Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4: Trở lại thao trường Việt Yên năm ấy
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang được xem là “lò luyện quân” của cả nước. Đã có hàng triệu thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường, trải qua 2-3 tháng huấn luyện trước khi vào chiến trường chiến đấu. Vào đầu những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn có tính chất quyết định, nhu cầu chi viện sức người cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hàng vạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã được động viên lên đường nhập ngũ, đông nhất là đợt ngày 6/9/1971.
Mô phỏng chuyến tàu chở sinh viên về ga Sen Hồ (Việt Yên) năm 1971. |
Sáng hôm đó, hơn 40 trường trên toàn miền Bắc đồng loạt vang lên tiếng trống trường. Khác với mùa Thu những năm trước, tiếng trống năm nay không phải tiếng trống khai trường mà là tiếng trống khai trận, khai lệnh cho hơn 3.500 sinh viên lên đường ra trận. Riêng Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp và Đại học Nông nghiệp đã có hơn 1.000 sinh viên nhập ngũ. Sau lệnh động viên tuyển quân ấy, các sinh viên hối hả lên tàu từ biệt giảng đường, từ biệt Thủ đô yêu dấu. “Ngày nhập ngũ đúng đợt xảy ra trận lũ lịch sử. Ngập lụt khắp nơi, đường bộ không thể đi được.
Chúng tôi lên tàu, đoàn tàu chầm chậm rẽ sóng, băng qua những cánh đồng lênh láng nước đưa tất cả về Bắc Giang huấn luyện. Hình ảnh con tàu hiên ngang vượt sóng lũ đã nói lên sự phi thường của thế hệ vàng sinh viên chúng tôi ngày ấy”- ông Phạm Thành Hưng, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp nhớ lại. Trong giờ phút gấp gáp trên sân ga, ai cũng muốn gặp mặt người thân để chia tay trước khi ra trận nhưng tất cả đều không kịp. Những lá thư không tem viết vội được thả xuống trắng đường ray, sân ga, nguệch ngoạc dòng chữ nhờ ai nhặt được chuyển đến địa chỉ gia đình, người yêu. Sau này, hầu hết những lá thư thả xuống vội vàng đó đều được người dân chuyển đến gia đình, người yêu của các sinh viên.
Từ năm 1970 đến 1972, hàng vạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên Thủ đô "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu". Trong số này có khoảng 6 nghìn sinh viên được huấn luyện tại huyện Việt Yên. |
Sau khi xuống ga Sen Hồ, những sinh viên hành quân về các vùng đồi núi của tỉnh Bắc Giang, đông nhất là ở hai xã Hương Mai và Việt Tiến (Việt Yên). Ông Thân Quang Hoạt, lính sinh viên Đại học Xây dựng cho biết: Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân về vùng đất này là một miền quê còn nghèo. Nhà ở đa số mái tranh vách đất, không có tường bao ngăn cách giữa các gia đình nhưng bà con giản dị, chân chất, tình cảm; luôn yêu quý, nhường cơm xẻ áo cho bộ đội.
Lính sinh viên ở trong nhà dân, mỗi nhà 3 người, sinh hoạt trong tổ “tam-tam”, được người dân yêu quý, coi như thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình như ông Nhi, chị Đạt ở làng Kép; chị Cầu ở xóm Núi; ông Đỉnh, bà Đức ở thôn Chàng; bà Tại, ông Giang, ông Tình, thôn Hà, xã Việt Tiến; bà Bảy, ông Đãng, ông Vinh, chị Côi, thôn Mai Hạ, Xuân Lan, Kép, xã Hương Mai và nhiều gia đình khác mặc dù không gian chật chội nhưng vẫn dành phần chỗ ở khang trang nhất, sạch sẽ nhất cho bộ đội. Tuy tiêu chuẩn bộ đội được ăn no hơn nhiều so với thời sinh viên nhưng vẫn không đủ sức vì huấn luyện rất vất vả. Được bà con thương cho củ sắn, củ khoai, quả chuối, củ lạc, thậm chí cả thịt gà, thịt lợn, rau xanh để những người lính sinh viên cải thiện bữa ăn, thêm phần sức khoẻ.
Nhóm lính sinh viên Đại học Bách khoa tại nơi huấn luyện - xã Việt Tiến (Việt Yên), tháng 9/1971. Ảnh tư liệu. |
Ông Quách Thuỷ, lính sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhớ lại: Mặc dù sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ, quen với địa hình đồi núi nhưng lần đầu bước vào huấn luyện trên vùng đồi núi Việt Yên, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. Ông nhớ những lần vào nhà dân xin tre để làm giường ngủ và dụng cụ dựng mô hình phục vụ huấn luyện. Mỗi ngày xin hai cây, hết tốp này đến tốp khác vào, người dân cho nhiều nên anh em cũng ngại. Dù nhiều mái nhà còn dột nát nhưng các gia đình vẫn nén lòng cho bộ đội chặt đi những cây tre cuối cùng đem về. Cũng có lúc ba lô bị rách lại xin cay, gạch, tre đan sọt đeo thay ba lô tập luyện.
Từ những chàng sinh viên hào hoa, thư sinh, ngày ngày bút sách giảng đường, tay quen cầm bút, hết giờ cầm đàn ca hát, nay đúng 5 giờ thức dậy, ba lô trên vai, vác súng băng đồi. Thao trường là những chân ruộng mạ, những vạt đồi bạch đàn. Vất vả nhất là rèn luyện hành quân mang vác, sau ít ngày huấn luyện ai nấy đều đen nhẻm. Ba tháng cấp tốc huấn luyện, các sinh viên cũng nắm được cách bắn súng bộ binh từ bài 1 đến bài 4; cách đánh bộc phá, ném lựu đạn, hành quân đường dài, các thao tác kỹ, chiến thuật quân sự cơ bản, mang vác nặng và leo đồi núi.
Gian khổ là vậy nhưng khí thế và niềm vui luôn hiện hữu. Ngày chia tay vào chiến trường mang theo bao lời hẹn ước với bà con nơi đây: “Chúc các con, các em, các chú lên đường mạnh khoẻ, bình an, tránh được hòn tên mũi đạn, hẹn ngày nước nhà thống nhất gặp lại”. Các lính sinh viên được phân bổ vào các quân, binh chủng, tỏa đi khắp chiến trường, đông nhất là ở đơn vị chiến đấu mặt trận Trị - Thiên. Hơn một nửa đã hy sinh, nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Đã qua hơn nửa thế kỷ, những sinh viên - chiến sĩ xếp bút nghiên lên đường ngày ấy số đông đã nằm lại chiến trường, thân xác hoà vào lòng đất mẹ và sống với “Mãi mãi tuổi hai mươi”; số đông đã về với tổ tiên do tuổi cao, sức yếu và di chứng chiến tranh. Số ít những người còn lại luôn nặng lòng với lời hẹn ước năm ấy. Nay các anh tổ chức trở về, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Việt Yên cùng các thế hệ con cháu quê hương Việt Yên sẽ nồng nhiệt chào đón các anh trở về.
Thời gian là sự thay đổi, 52 năm ở nơi huấn luyện ban đầu ấy hầu như mọi sự đã đổi thay, nhưng ký ức của thời gian cùng với lời hẹn ước năm xưa vẫn không hề thay đổi. Cùng chung nỗi nhớ thao trường, nhớ về nơi đóng quân những ngày đầu nhập ngũ, nhiều cuộc khởi xướng thăm lại chốn cũ mà chưa thành. Thể theo nguyện vọng của những cựu chiến binh và cả những người đã khuất, Ban Liên lạc cựu sinh viên - chiến sĩ Hà Nội đã nhất trí tổ chức gặp mặt tại huyện Việt Yên vào dịp Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam để ôn lại ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ, đồng thời tri ân nhân dân và địa phương Việt Yên đã từng một thời đùm bọc, giúp đỡ.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)