Đoàn kết là then chốt của thành công
BẮC GIANG - 60 năm trôi qua, giờ đây đọc lại bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) ngày 17/10/1963, càng thấy giá trị mang ý nghĩa thời sự trong từng câu, từng lời. Người nói về đoàn kết, về dân chủ, tự phê bình và phê bình, bệnh cá nhân chủ nghĩa, về chăm lo tổ chức cơ sở đảng và củng cố chi bộ cho thật tốt. Với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay, thực hiện tốt những lời căn dặn ấy không chỉ là trách nhiệm cao cả mà còn thể hiện lòng biết ơn sâu nặng đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
“Một cây làm chẳng nên non…”
Vô cùng vinh dự và tự hào, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc năm 1963 vui mừng được đón Bác về dự. Bài nói của Người tại Đại hội đến nay vẫn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là vấn đề đoàn kết. Theo Người, đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công; là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi,…
Bác Hồ dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I. Ảnh tư liệu. |
Ý nghĩa, giá trị to lớn của đoàn kết đã được lịch sử minh chứng và cha ông ta đúc kết. Từ việc hệ trọng nhất, như giữ nước và dựng nước đến việc nhỏ trong mỗi gia đình, muốn thành công, muốn hạnh phúc yên vui đều phải đoàn kết. Lời dạy của cha ông vẫn còn mãi với thời gian: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức”; hay như “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”; “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”…
Nhờ đoàn kết một lòng mà dân tộc ta luôn vững vàng, hiên ngang suốt bốn nghìn năm lịch sử trước mọi âm mưu thôn tính, xâm lược của bao kẻ thù ngoại bang tàn bạo. Nhờ sức mạnh triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước trong muôn vàn khó khăn.
Chắt lọc và phát triển những giá trị cốt lõi, tinh túy trong truyền thống đoàn kết của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết là nguyên tắc, phương pháp để xây dựng và nhân lên sức chiến đấu của Đảng; để tập hợp rộng rãi các lực lượng làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người cho rằng: “Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”.
Thực tế trong công việc hằng ngày, hằng giờ chỉ ra cho chúng ta biết, đoàn kết là nhu cầu tự thân của con người và của chính cuộc sống. Ai không hòa mình vào tập thể, dựa vào tập thể và hết mình vì tập thể, thích khẳng định bản thân thì chỉ tự cô lập chính mình mà thôi. Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí, trước hết, đoàn kết trong Đảng luôn quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là đoàn kết chặt chẽ giữa tập thể cán bộ lãnh đạo. Trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở, có đoàn kết mới tạo được niềm tin cho nhân dân, từ đó mới tập hợp được sức mạnh toàn xã hội; tập thể lãnh đạo có đoàn kết mới quy tụ được cán bộ, đảng viên trong từng chi bộ, cơ quan, đơn vị; ngược lại sẽ làm cho nội bộ kéo bè kéo cánh, thậm chí là đấu đá, cản trở lẫn nhau trong công tác.
Theo một kết quả thống kê, trong Hồ Chí Minh toàn tập do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia phát hành, có tới hơn 40% số bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết; trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, từ “đoàn kết” được nhắc hơn 2.000 lần. Tư tưởng về đoàn kết của Người mang tầm cao chiến lược và luôn có ý nghĩa thời đại. Đoàn kết như chiếc chìa khóa vạn năng mở đường thắng lợi cho cách mạng. Và với từng gia đình cũng vậy, đoàn kết sẽ mang đến không khí ấm áp, tiếng cười vui tươi trong mỗi nhà.
Như giữ gìn con ngươi của mắt mình
Không phải ngẫu nhiên trong bài nói của Bác 60 năm trước đề cập sâu về đoàn kết. Người cho rằng: “Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”; “Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ”.
Một tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Bắc Giang năm 2023. Ảnh: CÔNG DOANH. |
Sau này, trước lúc đi xa, để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, trong Di chúc, Người lại nói về đoàn kết. Theo Người, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đoàn kết nhất trí luôn là yêu cầu cấp thiết đối với mọi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đây là việc khó, không thể tự nhiên mà có, bởi mỗi chi bộ, ít nhất cũng có ba đảng viên, mà người xưa từng nói “tam nhân bất đồng hành” vì con người ta, mỗi người mỗi tính. Đối với các đảng bộ xã, huyện, tỉnh có hàng trăm, hàng nghìn đảng viên ở nhiều độ tuổi, khác nhau về tâm tư, tình cảm, về trình độ, địa vị, thu nhập, mức sống, nghĩa vụ, quyền lợi...
Xây dựng đoàn kết thống nhất, trước hết là trong Đảng vẫn mang tính thời sự. Hơn bao giờ hết mỗi cán bộ, đảng viên và từng cấp ủy cần thấm nhuần thật sâu sắc và thực hiện thật tốt những điều Bác căn dặn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc nói riêng và về xây dựng Đảng nói chung. Để đoàn kết nhất trí, từng đảng viên phải cộng đồng trách nhiệm, chung ý chí, chung hành động, biết hy sinh vì lợi ích chung. |
Cùng là đảng viên, nhưng người giàu, người nghèo; mà giàu, nghèo thì thường nghĩ khác nhau. Vì thế, xây dựng sự đoàn kết thống nhất càng khó hơn, không thể một sớm, một chiều, không thể chỉ hô hào, kêu gọi, mệnh lệnh hành chính mà cốt lõi là phải xây dựng được một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh. Ở đó, dù mỗi đảng viên một công việc, vị trí công tác khác nhau, nhưng ai cũng thấy năng lực, hiệu quả làm việc của bản thân được đánh giá công tâm, khách quan, làm tốt thì được ghi nhận, có thể được quy hoạch, bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Còn như cứ bổ nhiệm “thần tốc” người nhà, người thân dù không đủ điều kiện, năng lực; cứ “nâng đỡ không trong sáng” những người mình ưa thích, còn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực, nhưng không biết chạy chọt thì cứ đợi đấy; còn như tham nhũng, hách dịch, cục bộ, địa vị chưa bị ngăn chặn đẩy lùi thì nguy cơ dễ đánh mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mà mất niềm tin là mất tất cả, nói gì đến đoàn kết thống nhất.
Cứ ngẫm như vậy trong cuộc sống hiện nay dù đã khác xa với 60 năm trước, đã khoác trên mình một chiếc áo mới nhiều màu sắc, nhưng càng thấy những lời Bác dặn ngày ấy thấm thía biết bao, sâu sắc biết bao. Đành rằng, các cấp ủy đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã thu được nhiều thành tích trong các lĩnh vực, nhưng thực tế vẫn chưa làm được như Người mong, như dân đợi. Trong Đảng vẫn còn nơi này nơi kia mất đoàn kết vì “vênh” nhau về lợi ích chính trị hay bổng lộc kinh tế. Với một đảng chân chính, cách mạng không thể để tồn tại tình trạng ấy.
Xây dựng đoàn kết thống nhất, trước hết là trong Đảng vẫn mang tính thời sự. Hơn bao giờ hết mỗi cán bộ, đảng viên và từng cấp ủy cần thấm nhuần thật sâu sắc và thực hiện thật tốt những điều Bác căn dặn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc nói riêng và về xây dựng Đảng nói chung. Để đoàn kết nhất trí, từng đảng viên phải cộng đồng trách nhiệm, chung ý chí, chung hành động, biết hy sinh vì lợi ích chung. Muốn làm được như vậy, đầu tiên là phải thực hành dân chủ trong Đảng một cách thật sự.
Mọi đảng viên đều có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt; có quyền chất vấn cấp ủy, nhất là người đứng đầu khi có dư luận, có phản ánh của nhân dân, của các cơ quan, báo chí về những việc làm chưa tốt của cán bộ, đặc biệt là của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy được chất vấn cần nêu cao trách nhiệm, coi công việc này là cần thiết, cùng làm sáng rõ và giải quyết minh bạch các vấn đề đặt ra. Đó là cách tốt nhất để tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên củng cố sự đoàn kết trong Đảng.
Dân chủ phải đi liền với tự phê bình và phê bình một cách thực chất trên tinh thần thương yêu đồng chí. Phê bình là giúp đồng chí của mình nhận rõ hơn khuyết điểm để khắc phục; phê bình việc chứ không phải phê bình người; không “bới lông tìm vết”, “mượn gió bẻ măng”. Phê bình là để mọi người xích lại gần nhau hơn, cảm thông, chia sẻ với nhau trong công việc, giúp nhau cùng tiến bộ. Như thế mới thật sự là đoàn kết, coi giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Bắc Văn
Ý kiến bạn đọc (0)