Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn |
Thảo luận về kinh tế xã hội, nhiều đại biểu đánh giá, trước những khó khăn, thách thức rất lớn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với nhiều chủ trương, quyết sách lớn. Sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn.
Cho ý kiến tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định: Nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là "trụ đỡ", các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, giảm tốc. Thực tế này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế ở 3 tháng cuối năm - đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình, để có giải pháp thích ứng linh hoạt hiệu quả hơn nữa.
Để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị kiểm soát chặt giá cả thị trường, có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài; có cơ chế kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản...
Bên cạnh đó, cần duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm, có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm, trong đó cần quan tâm các nội dung kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì kết quả thương mại bền vững.
Đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ về nội dung đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội đến hến năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ phải linh hoạt hơn nữa, có phương án ứng phó sát tình hình, để điều chỉnh kịp thời các tình huống khẩn cấp, bất ngờ phát sinh trong thực tiễn.
Tại tổ thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) mong muốn, thời gian tới Chính phủ, cơ quan hữu quan tiếp tục linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ; giảm lãi suất cho vay, khắc phục triệt những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, bảo đảm tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đại biểu mong muốn ngành Ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị của ngành, cắt giảm thời gian chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại tổ thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh cần nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để vừa chống chịu, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, vừa tranh thủ thời cơ, cơ hội, động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)