn 4 ha của 22/26 hộ dân có mặt bằng thuộc dự án.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, đối với các trường hợp còn lại, huyện đã xây dựng phương án hỗ trợ về đất cho 2 hộ dân thôn Hưng Đạo trước đây được giao đất trái thẩm quyền nhằm bảo đảm lợi ích. 2 hộ ở thôn Đồng Quan, cơ quan chuyên môn của huyện đang tập trung xác minh nguồn gốc đất để lập phương án bồi thường xong trong tháng 3 năm nay.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)