Điều ít biết về J. K. Rowling - "hiện tượng" lạ trên văn đàn Anh quốc
Joanne "Jo" Rowling. |
Sống với người tị nạn
Joanne "Jo" Rowling, sinh ngày 31-7-1965 (bút danh là J. K. Rowling; Robert Galbraith), là tiểu thuyết gia người Anh, tác giả bộ truyện giả tưởng nổi tiếng Harry Potter. Năm 2007, sau thành công vang dội của truyện Harry Potter 7 và phim Harry Potter 5, bà được đánh giá là một trong 25 nghệ sĩ của năm 2007; được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh vào ngày 3-2-2009 vì tài năng xuất chúng về văn học thiếu nhi. Năm 2010, bà được trao Giải Văn học Hans Christian Andersen. |
Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, Rowling tiết lộ, bà đã phải đối mặt với vấn đề tị nạn và dư luận luôn ngóng xem bà xử lý thế nào về vấn đề này với tư cách một nữ văn sĩ nổi tiếng. Đơn kiến nghị đã thách thức J. K. Rowling mở "18 phòng để không" cho người tị nạn Hồi giáo. Sự kiện trên được khơi mào bởi nhà văn Mỹ Mike Cernovich, người ít tiếng tăm trên văn đàn nhưng lại nổi tiếng viết về đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mike Cernovich đề nghị bà cưu mang vấn đề nhà ở cho 100 người tị nạn. Nhiều người cho rằng đây là một đề nghị thiếu tế nhị, mang màu sắc chính trị nhưng số đông ủng hộ Mike Cernovich lại tăng lên bất ngờ và rất cụ thể. Đề nghị nhà văn phải tiếp nhận ít nhất 18 người tị nạn trong thời gian 8 năm. Số lượng này tương đương 18 phòng ngủ để không của J. K. Rowling. Trong số này có 14 người tị nạn là nam giới bởi 75 phần trăm số người tị nạn hiện nay là đàn ông. Với hơn 56 nghìn chữ ký và thật không ngờ, Rowling đã đồng ý... mặc dù biết chắc chắn rằng sẽ có nhiều phức tạp dù chi phí cho số người nói trên không đáng là bao.
Chưa bao giờ là người vô gia cư
Có thông tin cho rằng Rowling từng là người vô gia cư trong khi bà đang thai nghén một loạt truyện nổi tiếng, thậm chí đồn thổi, bà phải sống trong xe hơi. Chính Rowling đã phản hồi thông tin trên trong bài diễn văn chào mừng các sinh viên Harvard tốt nghiệp, rằng bà buộc phải sống nhờ phúc lợi nhà nước. Rowling cảm thấy bản thân không may mắn, hôn nhân tan vỡ và đang bị thất nghiệp với một đứa trẻ sống phụ thuộc vào mình nhưng bà đã miêu tả sự thất bại đó như một sự giải phóng và cho phép bà tập trung hơn vào việc viết sách.
Tuy nhiên, sự thật được tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Yorker của Mỹ, Rowling chỉ sống trong điều kiện thiếu thốn khoảng vài tháng, trước khi một người bạn giúp có được một căn hộ đẹp hơn, hoàn toàn không phải đi lên từ "trích ngang" vô gia cư.
Với con gái bên cạnh, Rowling đã dành hàng giờ đồng hồ trong quán cà phê của anh rể, tạo ra một số nhân vật phù thuỷ được yêu thích. Bà từng sống trong nỗi tuyệt vọng sau khi người chồng cũ tới Scotland để tìm bà và con gái, hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay trong khi sống dựa vào trợ cấp nhà nước. Rowling từng viết sách trong nhiều quán cà phê, đặc biệt là quán cà phê Nicolson, sở hữu bởi em rể Roger Moore.
Tiểu thuyết đầu tiên vấp phải nhiều chỉ trích
Tính đến năm 2013, đã có 450 triệu cuốn sách Harry Potter được bán trên toàn thế giới, trở thành bộ sách bán chạy nhất lịch sử, được dịch sang 75 ngôn ngữ. Bộ sách Harry Potter được đánh giá là đã làm thay đổi cả một thế hệ. Các mặt hàng về Harry Potter cho đến nay đã bán được hơn 1 tỉ bảng Anh trên toàn thế giới. JK Rowling trở thành tác giả tiểu thuyết giàu nhất thế giới và là phụ nữ giàu nhất ở Anh. |
Sau khi viết xong loạt chuyện Harry Potter, Rowling quyết định tạm dừng loạt truyện dành cho trẻ em và chuyển sang viết tiểu thuyết đầu tiên cho người lớn, có tên The Vacancy Casual (Khoảng trống) và khi sách ra đời đã gặp phải nhiều chỉ trích. Tờ New York Times đánh giá: "... không chỉ đáng thất vọng mà nó còn nhàm chán". Cuốn sách đề cập đến các vấn đề xã hội, u tối và chua cay. Ngôn ngữ trong sách có phần táo bạo, suồng sã, khác xa phong cách được nữ văn sĩ thể hiện trong những cuộc phiêu lưu của cậu bé phù thủy nhỏ Harry Potter.
Theo Rowling, “Khoảng trống” đề cập đến các vấn đề xã hội, tỷ lệ tử vong và đạo đức là hai điều ám ảnh bà nhất khi viết cuốn sách này. Tuy bị phê bình một cách không thương tiếc nhưng chỉ vài năm sau khi phát hành, The Vacancy Casual đã mang về bộn tiền cho hãng HBO, đơn giản nó mang tên Rowling, thậm chí còn được BBC dựng thành phim. Theo đánh giá của Philip Stone, biên tập viên tạp chí The Bookseller thì The Vacancy Casual sẽ là một trong những ấn phẩm thành công nhất của thế kỷ XXI và chắc chắn người hâm mộ rất mong đợi cuốn sách vì đây là tác phẩm đầu tiên sau series Harry Potter dành cho người lớn.
Harry Potter từng bị đốt
Nếu vào trang Twitter, mọi người có thể thấy Rowling không phải là fan lớn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trên thực tế, Rowling không hài lòng về nhiều việc mà Donald Trump đã làm trước cả khi trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Các bài tường thuật và tweet của Rowling đã động chạm tới nhiều khía cạnh nhạy cảm gây tranh cãi mà ông Trump đã đưa ra, trong đó việc phân biệt đối xử giới tính và một số chủ đề hot khác mà Rowling không đồng tình. Nhưng đây không phải là lý do tại sao các bài viết trên tweet của Rowling lại được nhiều người quan tâm và chính sự việc này cũng khiến không ít người muốn tẩy chay các tác phẩm của Rowling, đơn giản chỉ vì bà nói lên quan điểm chính trị của mình.
Các phương tiện truyền thông chú ý đến các tweet của Rowling khiến cho nhiều người quay ra ủng hộ Trump tăng lên. Hậu quả, dẫn đến hiệu ứng ngược, một số độc giả hâm mộ Rowling (kể cả cũ lẫn mới) quay lưng đốt Harry Potter và đĩa DVD. Hành động này giống như họ căm ghét Chúa tể Voldemort- nhân vật phản diện chính trong bộ truyện Harry Potter.
Cho dù có quan điểm chính trị không cùng chiều hoặc chống lại Donald Trump, dư luận thừa nhận Rowling xứng đáng nhận nhiều giải thưởng cho kỹ năng dí dỏm của mình. Tại một trong những trang tweet vui nhộn của Rowling, bà đã viết, rằng khói lửa từ việc đốt Harry Potter và đĩa DVD tuy có thể độc hại, nhưng bà không phản đối quyết định của những fan hâm mộ.
Cho đi gần hết số tiền kiếm được
Sau hơn một thập kỷ kể từ khi Rowling được tạp chí Forbes tôn vinh là tỷ phú văn học đầu tiên của nhân loại, tình hình tài chính của bà đã thay đổi rất nhiều. Bà không hề bị phá sản, không phải quay lại sống nhờ trợ cấp chính phủ, mà vẫn sống tốt bằng nghề viết văn của mình. Tuy nhiên, vào năm 2012, bà lại được Forbes xếp vào Danh sách tài sản sụt giảm (FDL) sau khi dành phần lớn số tiền kiếm được để làm từ thiện. Bà đã quyên góp hơn 160 triệu USD kể từ khi thành danh nhưng quyết định này vẫn không ảnh hưởng đến tài sản mà bà kiếm được, ngoại trừ bà không còn nằm trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Bộ truyện Harry Potter được đánh giá là đã làm thay đổi cả một thế hệ. |
Một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất mà Rowling tạo dựng là Quỹ Lumos (LF). Đây là tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em vô gia cư và kết thúc bằng các cơ sở giáo dục.
Theo tờ The Sunday Times, rất nhiều điều dư luận chưa biết, đó là toàn bộ số tiền thu được từ hai tác phẩm, gồm Quidditch Through The Ages (Quidditch qua các thời đại) và Fantastic Beasts and Where to Find Them (Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng), hai tác phẩm ăn theo Harry Potter đã được Rowling góp hết vào cho quỹ bác ái của Anh có tên Comic Relief. Vì vậy, khi đề cập lý do Rowling được xếp vào trong danh sách FDL, Forbes đã nhấn mạnh đến lý do rất đáng trân trọng này mà Rowling đã làm.
Kim Hùng (Theo Grunge.com- 9/2017)
Ý kiến bạn đọc (0)