Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2023): Từ mùa xuân ấy

Cập nhật: 11:48 ngày 29/04/2023
(BGĐT) - Đã 48 năm rồi. Phải, đã 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chao ôi, cái ngày ấy, cái giây phút ấy - 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cứ sống mãi, in đậm mãi trong trái tim chúng ta. Vậy là từ ngày tháng này, đất nước ta liền một dải, giang sơn thu về một mối, vĩnh viễn không còn bom rơi đạn lạc, không còn cắt chia.

Lịch sử nước nhà còn ghi, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam bắt đầu ly khai. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) bất phân thắng bại. Sông Gianh (Quảng Bình) là giới tuyến chia cắt Đại Việt thành hai xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài. 

{keywords}

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập. Ảnh tư liệu.

Phong trào Tây Sơn đặt nền tảng thống nhất nhưng lại tạo ra những giới tuyến mới. Năm 1786 Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc lấy Bến Ván (Quảng Nam) làm mốc giới chia đôi đất nước. Nguyễn Lữ được giao trấn giữ Gia Định. Ngày 17/10/1887, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ là 2 xứ bảo hộ, Nam Bộ là thuộc địa.

Năm 1954 theo Hiệp định Genève, sông Bến Hải (Quảng Trị) là giới tuyến tạm thời Bắc Nam nhưng đế quốc Mỹ đã dựng chính quyền tay sai xóa bỏ Hiệp định, lập ra một quốc gia riêng biệt. Chỉ tới mùa xuân năm 1975 lịch sử, nước ta mới có giang sơn liền một dải. “Ôi, Việt Nam yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn Người ơi”! Cả dân tộc ta reo vang hân hoan sung sướng đúng như nhà thơ Tố Hữu nghẹn ngào trong hai câu thơ ấy. Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng, trào vui nước mắt cứ rưng rưng. Các dân tộc bị áp bức trên thế giới, bạn bè khắp năm châu bốn biển đều ca ngợi và tự hào Việt Nam, một Việt Nam quyết chiến, quyết thắng với tên đế quốc hùng mạnh nhất, tàn bạo nhất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số bom mà máy bay Mỹ ném xuống nước ta gấp gần ba lần tổng số bom mà tất cả các nước đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, tương đương với sức công phá của 250 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Năm đời Tổng thống Mỹ dính líu và lung lay ở chiến trường Việt Nam, từ Harry Truman đến Richard Nixon. 

Không những thế, Mỹ còn lôi kéo hàng loạt quốc gia tham chiến tại Việt Nam, như: Úc, Niu Di Lân, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines. Chính phủ Mỹ đã bỏ ra khoản chi phí lên tới 32 tỷ đô la mỗi năm, chiếm hơn 40% tổng ngân sách quốc phòng, huy động 60% số tàu sân bay, hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, tập trung hơn một triệu lượt quân, trong đó hơn nửa triệu quân thường trực tác chiến. 

Giữa thế kỷ XX, không có cuộc xâm lược tàn bạo nào như cuộc xâm lược đế quốc Mỹ thực hiện ở Việt Nam và cũng không có cuộc vệ quốc vĩ đại nào chấn động và làm nức lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới như ở Việt Nam.

Ông Abraham của tạp chí châu Âu khẳng định: “Nước Việt Nam đau thương đang dạy cho chúng ta phong độ làm người”. Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới - ông Romet Chandra viết: “Từ nửa sau thế kỷ XX có một từ mang rất nhiều ý nghĩa: Đấu tranh, dũng cảm, anh hùng và còn có ý nghĩa là chiến thắng, là độc lập tự do. Từ đó là Việt Nam”. Nhiều, nhiều lắm những lời ca ngợi Việt Nam. 

{keywords}

Quân giải phóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu.

Chính kẻ xâm lược cũng phải chua chát thừa nhận thất bại thảm hại, khi một Thống tướng, từng là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thời Tổng thống John Kennedy, sau là Đại sứ ở miền Nam Việt Nam và cố vấn chủ chốt của Tổng thống Lyndon Johnson đã ngậm ngùi: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”. 

Tổng thống Mỹ Gerald Ford cay đắng thốt lên: “Hãy quên Việt Nam đi”. Cho tới tận hôm nay, nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã phải tự thú, gây ra cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm khủng khiếp, do đã không hiểu hết về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam.

Trên thế giới này cũng hiếm có một quốc gia nào luôn phải đương đầu với nhiều kẻ xâm lăng hùng mạnh từ thời dựng nước, giữ nước như Việt Nam. Trong suốt dặm dài lịch sử, hết giặc phương Bắc đến giặc phương Đông, phương Tây dòm ngó, xâm lược Việt Nam và chúng đều nhận về mình thất bại. Nhà thơ Chế Lan Viên đã rất chí lý khi khái quát:

Định nghĩa Việt Nam là phải cầm khẩu súng diệt thù

Cấu tạo chất đất ở đây là như vậy.

Tấc đất, tấc mồ hôi, tấc phù sa, tấc máu.

Những tầng tầng lớp lớp nghĩ suy, mồ hôi, xương máu của cha ông.

Dân tộc ta, thế hệ sau tiếp nối cha anh luôn phải cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giá trị mình, đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã bày tỏ:

Ta lại viết bài thơ báng súng

Con lớn lên đang viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.

Người dân ở dải đất hình chữ S này- dải đất như một cánh cung khổng lồ luôn kiên cường, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vì chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chưa bao giờ khuất phục lũ xâm lăng/ Ngàn năm trước và bây giờ vẫn thế / Lòng dân ta vẫn vẹn nguyên hào khí / Của Đống Đa, Như Nguyệt, Bạch Đằng. Lời của một nhà thơ cũng là tiếng nói của muôn triệu người dân đất Việt.

Đã 48 năm rồi… Hào khí có, vinh quang có, sung sướng có, tự hào, kiêu hãnh có. Thế nhưng để có được niềm tự hào, hạnh phúc, vinh quang ấy, dân tộc Việt Nam ta đã phải trải qua bao mất mát, đắng cay. Hàng vạn, hàng vạn người con ưu tú của đất nước đã anh dũng ngã xuống trên các nẻo đường chiến tranh. Hàng trăm, hàng nghìn gia đình bị ly tán, sống trong khó khăn, nghèo khổ. 

Từ mùa xuân ấy, mùa xuân 1975 lịch sử, cả dân tộc ta vững bước tiến lên. Phía trước, đường lên hạnh phúc rộng thênh thang như Bác Hồ đã tiên đoán 62 năm về trước của xuân Tân Sửu dù sẽ phải trải qua nhiều thử thách, gian nan, ngáng trở. Không trở ngại nào, không thế lực nào ngăn nổi chúng ta đi.

Bao tan nát hạnh phúc lứa đôi. Bao người cho đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân mình. Những cảnh đời đau đớn vì bị phơi nhiễm chất độc da cam của giặc Mỹ. Ở đâu đó, những cánh đồng, khu rừng vẫn còn bom mìn ẩn sâu trong lòng đất… Hãy nhớ lấy. Phải, hãy nhớ lấy, không một ai bị lãng quên và không cái gì bị quên lãng. Quá khứ vẫn song hành hôm nay, nhắc nhở, giục giã chúng ta. Lãng quên quá khứ là tội lỗi. Bình minh của tương lai không bao giờ tách rời bóng tối quá khứ. 

Chỉ nhờ quá khứ giúp chúng ta hun đúc niềm tin, khơi dậy truyền thống đoàn kết, muôn người như một chung tay xây dựng tương lai. Đó là điều chắc chắn. Nói lên điều hiển nhiên này vì hiện nay những thế lực thù địch, phản động bên ngoài cấu kết với những kẻ bất mãn, thoái hóa biến chất trong nước đang ra sức xuyên tạc, bôi nhọ quá khứ, nhất là công cuộc chống Mỹ cứu nước, lập ra các tổ chức, đảng phái lừa bịp hòng xóa bỏ thế chế chính trị ở nước ta, phủ nhận những thành quả của công cuộc đổi mới, dựng xây đất nước của nhân dân ta. Cảnh giác và cương quyết đấu tranh với chúng là trách nhiệm của chúng ta.

Đã 48 năm rồi… Cuộc sống đổi thay kỳ diệu. Người dân ấm no, hạnh phúc. Mọi điều có được tưởng như trong mơ. Chưa bao giờ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam có được như hôm nay. Một Việt Nam phát triển vượt bậc, cả thế giới ngỡ ngàng, thán phục. Một Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Một Việt Nam ổn định, bình yên. Tên gọi Việt Nam đã trở nên rất đỗi thân quen, yêu mến cho các dân tộc địa cầu. Tất cả điều đó có được chính là nhờ hào khí của dân tộc ta, một dân tộc cần cù, dũng cảm, sáng tạo, kiên cường, bất khuất dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Từ mùa xuân ấy, mùa xuân 1975 lịch sử, cả dân tộc ta vững bước tiến lên. Phía trước, đường lên hạnh phúc rộng thênh thang như Bác Hồ đã tiên đoán 62 năm về trước của xuân Tân Sửu dù sẽ phải trải qua nhiều thử thách, gian nan, ngáng trở. Không trở ngại nào, không thế lực nào ngăn nổi chúng ta đi…

Đỗ Nhật Minh

Địa điểm Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam là Di tích lịch sử quốc gia
Ngày 19/12, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia cho Địa điểm Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam.
Chủ tịch nước dự lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc
Sáng 28/8, tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. 
Thành tựu sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
47 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2022), đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Mục tiêu năm 2022, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa phấn đấu 700 tỷ USD, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Chia sẻ:
ky-niem-48-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-304-1975-2023-tu-mua-xuan-ay.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...