Đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, cử tri đề nghị giảm giờ làm, quan tâm quyền lợi của lao động nữ
Đoàn ĐBQH gồm các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn; Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đơn vị liên quan.
Các ĐBQH tại buổi tiếp xúc cử tri.
|
Giảm giờ làm, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu
Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Lâm thông tin khái quát về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi…
Mở đầu nội dung góp ý, anh Lê Văn Huân, Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu) ủng hộ với dự thảo quy định giảm thời gian làm việc của NLĐ từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Đồng thời, tăng thêm ít nhất 3 ngày nghỉ lễ trong năm. Anh viện dẫn, nhiều nước trong khu vực có số ngày nghỉ trung bình từ 15-20 ngày, trong khi tổng số ngày nghỉ của NLĐ ở Việt Nam là 10 ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình của công nhân. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung các quy định liên quan nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (DN) về vấn đề ăn ca cho NLĐ. Hiện nay, hầu hết DN đều tổ chức bữa ăn giữa ca nhưng điều này lại chưa được luật hóa. Vì vậy, dù muốn nhưng tổ chức công đoàn sẽ rất khó để đưa ra căn cứ nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Anh Lê Văn Huân nêu ý kiến tại hội nghị.
|
Về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, ông Thân Văn Hộ, HTX Đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An cho rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành (tối đa từ hơn 200 giờ đến 300 giờ/năm). Song cần bổ sung quy định nới rộng đối với một số nhóm ngành nghề đặc thù nhưng không vượt quá 300 giờ/năm. Bởi thời đại công nghệ phát triển, việc máy móc hỗ trợ con người sẽ góp phần tăng năng suất lao động nên xu hướng giảm giờ là tất yếu.
Tại hội nghị, nhiều cử tri cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 cho nam và 60 cho nữ là không phù hợp, cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Vì với những công nhân trực tiếp sản xuất ở cường độ cao, đòi hỏi yếu tố “nhanh tay, nhanh mắt”, nhất là trong nhóm nghề dệt may, da giày thì tuổi càng cao, hiệu quả lao động sẽ càng giảm.
Cử tri Đỗ Thị Lệ Quyên kiến nghị bổ sung quy định về bảo vệ thai sản với lao động nữ.
|
Bổ sung quy định bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ
Xung quanh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến của cử tri về chế độ, chính sách với lao động nữ.
Chị Đỗ Thị Lệ Quyên, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang kiến nghị dự thảo cần bổ sung quy định về bảo vệ thai sản với lao động nữ. Cụ thể, khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng mà hết hạn hợp đồng lao động thì chủ sử dụng phải gia hạn hợp đồng, ít nhất đến khi con nhỏ đủ 12 tháng trở lên.
Khẳng định vai trò của các cabin trữ sữa tại DN, bảo đảm cho nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ, các chị: Lê Thị Huế, Công ty TNHH Italisa Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng); Nguyễn Thị Hường, Công ty TNHH Mplus Hà Nội (CCN Đồng Đình, Tân Yên) đề xuất Bộ luật Lao động sửa đổi nên có thêm quy định yêu cầu chủ DN bố trí kinh phí lắp đặt cabin.
Một số cử tri phản ánh những băn khoăn khi có một hoặc nhiều tổ chức khác (không phải là công đoàn) được thành lập trong DN để đại diện cho tập thể NLĐ; việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức. Về hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, cử tri Nguyễn Thị Thu Hương, Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) đồng tình với việc sửa đổi, trao quyền cho NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không vì lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước. Điều này sẽ tạo cơ hội để NLĐ tự do lựa chọn việc làm phù hợp.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu về việc đóng góp ý kiến với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng thời khẳng định đây là Bộ luật quan trọng, có tác động lớn đến đông đảo NLĐ trong cả nước.
Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NLĐ, công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là các điều kiện về nhà ở, chất lượng bữa ăn ca. Vì vậy, những ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh phân loại, gửi đến các cơ quan liên quan và trình Quốc hội xem xét, làm căn cứ sửa đổi Bộ luật.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại hội nghị.
|
Thảo luận thêm về kiến nghị bổ sung ngày nghỉ lễ, đồng chí Lê Thị Thu Hồng cho rằng, việc có nhiều ngày nghỉ trong năm sẽ phát sinh không ít vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khi NLĐ nghỉ lễ, có nhiều trường hợp tự ý nghỉ việc sau kỳ nghỉ dài, khiến DN gặp khó khăn tuyển dụng nhân lực và bố trí công việc.
Các vấn đề về cabin trữ sữa, thời gian nghỉ cho lao động nuôi con nhỏ đều được quy định rõ trong Bộ luật, nhưng quan trọng là việc chấp hành của các DN ra sao. Vì vậy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cấp công đoàn tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tác phong, kỷ luật lao động của NLĐ; phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nhất là phối hợp với các ngành trong thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm của DN, bảo đảm đời sống công nhân.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)