Quy hoạch khu dân cư và hạ tầng điện ven khu, cụm công nghiệp: Cần đồng bộ, thống nhất
BẮC GIANG - Việc bảo đảm cung ứng điện cho hoạt động dịch vụ, thương mại, nhất là dịch vụ cho thuê nhà trọ tại các địa phương ven khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) thời gian gần đây luôn là vấn đề "nóng". Bởi lượng nhà trọ tăng quá nhanh, khiến ngành điện phải “chạy theo” hoàn thiện hạ tầng, dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập.
Lượng nhà trọ tăng mạnh
Năm 2020, hộ gia đình ông Thân Văn Hướng, thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) xây dựng tòa nhà 5 tầng với 32 phòng trọ khép kín, 4 ki ốt và 1 lán kiên cố có diện tích 250 m2 cho thuê làm điểm kinh doanh dịch vụ. Nhờ kinh doanh hiệu quả, tháng 3/2024, gia đình ông đầu tư tiếp khoảng 20 tỷ đồng xây tòa nhà 6 tầng và 1 tầng hầm để xe, với 76 phòng trọ khép kín, có cầu thang máy, cầu thang bộ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Ngoài bàn, ghế, giường, tủ, mỗi phòng trọ đều có đầy đủ các thiết bị sử dụng điện như: Ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, bếp điện... Ông Hướng cho biết: “Nếu “full” phòng, tòa nhà có thể chứa khoảng 280 người trọ... Nhưng điều tôi lo nhất hiện nay là nguồn điện cấp cho công trình hoạt động chưa ổn định”.
Nhà trọ cũ và công trình nhà trọ mới đang được xây dựng của ông Thân Văn Hướng, thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng). |
Theo ông Thân Văn Miến, Trưởng thôn Giá, thôn có 226 hộ, gần 990 nhân khẩu, giáp ranh với các KCN: Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung và CCN Nội Hoàng nên lượng công nhân đến thuê trọ rất đông. Năm 2020, thôn có hơn 50 hộ có nhà trọ (khoảng 500 phòng), đến nay đã có 120 hộ có nhà trọ với tổng số 2,2 nghìn phòng; trong đó gần 20 hộ có số phòng trọ lớn (khoảng 60 phòng trở lên).
Tỉnh Bắc Giang hiện có 9 KCN, 55 CCN; trong đó 8 KCN và 35 CCN đang hoạt động, thu hút khoảng 240 nghìn lao động (195 nghìn lao động làm việc tại các KCN) trong và ngoài tỉnh đến làm việc, cư trú trên địa bàn. Các KCN lớn của tỉnh tập trung tại thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang. Theo đó, vài năm gần đây, lượng công nhân đến làm việc và sinh sống ven KCN tại các địa phương này tăng mạnh. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 5,41 nghìn nhà trọ, với hơn 56,3 nghìn người đang lưu trú. Thị xã Việt Yên có hơn 3,4 nghìn nhà (với gần 63 nghìn phòng), cao nhất tỉnh; huyện Yên Dũng đứng thứ 2 với gần 580 nhà trọ (khoảng 10 nghìn phòng). Lượng nhà, phòng trọ tăng hơn 2 lần so với năm 2020.
Được biết, phần lớn các nhà trọ khi xây dựng nằm ở địa bàn nông thôn, có quy mô dưới 7 tầng, không thuộc diện phải cấp phép theo Luật Xây dựng. Đại diện Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, các nhà trọ cho công nhân thuê đều là nhà ở riêng lẻ, được xây dựng tự do nên chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng rất khó kiểm soát về mật độ, quy mô xây dựng, lao động lưu trú, môi trường, cung ứng nguồn nước, đặc biệt là hạ tầng lưới điện.
Cần quy hoạch đồng bộ
Dịch vụ nhà trọ và người lao động đến địa bàn tỉnh cư trú tăng là tín hiệu đáng mừng. Bởi ngoài thúc đẩy công nghiệp của tỉnh còn kéo theo các loại hình dịch vụ, thương mại phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các nhà trọ, phòng trọ tăng thiếu kiểm soát đã khiến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Vào giờ cao điểm hằng ngày (từ 18-22 giờ) trong những tháng đầu mùa nắng nóng năm nay (nhất là mùa nắng nóng năm 2023), nhiều khu vực có mật độ nhà trọ lớn ở các tổ dân phố (TDP) Hoàng Mai 2, Hoàng Mai 3, phường Nếnh; TDP 7, TDP Chùa, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên); thôn Giá, thôn Trung, xã Nội Hoàng (Yên Dũng)… thường xuyên xảy ra mất điện hoặc chất lượng điện thấp, thậm chí xảy ra chập cháy đường dây vì quá tải, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và lao động thuê trọ.
Hệ thống lưới điện tại một số TDP ở phường Nếnh (thị xã Việt Yên) quá tải. |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến khiến ngành điện không đáp ứng kịp. Việc xây dựng nhà trọ tự phát, không có quy hoạch, bản thân các chủ nhà trọ không dự tính được nguồn cung ứng điện. Theo tính toán của ông Đỗ Văn Phương, Trưởng Phòng Kinh doanh (Điện lực TP Bắc Giang), ngành điện phải xây dựng riêng một trạm biến áp (TBA), công suất 180 kVA (tương đương với TBA của 1 thôn) mới đáp ứng đủ điện cho hơn 100 phòng trọ của hộ ông Hướng.
Hiện PC Bắc Giang đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới và nâng công suất 45 TBA phân phối; xây dựng mới và cải tạo nhiều tuyến đường dây trung, hạ áp cho các khu vực ven KCN, dự kiến đưa vào vận hành dịp cuối năm nay và đầu năm 2025. PC Bắc Giang cũng đang xây dựng “Dự án chống quá tải và giảm tổn thất điện năng lưới điện khu vực nhà trọ công nhân các KCN huyện Yên Dũng và thị xã Việt Yên”. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trước mắt, Công ty Điện lực Bắc Giang (PC Bắc Giang) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, đầu tư lưới điện. Từ đầu năm 2023 đến nay, PC Bắc Giang đã xây mới, nâng công suất, đưa vào vận hành 28 TBA phân phối tại phường Nếnh, Vân Trung và các xã: Nội Hoàng, Tiền Phong. Tuy nhiên, do địa bàn một số khu dân cư chật hẹp, nhiều hộ chưa đồng thuận để ngành điện thi công nên tiến độ xây dựng các trụ cột và một số TBA bị chậm.
Hiện PC Bắc Giang đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới và nâng công suất 45 TBA phân phối; xây dựng mới và cải tạo nhiều tuyến đường dây trung, hạ áp cho các khu vực ven KCN, dự kiến đưa vào vận hành dịp cuối năm nay và đầu năm 2025. PC Bắc Giang cũng đang xây dựng “Dự án chống quá tải và giảm tổn thất điện năng lưới điện khu vực nhà trọ công nhân các KCN huyện Yên Dũng và thị xã Việt Yên”.
Để bảo đảm cấp điện ổn định, lâu dài, nâng cao chất lượng điện cho các khu vực ven KCN, ông Bạch Hồng Quân, Phó Giám đốc PC Bắc Giang đề nghị, Đảng ủy, UBND các địa phương nơi triển khai dự án tạo điều kiện thuận lợi, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận trong việc bàn giao và giải phóng mặt bằng thi công để dự án sớm đóng điện, phục vụ phát triển KT-XH và đời sống người dân. Đồng thời đề nghị tỉnh, ngành chức năng và các địa phương liên quan có quy hoạch đồng bộ trong phát triển và mở rộng các khu dân cư ven KCN gắn với định hướng phát triển hạ tầng điện, tránh tình trạng ngành điện phải “chạy theo”.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)