Dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm 6.490 tỷ đồng/năm
Số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020 (tháng 3/2020 là 161 dịch vụ). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm 6.490 tỷ đồng/năm. |
6 dịch vụ công trực tuyến mới nhất được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và được thực hiện trong toàn quốc ở thời điểm ngày 1/7 gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, có hơn 102 triệu bản sao chứng thực được thực hiện, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.
Một dịch vụ công khác được người dân đặc biệt quan tâm, đó là nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông. Dịch vụ này đã được thực hiện thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận từ ngày 13/3.
Thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn, khoảng 16 nghìn lượt tra cứu, thực hiện. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11 nghìn dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến.
Từ 1/7, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến sẽ được mở rộng phạm vi thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông và chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ước tính, với 6 dịch vụ công trực tuyến mới được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)