Đổi thay ở Tân Liễu
Tiền phong, gương mẫu
Chúng tôi trở lại xã Tân Liễu đúng lúc cán bộ, người dân nơi đây vừa đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Xuân Đài ở thôn Tân Độ, năm nay 85 năm tuổi đời, 62 tuổi Đảng, nhớ lại: “Trước đây, nhắc đến Tân Liễu, nhiều người nghĩ ngay đến cảnh đường sá đi lại khó khăn, lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa khô; cái đói, nghèo luôn đeo bám mỗi gia đình. Thế nhưng nay, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, giao thông đi lại thuận tiện”.
Xã Tân Liễu nhìn từ trên cao. |
Ông Đài từng công tác ở tỉnh rồi huyện, năm 1990 nghỉ hưu tại quê nhà. Do tuổi cao, được miễn sinh hoạt chi bộ song ông vẫn tích cực đóng góp cho công việc chung. Ví như chuyện mở rộng tuyến đường trục chính của xã chạy qua thôn hay công tác dồn điền đổi thửa.
Bằng uy tín của mình, ông cùng cán bộ, đảng viên chi bộ tích cực vận động người dân hiến gần 100 m2 đất thổ cư để làm đường bê tông; dồn đổi ruộng. Nhờ đó từ chỗ mỗi hộ có 9-12 thửa nay chỉ còn 1-2 thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Bùi Văn Ghi, Bí thư Chi bộ thôn Tân Độ, không chỉ những đảng viên cao tuổi như ông Đài mà hầu hết đảng viên trong chi bộ luôn thể hiện tinh thần gương mẫu trong các phong trào ở địa phương.
Đặc thù thôn có dân số đông nhất xã (816 hộ, 3,6 nghìn nhân khẩu) nhưng do có sự đoàn kết thống nhất từ cấp ủy đến các tổ chức chính trị-xã hội nên mọi chủ trương, nhiệm vụ của thôn đều được người dân đồng lòng thực hiện.
Năm 2021, thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện, Chi bộ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tổ Covid cộng đồng của thôn cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bứt phá ngoạn mục
Con đường bê tông rộng rãi, nối từ trung tâm xã chạy xuyên cánh đồng về thôn Liễu Đê dịp cuối năm tấp nập người xe. Đây là thôn nằm ở vị trí trũng nhất xã, sát với đê sông Thương. Khoảng 20 năm trước, mỗi khi đến mùa mưa, Liễu Đê như một “ốc đảo", tứ bề mênh mông nước. Đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn.
Ông Phí Văn Báo, Trưởng thôn Liễu Đê cho biết, được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cùng đóng góp của người dân, hai năm nay tuyến đường đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vừa rảo bước trên con đường bê tông phẳng phiu, ông Báo vừa giới thiệu thêm: “Không chỉ trục đường chính dẫn về thôn được đổ bê tông, mấy năm nay, tất cả các tuyến đường trong thôn cũng được cứng hóa, tổng chiều dài gần 3 km. Trong đó chủ yếu do người dân tự đóng góp tiền, ngày công để làm”.
“Ăn Tân Độ, chợ Liễu Nham, làm Liễu Đê”- Đó là câu ca được đúc kết bao đời nay ở Tân Liễu để nói lên sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân một thời quanh năm nhọc nhằn.
Cũng theo ông Báo, đời sống của người dân nay khác xưa rất nhiều, đã xuất hiện những điển hình làm giàu không chỉ của xã mà còn của huyện, tỉnh. Vừa duy trì diện tích sản xuất lúa, người dân còn phát huy được nghề thu mua phế liệu, tạo ra nguồn thu nhập cho mỗi gia đình.
Cả thôn có khoảng 300 hộ thì số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay, gần 50% số hộ khá và giàu, xây được nhà tầng, mua sắm tiện nghi đắt tiền. Kinh tế phát triển nên người dân có điều kiện đóng góp kinh phí làm đường giao thông và các thiết chế văn hóa của thôn.
Tham quan mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình anh Nguyễn Văn Mùi, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy 5 nghìn con vịt đẻ đang nằm phơi nắng trên bờ ao. Anh Mùi tâm sự: “Nhờ có nghề này mà gia đình tôi ngày càng khấm khá, có của ăn của để”.
Tân Liễu có sự bứt phá nhanh chóng là do người dân nhạy bén trong sản xuất, tận dụng thế mạnh vườn đồi rừng và vùng chiêm trũng để phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều lao động trẻ chuyển từ làm nông nghiệp sang làm tại các công ty, ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khác. |
Anh Mùi bắt đầu nuôi vịt lấy trứng ấp bán vịt giống từ năm 2017. Lúc đầu, anh nuôi vài trăm con, khi có kinh nghiệm và đầu ra ổn định, anh nuôi lên hàng nghìn con.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sau khi trừ chi phí, năm nay vẫn thu lãi gần 1 tỷ đồng. Khu nhà vườn khang trang trị giá hơn 3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán tới đã chứng minh cho sự năng động làm giàu của gia đình.
Xã Tân Liễu có 3 thôn, gồm: Tân Độ, Liễu Nham và Liễu Đê với hơn 1,6 nghìn hộ, 6,5 nghìn nhân khẩu. Trong đó, hai thôn Tân Độ và Liễu Nham nằm sát dãy núi Nham Biền. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã, sở dĩ mấy năm gần đây, Tân Liễu có sự bứt phá nhanh chóng là do người dân nhạy bén trong sản xuất, tận dụng thế mạnh vườn đồi rừng và vùng chiêm trũng để phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt, nhiều lao động trẻ chuyển từ làm nông nghiệp sang làm tại các công ty, ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khác, tạo ra nguồn lực đáng kể cho địa phương. Hiện xã đã cơ bản cứng hóa được toàn bộ đường giao thông nông thôn và nội đồng, tổng chiều dài hơn 30 km; nhiều tuyến đường hoa có điện thắp sáng đã hình thành, với tiêu chí “sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn”.
Những ngôi nhà xập xệ xưa nay được thay bằng nhà mái bằng, nhà tầng, tạo nên bức tranh làng quê trù phú. Cả xã chỉ còn 3,4% hộ nghèo (theo tiêu chí mới). “Nhắc đến Tân Liễu, giờ đây không còn hai chữ “nghèo đói” nữa. Chúng tôi đang quyết tâm xây dựng Tân Liễu trở thành địa phương kiểu mẫu, tạo bước tiến mới cho những năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND xã Phí Quang Thịnh quả quyết.
Chúng tôi chia tay Tân Liễu khi nắng chiều khuất dần sau dãy Nham Biền. Những luống hoa đào, lay ơn trong vườn nhà ai đang chúm chím nụ hồng. Và trong mỗi ngôi nhà điện bắt đầu thắp sáng hoà cùng tiếng cười nói râm ran. Với những thành quả trong công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, xuân này ở Tân Liễu hơn hẳn những xuân qua.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)