Đề nghị khẩn trương xử lý tồn tại của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao…
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn. |
Vì vậy, trong thời gian từ nay đến hết năm 2023 và thời gian tiếp theo, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu đề nghị: Tại kỳ họp này, Chính phủ có Báo cáo số 20 ngày 30/9/2023 về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Qua đó cho thấy, việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án này đã đạt được những kết quả tích cực, song nhìn chung tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa; có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể, cả trước mắt và lâu dài, bao gồm cả các biện pháp về kinh tế và biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với 12 dự án nêu trên.
Trong đó: Đối với Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, báo cáo của Chính phủ đánh giá: Dự án đã duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vượt kế hoạch, lợi nhuận đạt 1.779 tỷ đồng…
Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tiếp tục rơi vào khó khăn; mặc dù nhiều chỉ tiêu cơ bản dự kiến sẽ đạt kế hoạch song theo thông tin từ Công ty thì riêng chỉ tiêu về lợi nhuận sẽ không đạt, thậm chí tiếp tục bị lỗ hàng trăm tỷ đồng, lặp lại kịch bản trước năm 2022.
Nguyên nhân là sau thời gian (năm 2022) thị trường tiêu thụ có sự đột biến theo hướng thuận lợi cho Công ty, năm 2023 thị trường tiêu thụ đã trở lại điều kiện bình thường; giá phân bón giảm mạnh do nguồn cung trên thế giới dồi dào hơn (theo thông tin do Công ty cung cấp: Năm 2023 giảm 45-50% so với năm 2022). Đặc biệt, gánh nợ tài chính của Công ty còn rất lớn, vượt quá khả năng của doanh nghiệp, do lãi suất vốn vay Dự án và lãi phạt quá cao.
Đến nay, dư nợ vay của Công ty chủ yếu thuộc về Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Mặc dù sau 7 năm, Công ty đã trả cho VDB tổng số tiền bằng 1,03 lần số giải ngân vay gốc, nhưng số tiền Công ty hiện vẫn đang nợ VDB còn lớn hơn, bằng 1,34 lần số giải ngân vay gốc (gồm cả nợ gốc và nợ lãi), với lãi suất vay vốn bình quân theo hợp đồng là 10,78%, cao nhất là 12%, mức phạt chậm trả lãi là 150%. Hằng năm, Công ty phải chi phí lãi vay cho VDB khoảng 800 tỷ đồng (trong đó lãi phạt chậm trả lãi khoảng 400 tỷ đồng).
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã rất tích cực phối hợp xây dựng Đề án cơ cấu lại tài chính và nợ của Công ty để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Ngày 29/12/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận liên quan đến nội dung này, trong đó Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ cụ thể cho các dự án để tiếp tục hoạt động và phát triển, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, sau gần 1 năm triển khai kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan vẫn chưa có cơ chế xử lý, giải quyết cụ thể.
Trong khi chờ đợi, cán bộ, công nhân, lao động của Công ty đã và đang rất chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, duy trì sản xuất ổn định, tận dụng tốt cơ hội thị trường… Song, cơ chế cơ cấu lại tài chính và nợ cho Công ty mới là giải pháp có tính quyết định giúp Công ty xử lý tồn tại, vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo, quyết định cơ chế cụ thể đối với Công ty.
Thu Hằng (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)