Đồng lòng xây dựng khu dân cư văn hóa điển hình
BẮC GIANG - Thời gian qua, các thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, trong đó có những đơn vị điển hình đã duy trì, giữ vững danh hiệu nhiều năm liên tục.
Góp sức xây dựng đô thị văn minh
Đi qua đường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) vào buổi tối, nhiều người ấn tượng khi hàng cây hai bên đường được trang trí đèn led lung linh, đẹp mắt. Đó là sáng kiến của cán bộ, nhân dân tổ dân phố 4B, phường Trần Nguyên Hãn trong xây dựng khu dân cư văn hóa “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”.
Nhà văn hóa thôn Phạm Kha, xã Tam Dị (Lục Nam) khang trang, sạch đẹp. |
Tổ dân phố 4B có 188 hộ, 747 khẩu, chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức và kinh doanh nhỏ lẻ sinh sống dọc đường Trần Nguyên Hãn. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về xây dựng các tuyến phố văn minh thương mại để tạo điểm nhấn cho đô thị, phường Trần Nguyên Hãn chọn tuyến phố Trần Nguyên Hãn, đoạn từ đường Xương Giang đến đường Trần Quang Khải để triển khai. Tuyến phố có chiều dài gần 1 km với khoảng 150 hộ kinh doanh.
Ban lãnh đạo tổ dân phố phối hợp với lực lượng chức năng kiên trì tuyên truyền, vận động các hộ không bày bán hàng hóa ở vỉa hè; trang trí làm đẹp phố. Hiện tuyến phố được UBND TP đánh giá là tuyến phố văn minh thương mại điển hình. Sáng Chủ nhật hằng tuần, cán bộ, nhân dân ra quân vệ sinh nơi công cộng. Bà Lê Thị Kim Nghi, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: Việc tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức: Trên hệ thống loa truyền thanh, họp dân, zalo tổ liên gia.
Đây cũng là đơn vị tiêu biểu của phường trong tổ chức việc cưới, việc tang văn minh. Hầu hết các gia đình tổ chức đám cưới gọn nhẹ trong một ngày, mời ít khách, không dựng rạp lấn chiếm lòng đường. Tại lễ kết hôn, đại diện tổ dân phố đến tặng quà chúc mừng, giao lưu văn nghệ. Tương tự, trong các công việc khác của tập thể, tổ dân phố luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên. Hằng năm, 95-97% hộ dân trong tổ dân phố đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện tổ dân phố đã có 27 năm được công nhận văn hóa; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2020.
Phát triển kinh tế, xây dựng quê hương
Đến nay, thôn Phạm Kha, xã Tam Dị (Lục Nam) đã có 25 năm liên tục đạt danh hiệu thôn văn hóa; nhiều năm được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện khen thưởng. Đặc biệt, thôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2020. Thôn có 134 hộ với hơn 568 khẩu. Xác định phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống, xây dựng quê hương, người dân trong thôn tích cực tìm hướng đi mới. Thôn có hàng chục người làm việc ở nước ngoài, gửi về gia đình nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Năm 2024, toàn tỉnh có 1.942 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm 91,3%. Trong đó có 60,5% đơn vị 5 năm liên tục trở lên đạt danh hiệu này; 1,4 nghìn khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”. |
Trên đồng đất quê hương, bà con đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác như: Hoa lay ơn; các loại rau màu, cây dược liệu. Là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của thôn, ông Bùi Văn Cải (SN 1960) cho biết: “Nhận thấy đồng đất ở đây phù hợp sản xuất hoa, rau màu nên nhiều năm nay, ngoài cấy lúa, gia đình tôi còn trồng hoa lay ơn, hành hoa. Tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, thôn tổ chức. Bình quân từ hoa và rau màu, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng”.
Hiện thu nhập bình quân của thôn đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Kinh tế phát triển giúp người dân có điều kiện ủng hộ xây dựng đường giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao. Năm 2021-2022, cùng với kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, mỗi hộ dân đóng góp 5-10 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa và công trình phụ trợ, sân bóng đá, sân bóng chuyền hơi… trên tổng diện tích gần 3 nghìn m2. Công trình khang trang, rộng rãi góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi.
Ông Nguyễn Ngọc Khang, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Với mỗi công việc chung của thôn, trước hết cấp ủy thống nhất chủ trương rồi đưa ra bàn bạc, thảo luận để đảng viên nắm bắt và triển khai đến nhân dân. Khi cần huy động sức dân, Ban lãnh đạo thôn thông báo rộng rãi, công khai tài chính, niêm yết rõ các khoản thu chi, mức đóng góp của các hộ nên bà con luôn tin tưởng, ủng hộ. Năm nay, 100% hộ dân trong thôn được công nhận gia đình văn hóa.
Tăng trách nhiệm, sẵn sàng sẻ chia
Nhiều năm nay, thôn Dĩnh Xuyên luôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa của xã Tân Dĩnh (Lạng Giang). Thôn có 175 hộ, hơn 717 khẩu; kinh tế ổn định. Ngoài làm ruộng, hiện khoảng 50% hộ dân trong thôn có người đi làm tại các doanh nghiệp. Theo Ban lãnh đạo thôn, người dân nơi đây luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy ước, hương ước của thôn; đồng thời tích cực tham gia các phong trào chung.
Từ hàng chục năm trước, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng Dĩnh Xuyên là thôn đầu tiên trong xã thành công huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa đường giao thông. Thôn luôn hoàn thành sớm và vượt mức các khoản đóng góp đối với Nhà nước; không để nợ đọng thuế hay các khoản thu khác.
Bà Ngô Thanh Phương, Trưởng thôn Dĩnh Xuyên cho biết: Ban lãnh đạo thôn thống nhất quan điểm làm việc vì lợi ích tập thể, mỗi thành viên luôn nâng cao trách nhiệm. Khi xây dựng công trình phúc lợi, để người dân không phải đóng góp nhiều, Ban lãnh đạo thôn làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, con em quê hương thành đạt ủng hộ kinh phí. Đồng thời, huy động nhân dân tham gia giám sát thi công công tâm, nghiêm túc để nâng chất lượng công trình.
Nét văn hóa tốt đẹp của người dân Dĩnh Xuyên là sự đùm bọc, yêu thương, chia sẻ giữa mọi người, mọi nhà. Các tổ chức hội, đoàn thể luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên. Hằng năm, thôn đều phát động các đợt ủng hộ giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Ví như mới đây, cả 2 vợ chồng bà Đỗ Thị Kim Dung cùng bị bệnh hiểm nghèo, Ban lãnh đạo thôn sau 3 ngày kêu gọi xã hội hóa đã tiếp nhận gần 21 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Dung.
Đến nay, thôn Dĩnh Xuyên 14 năm liên tục giữ vững danh hiệu văn hóa; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2012-2022; đồng thời nhiều lần được xã, huyện khen thưởng, biểu dương đơn vị tiêu biểu.
Ý kiến bạn đọc (0)