Dân tộc ta, từ thời khắc huy hoàng năm ấy!
BẮC GIANG - Chỉ còn một năm nữa là tròn nửa thế kỷ đất nước Việt Nam thống nhất. Tháng Tư này 49 năm về trước, TP Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” đã chứng kiến thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng mang theo bụi đường và nắng gió ba miền tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu Toàn thắng về ta.
Chúng tôi may mắn có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, dù chỉ là một đơn vị công binh làm nhiệm vụ mở đường phục vụ chiến đấu. Cuối năm 1974, trên đường vào mặt trận, nghe thông báo của cấp trên đã thấy một không khí rạo rực, khẩn trương. Đồng chí Chính ủy trung đoàn phổ biến: Sau những thăm dò chiến lược, Đảng ta nhận định, mặc dù không muốn bỏ Việt Nam và địa bàn chiến lược Đông Nam Á song khả năng Mỹ khó có thể quay trở lại can thiệp trực tiếp với quy mô lớn vào đất nước ta. Nếu không chớp thời cơ này thì tình hình sẽ càng phức tạp, khó phán đoán, nhất là khi nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới vào năm 1977.
Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Ảnh: Đỗ Quyên. |
Ở trong nước, khí thế cách mạng tiến công của quân và dân ta với những chiến thắng giòn giã chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược càng làm cho nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa lục đục, suy yếu. Thời cơ lớn đã đến. Bộ Chính trị đã họp tháng 10/1974 và tháng 1/1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Sau chiến thắng Phước Long và chiến thắng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Chỉ sáu ngày sau, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn; quyết định tiến hành Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 9 đến ngày 30/4/1975).
Một chiến dịch thần tốc, táo bạo, quyết thắng khởi nguồn từ những nhận định, những quyết định của Bộ Chỉ huy chiến lược cũng thần tốc và chính xác như thế. Sự chuẩn bị khẩn trương, chủ động tiến công, đã góp phần tạo nên thắng lợi rực rỡ, có ý nghĩa lịch sử, giành độc lập toàn vẹn cho Tổ quốc.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đánh giá về sự kiện lịch sử vĩ đại này, Đại hội lần thứ IV (12/1976) của Đảng ta khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”. Trong những thắng lợi to lớn đó, cần nhấn mạnh trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối và nghệ thuật quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng.
Điểm nhấn hạ tầng TP Bắc Giang. Ảnh: VH. |
Bài học lớn của chiến công vĩ đại này là, muốn đánh thắng địch, phải giành thắng lợi từng bước; phải nhanh chóng chớp thời cơ; sử dụng phương pháp cách mạng sáng tạo và đúng đắn, với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc bén, mềm dẻo đó là tiến công và nổi dậy. Nghệ thuật quân sự Việt Nam từng được một học giả Mỹ viết sau sự kiện lịch sử mùa Xuân - 1975, đại ý: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là phát hiện về văn hoá. Nhà sử học George C Herring nói cụ thể hơn: “Cuộc chiến này không thể thắng được theo bất cứ nghĩa nào với một cái giá đạo đức hay vật chất mà người Mỹ coi là chấp nhận được”.
Nhân nói về thời cơ lớn trong cách mạng, nghĩ về công việc hôm nay, chúng ta nhận thấy, năm con Rồng 2024 đã đi qua một phần tư chặng đường với những thời cơ lớn và thách thức không nhỏ. Nói đến thời cơ và thành tựu, điều đầu tiên thấy rõ là, quý I vừa qua, GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, đạt gần 5,7%. Các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 17%, cán cân thương mại thặng dư hơn 8 tỷ USD, đầu tư tăng 4,7%, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93%. Nếu xem xét cụ thể một số động lực tăng trưởng truyền thống có thể nhận thấy, đà phục hồi khá đồng đều, như tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lịch sử không bao giờ chỉ dừng lại là câu chuyện của ngày hôm qua. Nó là câu chuyện của ngày hôm nay và ngày hôm nay tích lũy năng lượng, làm mới mình, chuẩn bị cho ngày mai. Chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài “Toàn thắng về ta”: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam”. Dẫu còn muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao trong những ngày Tháng Tư năm 2024 đang thôi thúc chúng ta vững vàng đi tới, làm nên những dấu son lịch sử mới. |
Đó là những con số mới nhất, những kết quả không phải ngẫu nhiên mà có, do chúng ta đã có nhiều giải pháp kịp thời, quyết liệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Nó bác bỏ những nhận định sai trái, rằng chính trị không ổn định, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, càng chống tham nhũng thì kinh tế càng bi đát (!). Cũng vẫn còn những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4, xuyên tạc về chính sách hòa hợp dân tộc của chúng ta.
Không phải bây giờ mà suốt mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, ý nghĩa sâu sắc nhất của mỗi chiến công là bài học cho hòa bình, cho công cuộc tái thiết đất nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị.
Đặc biệt là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Việc xem xét, xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao, những vụ việc, sai phạm tưởng như đã rơi vào quên lãng sau nhiều năm, đã chứng minh tinh thần nói đi đôi với làm, một quyết định đúng đắn hợp lòng dân, một việc làm cụ thể có tác dụng hơn rất nhiều những luận văn tuyên truyền, những câu nói đạo lý.
Tháng Tư này xin có đôi điều nói thêm về về việc thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc. Cứ mỗi khi gần đến ngày kỷ niệm toàn thắng 30/4, đây đó lại có những ý kiến lạc lõng, rằng, để hòa hợp dân tộc thì “không nên nhắc lại lịch sử”, “không nên gọi sự kiện này là Ngày giải phóng miền Nam”. Họ cho rằng như thế chỉ nuôi mầm mống thù hận, làm sâu sắc thêm sự mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử trong quá khứ (!)
Xin thưa, đấy không phải là ý kiến của số đông những người Việt Nam yêu nước. Cần phải vạch trần âm mưu lợi dụng hòa hợp, hòa giải dân tộc để chống phá chính quyền Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giờ đây, sau gần nửa thế kỷ, với những người một thời lầm đường lạc lối, họ chỉ có một con đường duy nhất là cùng với cả dân tộc chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu. Cái sai không thể trở thành cái đúng, nhất là cái sai ấy đã đi ngược lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất mà cả dân tộc này đã phải đổi bằng bao máu xương để làm nên hòa bình, thống nhất.
Sự cống hiến, hy sinh ấy của toàn dân tộc là vô cùng to lớn. Chỉ riêng tỉnh Bắc Giang, một trong những mảnh đất hậu phương vững chắc của miền Bắc trong những năm kháng chiến, đã có hơn 200 nghìn nam, nữ thanh niên lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Hơn 21 nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 15 nghìn thương binh để lại một phần thân thể ngoài mặt trận, hàng nghìn bệnh binh và quân nhân xuất ngũ, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam.
Cái giá của hòa bình, thống nhất là... vô giá! Sự thật lịch sử chỉ có một. Lợi ích dân tộc và cội nguồn con Rồng cháu Tiên là điểm tựa cho cả nước đi lên sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn tôn trọng lịch sử, không khoét sâu hận thù, chấp nhận những điểm khác nhau, nhưng không trái với lợi ích chung của dân tộc. Khi riêng rẽ mỗi người chỉ là giọt nước, nhưng khi cùng nhau chúng ta là đại dương. “Trời đã thắm lẽ đâu vườn cứ nhạt”. Bạn ơi, hãy nắm tay nhau đi tới vì sự phát triển và ổn định về kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, vì sự thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đến với nhau bằng lòng nhân ái, bằng sự chân thành và niềm tin cậy.
Lịch sử không bao giờ chỉ dừng lại là câu chuyện của ngày hôm qua. Nó là câu chuyện của ngày hôm nay và ngày hôm nay tích lũy năng lượng, làm mới mình, chuẩn bị cho ngày mai. Chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài “Toàn thắng về ta”: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam”. Dẫu còn muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao trong những ngày tháng Tư năm 2024 đang thôi thúc chúng ta vững vàng đi tới, làm nên những dấu son lịch sử mới.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)