Dòng họ La hiếu học
Lãnh đạo Hội Khuyến học địa phương gặp gỡ gia đình GS.TS La Văn Bình. |
Học để làm người
“Đó là câu ông nội tôi, La Văn Khảm vẫn thường nhắc con cháu", Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS), nhà giáo Nhân dân La Văn Bình (SN 1935), thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm bắt đầu câu chuyện như thế. Bên chén trà, ông điểm qua thành tích của dòng họ trong niềm tự hào. Theo GS.TS La Văn Bình, ông nội ông sinh được 6 người con, bốn trai, hai gái. Vốn là người thông minh lại trọng sự học nên cụ thường xuyên khuyến khích các con, cháu dù làm gì cũng phải dành thời gian để học. “Bố tôi, ông La Văn Thản là con thứ hai trong gia đình. Lĩnh hội ý cha nên bố tôi luôn nhắc nhở các con chăm chỉ học tập. Vì nhà nghèo nên việc học ở trường của chúng tôi có thời điểm bị gián đoạn, đa số phải tự học để nâng cao kiến thức của bản thân”, ông Bình nói. Tinh thần học tập được cha ông truyền lại đã thôi thúc các thế hệ sau nỗ lực phấn đấu. Khi điều kiện kinh tế đã khá hơn, ông La Văn Bình được cha mẹ tạo mọi điều kiện cho việc học hành. Dù gia đình làm nông nghiệp rất bận rộn song người cha luôn dành thời gian cho các con. Với tư chất thông minh nên việc học của ông Bình khá thuận lợi. Học hết phổ thông, thi đại học, ông là một trong số những thí sinh đạt điểm cao nên được cử sang Nga (Liên Xô cũ) học tập. Môi trường thuận lợi, cộng với những lời động viên của gia đình, thầy cô, ông dành tất cả tâm huyết, trí tuệ vào nghiên cứu. Những năm tháng tuổi trẻ, ông liên tục vượt qua các cấp học với thành tích xuất sắc.
Năm 1992, với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu, giảng dạy, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư. Tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông được sinh viên, đồng nghiệp tin tưởng, quý trọng.
Cũng như ông Bình, TS La Văn Thịnh, con ông La Văn Bồi (em ruột ông Thản) cũng là tấm gương học tập được con cháu trong dòng họ noi theo. Ngày bé, dù hay ốm nhưng không buổi nào cậu học trò nhỏ nghỉ học. Thông minh, chăm chỉ nên sức học của Thịnh luôn vượt trội các bạn cùng trang lứa, trong các kỳ thi học sinh giỏi luôn là người đứng đầu. Năm 2015, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kinh tế ở Học viện Tài chính. Hiện ông đang làm việc tại Bộ Tài chính với chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản. Trong chuyên môn, TS Thịnh luôn tận tâm, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù bận công việc song ông vẫn dành sự quan tâm đối với việc học của dòng họ cũng như địa phương.
Dù tuổi cao, GS.TS La Văn Bình vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. |
Lớp cha trước, lớp con sau
Từ những tấm gương học tập của các thế hệ đi trước, cộng với sự quan tâm của ông bà, cha mẹ, thế hệ trẻ trong dòng họ La luôn cố gắng học tập, luyện rèn. Đa số các cháu đều học đạt trình độ cử nhân. Trong đó, nhiều người đã có trình độ tiến sĩ. Tiêu biểu là gia đình GS.TS La Văn Bình. Ông có ba người con, hai trai, một gái. Hiện con cả La Thái Hà và con út La Trần Bắc đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong đó La Trần Bắc bảo vệ luận án tiến sĩ tại Áo. Hay gia đình bà La Thị Lợi (em gái TS La Văn Thịnh) có 4 người con, hiện có ba người là tiến sĩ. TS Ngô Đức Tùng, con bà Lợi hiện là giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa cho biết: "Tôi tự hào về dòng họ của mình. Từ tấm gương của các thế hệ đi trước, tôi luôn xác định phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện hơn nữa”.
Theo GS.TS La Văn Bình, ở thế hệ “hậu sinh” có La Thế Vinh là cháu nội ông La Văn Năm (em trai ông La Văn Thản) là người hội đủ các tố chất của một nhà khoa học, thông minh, kiên nhẫn. Từ nhỏ đến lớn, qua bất kỳ môi trường nào cũng đều đứng tốp đầu về thành tích học tập. Sinh 1975 song năm 2010, anh Vinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành hóa học. Đặc biệt, năm 2016, anh được Nhà nước phong danh hiệu Phó Giáo sư. Hiện PGS.TS La Thế Vinh đang giữ chức Viện phó Viện Hóa học-Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tìm hiểu được biết, để có kết quả trên, dòng họ La luôn khích lệ tinh thần hiếu học của các cá nhân, hộ gia đình trong họ. Tất cả những người nỗ lực trong học tập đều được dòng họ tôn vinh, biểu dương, khen thưởng. Đánh giá về phong trào khuyến học của dòng họ, ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Xuân Cẩm nói: “Chúng tôi rất tự hào về tinh thần học tập của dòng họ La. Từ điển hình này đã khích lệ các gia đình, dòng họ khác của địa phương cùng thi đua phấn đấu học tập. Hiện Xuân Cẩm là một trong những xã có số cử nhân, tiến sĩ, giáo sư nhiều nhất huyện Hiệp Hòa”.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)