Lan tỏa những mô hình dân vận khéo cấp tỉnh
BẮC GIANG - Nâng chất lượng phong trào thi đua dân vận khéo (DVK), các địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, thực hiện các mô hình điển hình cấp tỉnh. Những mô hình này đều có tính khả thi cao, có sức lan tỏa rộng trên địa bàn.
Vài năm gần đây, diện mạo thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà kiên cố bên vườn cây xanh mát, bao quanh là đường bê tông phẳng phiu rộng rãi. Thực hiện mô hình lắp điện chiếu sáng khu dân cư, Chi bộ thôn cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân góp kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng các tuyến đường; lắp thêm 3 camera an ninh trên trục đường chính. Cùng đó duy trì đều đặn hoạt động vệ sinh đường làng vào Chủ nhật hằng tuần.
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). |
Không chỉ thôn Kép 1, từ đầu năm đến nay, các thôn khác trong xã Hồng Giang cũng tích cực xây dựng thêm nhiều tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp. Chỉ trong thời gian ngắn, 14 thôn trên địa bàn xã đã hoàn thành lắp đặt thêm 20 km đường điện. Mở rộng ra trên địa bàn huyện Lục Ngạn, trong năm, các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp được gần 3 tỷ đồng để lắp đặt hơn 250 km đường điện chiếu sáng tại các khu dân cư. Được biết, đây là 1 trong 5 mô hình được Huyện ủy Lục Ngạn chọn đăng ký thực hiện mô hình DVK cấp tỉnh.
Qua thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, năm nay, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong tỉnh đã đăng ký thực hiện 68 mô hình điển hình DVK cấp tỉnh. Tiêu chí lựa chọn là những mô hình có tính khả thi cao và có sức lan tỏa để nhân rộng. Nội dung đăng ký đều được thẩm định, góp ý, xác nhận ở các cấp và bám sát nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành quyết định công nhận 68 mô hình, điển hình đạt DVK cấp tỉnh; khen thưởng cho 53 tập thể và 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai, xây dựng mô hình. |
Theo đồng chí Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, những mô hình này đã tác động tích cực đến việc thúc đẩy nâng cao hiệu quả phong trào thi đua DVK, đồng thời góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và toàn xã hội. Nổi bật như trong xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi đăng ký vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường thôn; đóng góp kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, camera an ninh; xây dựng đường hoa…
Được biết, các mô hình DVK sau khi được phê duyệt, khi triển khai luôn nhận được sự hướng dẫn, theo dõi, giám sát của hệ thống dân vận trong tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy trong năm đã thành lập đoàn công tác đi thẩm định tại các địa phương, trực tiếp xuống kiểm tra tại thôn, xã nơi đăng ký thực hiện mô hình. Ngoài ra, để thực hiện có trọng tâm và đạt hiệu quả cao, mỗi địa phương cũng có những cách làm riêng phù hợp với thực tiễn.
Đơn cử như thị xã Việt Yên, hằng quý, Ban Thường vụ Thị ủy đều tổ chức họp giao ban kiểm điểm, đôn đốc, đánh giá tiến độ mô hình đăng ký; phân công các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn địa phương thực hiện. Nhờ vậy, những mô hình DVK này khi được lựa chọn đều đạt kết quả cao. Tiêu biểu như mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số ở xã Hương Mai”.
Địa phương đã quan tâm phát triển hạ tầng số thông qua tạo kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân bằng Zalo, fanpage UBND xã. Ngoài ra lắp đặt mạng wifi ở 8/8 nhà văn hóa thôn. Xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình sinh sống dọc tuyến đường trục chính của xã, thôn và các điểm trọng yếu về an ninh trật tự lắp đặt camera.
Ở huyện Yên Thế, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu đảng ủy các xã, đơn vị có mô hình DVK tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nội dung đăng ký; đề cao vai trò, trách nhiệm của thành viên khối dân vận xã. Đồng chí Phùng Thanh Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Thượng chia sẻ: “Năm nay, mô hình vận động nhân dân phát huy hiệu quả việc đóng góp ý kiến với Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã An Thượng thông qua “hòm thư số” được lựa chọn thực hiện mô hình DVK cấp tỉnh.
Để triển khai hiệu quả, ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo chung, trong các hội nghị giao ban với bí thư chi bộ, trưởng thôn, Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ nhất là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong năm, “hòm thư số” đã nhận được 522 ý kiến góp ý, có nhiều nội dung được Đảng ủy chỉ đạo, giải quyết kịp thời như: Tăng cường vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa”.
Căn cứ tình hình thực tiễn, nhiều huyện, thị xã, TP còn tổ chức các cuộc thi, hội nghị tọa đàm để khối dân vận các xã, phường, thị trấn có dịp được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện mô hình DVK. Từ quan tâm thực hiện bằng nhiều cách làm khác nhau, đến nay 68 mô hình cấp tỉnh qua thẩm định, đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy đều đạt hiệu quả và được công nhận đạt mô hình điển hình DVK cấp tỉnh năm 2024.
Ý kiến bạn đọc (0)