Bắc Giang nâng tầm đô thị, mở hướng tương lai
BẮC GIANG - Song hành với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang tập trung cao cho công tác quy hoạch, mở rộng không gian và đầu tư xây dựng kết cấu, hạ tầng đô thị. Nhờ vậy, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, tạo kiến trúc, cảnh quan đồng bộ, hiện đại, là cơ sở cho sự phát triển trong tương lai.
Những công trình tạo điểm nhấn
Thực hiện chủ trương phát triển đô thị, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 138-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 156-NQ/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Bắc Giang giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 233 - NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Hạ tầng đô thị ở TP Bắc Giang được đầu tư đồng bộ. |
Với mục tiêu xây dựng TP Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh - thông minh, trở thành đô thị loại I trước năm 2030, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền TP đã tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng đô thị ngày càng sạch, đẹp, hiện đại. Một trong những dấu ấn nổi bật là ngày 31/7/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đô thị Bắc Giang đạt tiêu chí loại II; Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Bắc Giang đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Đồng chí Vũ Trí Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang khẳng định, tuy gặp một số khó khăn nhưng đến nay các mục tiêu về phát triển đô thị của TP đều hoàn thành, tạo bước ngoặt lịch sử, mở ra một trang mới cho sự phát triển. Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang. Sau khi sáp nhập, TP có diện tích tự nhiên 258,29 km2, quy mô dân số hơn 371 nghìn người, có 31 đơn vị hành chính cấp xã (21 phường, 10 xã).
Để có kết quả đó, từ năm 2022 đến nay, TP đã đầu tư thực hiện hơn 200 dự án với số vốn gần 5 nghìn tỷ đồng. Trong đó có các công trình tiêu biểu như: Cầu Á Lữ; các cầu vượt: Đường vành đai Đông Bắc, Minh Khai, Trần Quang Khải và cầu vượt sang Trung tâm Logistics Quốc tế; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, đưa Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) vào hoạt động...
Cũng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025, thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Lục Ngạn. Như vậy, Bắc Giang chính thức có một đô thị trung tâm của khu vực phía Đông. Trong đó, thị xã Chũ được định hướng trở thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, sinh thái. Phì Điền là trung tâm của huyện Lục Ngạn mới, các đô thị Biển Động, Tân Sơn, Tân Mộc là đô thị chuyên ngành.
Đồng chí Vương Tuấn Nghĩa, Bí thư Thị ủy Chũ đánh giá, các nghị quyết của tỉnh về phát triển đô thị mang dấu ấn lịch sử đối với cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị, hai năm qua, trên địa bàn đã có nhiều công trình trọng điểm được xây dựng. Các dự án có ý nghĩa to lớn giúp nâng vị thế đô thị như: Đường vành đai, đường Lê Duẩn và các khu đô thị (KĐT) phía Tây, phía Nam, Trần Phú; hệ thống cấp, thoát nước chính, công viên trung tâm, trung tâm liên hiệp thể thao, trạm xử lý nước thải sinh hoạt…
Bắc Giang đã hình thành hệ thống giao thông ngày càng hoàn chỉnh, kết nối; nhiều công trình đô thị mang tính điểm nhấn, làm thay đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc như: Tòa nhà liên cơ quan mới; Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh; KĐT phía Tây, phía Đông, thị trấn Vôi (Lạng Giang); khu dân cư mới phía Đông Bắc, phường Bích Động và khu nhà ở xã hội phường Nếnh (thị xã Việt Yên); KĐT phía Nam, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa); KĐT phía Đông, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam)...
Thực hiện nghiêm quy hoạch
Được biết, đến thời điểm này, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu của nghị quyết về phát triển đô thị đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Việc công nhận TP Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II đã giúp nâng vị thế của TP, xứng tầm đô thị cửa ngõ vùng Thủ đô, tạo động lực, điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã công nhận đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Một góc khu đô thị Rùa Vàng, thị trấn Vôi (Lạng Giang). |
Như vậy, toàn tỉnh hiện có 17 đô thị, trong đó 16 đô thị có quyết định công nhận loại đô thị, gồm 1 đô thị loại II (TP Bắc Giang mở rộng), 4 đô thị loại IV (thị xã Việt Yên; thị xã Chũ; huyện Hiệp Hòa; thị trấn Đồi Ngô) và 11 đô thị loại V. Thị trấn An Châu (Sơn Động) chưa có quyết định phân loại. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng TP Bắc Giang đạt khoảng 85%, các đô thị còn lại đạt khoảng 43%.
Toàn tỉnh hiện có 17 đô thị, trong đó 16 đô thị có quyết định công nhận loại đô thị, gồm: 1 đô thị loại II (TP Bắc Giang mở rộng); 4 đô thị loại IV (thị xã Việt Yên, thị xã Chũ, huyện Hiệp Hòa, thị trấn Đồi Ngô); 11 đô thị loại V. Thị trấn An Châu (Sơn Động) chưa có quyết định phân loại. |
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, hệ thống đô thị của tỉnh được hình thành hợp lý, từng bước mở rộng không gian, nâng tỷ lệ dân số đô thị từ 21,7% (năm 2021) lên 57,13%, vượt 24,73% so với mục tiêu kế hoạch. Hơn ba năm qua, Bắc Giang đã thu hút 151 dự án KĐT, khu dân cư với tổng diện tích đất khoảng 2,2 nghìn ha, mức đầu tư khoảng 33 nghìn tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP Bắc Giang), 1 đô thị loại III (Việt Yên), 4 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V, cũng theo ông Nguyễn Việt Phong, thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm bố trí, huy động các nguồn lực cho công tác quy hoạch đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thực hiện quản lý nghiêm theo quy hoạch.
Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị, xây dựng TP Bắc Giang xứng tầm là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh; là đô thị trung tâm phía Đông Bắc và cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Cùng đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa các đô thị trở thành trung tâm, "đầu tàu" tăng trưởng của khu vực và vùng lân cận. Triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị gắn với thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp, theo hướng thông minh.
Thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cao tầng; mời gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính đầu tư một số đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa lớn. Gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác bảo đảm thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các đô thị nén (tăng tỷ lệ nhà cao tầng, giảm đất ở liền kề) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dành quỹ đất phát triển các không gian chung, công trình tiện ích xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững. Đi đôi với đó là xây dựng bộ máy chính quyền đô thị vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc (0)