Đưa dịch vụ y tế hiện đại đến người dân vùng cao
Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động chia sẻ, từ đơn vị y tế tuyến huyện có xuất phát điểm thấp bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khó khăn, thiếu bác sĩ giỏi nên năng lực điều trị hạn chế, đến nay Trung tâm Y tế huyện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Năm 2018, đơn vị được thành lập sau khi sáp nhập Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bệnh viện Đa khoa huyện.
Trước yêu cầu tự chủ tài chính, nâng chất lượng khám, chữa bệnh, Ban Giám đốc Trung tâm chú trọng nghiên cứu đặc điểm mô hình bệnh tật thường gặp của người dân địa phương, chỉ ra những chuyên ngành còn yếu kém để xây dựng kế hoạch kịp thời tham mưu với Sở Y tế, UBND huyện quan tâm hỗ trợ khắc phục. Giải pháp trọng tâm, xuyên suốt được đơn vị xác định là đào tạo bác sĩ giỏi, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm chủ được kỹ thuật cao, thu hẹp khoảng cách về chuyên môn với miền xuôi.
Thực hiện chủ trương trên, hằng năm Trung tâm Y tế huyện thường xuyên cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyển giao kỹ thuật ngắn hạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Với chuyên ngành mũi nhọn như: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, đơn vị cử bác sĩ đào tạo sau đại học theo các chương trình do Sở Y tế tổ chức.
Nhờ đầu tư nâng chất lượng nguồn nhân lực, đến nay Trung tâm có đội ngũ 58 bác sĩ, nhiều bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ đa khoa. Theo Đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng biên giới, hải đảo, nơi đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 585 của Bộ Y tế, hai năm nay bác sĩ Nghiêm Thị Thắm, là bác sĩ nội trú được Bệnh viện Nhi Trung ương cử về công tác và chuyển giao kỹ thuật tại đây.
Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động kiểm tra hệ thống máy móc phục vụ kỹ thuật lọc thận nhân tạo. |
Trung tâm Y tế huyện Sơn Động còn được Sở Y tế đánh giá cao về mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện theo đội hình. Mô hình do Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chuyển giao từ năm 2021, đến nay phát huy hiệu quả. Theo bác sĩ Mông Xuân Luyện, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, mỗi bệnh nhân sẽ có một đội từ 3-5 bác sĩ, điều dưỡng theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ lúc vào viện cho đến kết thúc bệnh án. Giải pháp này giúp bệnh nhân được chăm sóc thường xuyên, toàn diện hơn, các thành viên trong đội hỗ trợ nhau về chuyên môn, hạn chế để xảy ra nhầm lẫn hoặc chậm quy trình điều trị.
Ở vùng cao Sơn Động, đa số bệnh nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn nhiều khó khăn, không có điều kiện chi trả chi phí dịch vụ ngoài phạm vi BHYT quy định. Do vậy, Trung tâm chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực từ ngân sách, nguồn tài trợ của các chương trình, dự án để tăng cường trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh. Đến nay, đơn vị đã trang bị hệ thống phẫu thuật nội soi, máy gây mê, máy sốc điện, máy thở, dao mổ điện, máy xét nghiệm sinh hoá máu, bàn mổ đa năng; máy lọc thận nhân tạo. Đặc biệt, hệ thống phòng mổ, hậu phẫu, hồi sức cấp cứu đầu tư từ nguồn ngân sách và đối ứng bảo đảm hiện đại và đồng bộ. Các y, bác sĩ đã làm chủ được những ca bệnh khó như phẫu thuật chấn thương vỡ tạng, phẫu thuật kết hợp xương đùi, chạy thận nhân tạo chu kỳ và thận cấp cứu; phẫu thuật ổ bụng nội soi; chụp cắt lớp vi tính; thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco.
Kỹ thuật lọc thận nhân tạo tại Trung tâm được thực hiện từ tháng 10/2020 đến nay là bước tiến lớn về kỹ thuật, vượt so với nhiều đơn vị y tế tuyến huyện trong tỉnh, đã giúp hàng chục bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính phải lọc thận chu kỳ vơi bớt gánh nặng, giảm đáng kể chi phí điều trị và thời gian đi lại. Tại đây có 10 máy lọc máu, tổ chức vận hành luân phiên 2 ca liên tục/ngày để phục vụ 34 bệnh nhân điều trị. Chị Nguyễn Thị Hậu, xã Cẩm Đàn đang lọc thận tại Trung tâm cho biết: "Từ khi điều trị tại Trung tâm tôi vẫn sắp xếp được thời gian đưa đón con đi học, làm một số việc nhà, chi phí giảm so với trước".
Mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 song kết quả chăm sóc sức khỏe nhân dân hai năm gần đây của Trung tâm Y tế huyện Sơn Động luôn đạt cao, được Sở Y tế ghi nhận. Riêng năm 2022, đơn vị khám, chữa bệnh cho hơn 26,3 nghìn lượt người. Đáng mừng là ngoài chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã, thị trấn trong huyện, Trung tâm còn là địa chỉ tin cậy của người dân vùng giáp ranh ở các huyện: Đình Lập (Lạng Sơn), Hoành Bồ và Ba Chẽ (Quảng Ninh), một số xã thuộc huyện Lục Ngạn. Hai năm liên tiếp (2021, 2022), Trung tâm Y tế huyện Sơn Động được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)