Cuộc chiến giành Bắc Cực: Lịch sử qua những vết chân (kỳ 1)
Bản đồ phân chia vùng ảnh hưởng của 5 quốc gia gần Bắc Cực. |
Nỗ lực chinh phục…biển băng
Ngày 17-8-1977, chuyến đi trên mặt biển tới tận điểm được coi là cực Bắc của địa cầu được hoàn tất bởi tàu phá băng nguyên tử mang tên Artika (nghĩa là Bắc Cực) của Liên Xô (cũ). Song, trong vòng 150 năm trước đó đã có không biết bao cuộc thám hiểm hướng đến mục tiêu ấy, bằng cách này hay cách khác, được thực hiện bởi các hải đoàn đến từ những quốc gia có lãnh thổ nằm ở cả trong lẫn ngoài Vòng cực Bắc. Những chuyến đi chưa có mục đích gì rõ ràng, ngoài nhu cầu khám phá và thám hiểm những “khoảng tối” vẫn còn hiện diện trên bản đồ Trái Đất.
Bắc Băng Dương ở vùng Bắc Cực có diện tích rất lớn, khoảng 13,1 triệu km2. Vùng biển Bắc Băng Dương là nơi quy tụ nhiều quốc gia phát triển của thế giới, gồm các nước phương Tây thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch, bên cạnh đó còn có Liên bang Nga. Vùng đất quanh năm lạnh giá ở cực Bắc trái đất đang ngày càng “nóng” vì cuộc tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên ẩn dưới lớp băng. |
Có thể nhắc tới viên sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh William Edward Parry - người đặt chân đến điểm 82,45 độ vĩ Bắc, năm 1827. Có thể nhắc tới những đoàn thám hiểm xấu số Polaris (năm 1871) và thuỷ thủ đoàn USS Janette (năm 1879- 1881) của người Mỹ - những người không đến được đích và không bao giờ còn trở về. Cũng có thể nhắc tới Fridtjof Nansen và Fredrik Hjalmar Johansen, những nhà thám hiểm Na Uy ôm ấp tham vọng đến Bắc Cực bằng ván trượt nhưng đã phải quay về giữa đường vào tháng 4-1895.
Hay như kỹ sư yểu mệnh người Thụy Điển Salomon August Andree, người muốn tới đó bằng khinh khí cầu nhưng đã bị thổi dạt khỏi hành trình và chết đói trên hoang đảo Svalbard, năm 1897. Sau họ, năm 1900, Công tước Abruzzi Luigi Amedeo và Đại úy Umberto Cagni dẫn đầu một đội thám hiểm thuộc Hải quân Hoàng gia Italia đi trên băng, vượt qua cột mốc của Nansen khoảng 30- 40km về phía Bắc. Trong vòng bốn thập kỷ sau, rất nhiều nhà thám hiểm tuyên bố đã đặt chân đến điểm cực Bắc, nhưng tất cả đều thiếu cơ sở xác thực. Phải đến tận năm 1948, khi một phi hành đoàn Liên Xô với những ghi chép cụ thể và những cái tên cụ thể để kiểm chứng (Pavel Gordiyenko, Alexandre Kouznetsov và những người khác) đã hạ cánh xuống địa điểm ấy. Và ngày 23-4, nhân loại mới thật sự tin rằng mình đã chinh phục được mục tiêu này.
Một căn cứ quân sự của Nga tại Bắc Cực. |
Kể từ dấu mốc lịch sử đó, Bắc Cực liên tiếp đón những vị khách mới. Ngày 3-5-1952, Trung tá không quân Hoa Kỳ Joseph O.Fletcher, Trung uý William P.Benedict và nhà khoa học Albert P.Crary đáp xuống Bắc Cực. Ngày 17-3-1959, tàu ngầm USS Nautilus của Mỹ nổi lên ở Bắc Cực. Ngày 19-4-1968, một đoàn tàu lữ hành gồm Ralph Plaisted, Walt Pederson, Gerry Pitzl và Jean Luc Bombardier đến cực Bắc bằng mô-tô. Ngày 6-4-1969, với sự trợ giúp của các đội xe chó kéo và tiếp tế từ trên không, Đoàn thám hiểm xuyên Bắc Cực của Anh quốc với Wally Herbert, Alan Gill, Roy Koerner và Kenneth Hedge trở thành những người đầu tiên đi bộ tới Bắc Cực.
Nhưng, sự xuất hiện của tàu Artika ở vùng đất ấy luôn luôn mang một vị thế đặc biệt...
Sức quyến rũ không thể cưỡng
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Cực có sức quyến rũ không thể cưỡng. Nhận định này xuất phát bởi nhiều lý do, trước hết đó là lần đầu tiên, một đại cường hiện diện tại Bắc Cực với thành tựu kỹ thuật - công nghệ cao nhất của mình. Cũng là lần đầu tiên, những tín hiệu xác lập chủ quyền tại Bắc Cực được phát đi một cách kín đáo, nhưng rõ ràng. Kéo theo nó là những vận động toàn diện của các hệ thống quốc gia trong một guồng quay với gia tốc được đẩy lên mỗi lúc một nhanh. Và cuối cùng, các mâu thuẫn gay gắt về phương diện địa chính trị - quân sự cũng đã hoàn toàn được bộc lộ.
Tàu phá băng của Mỹ hoạt động ở Bắc Cực. |
Năm 2014, Đan Mạch đệ đơn lên Liên Hợp Quốc đăng ký chủ quyền một phần khổng lồ của Bắc Cực (900.000 km2 về phía Bắc đảo Greenland, lớn gấp 20 lần diện tích lãnh thổ vốn có của chính Đan Mạch). Điều này - các công cụ pháp lý - có lẽ là phương thức hữu hiệu nhất của một đất nước vốn thua sút quá nhiều về tiềm lực quân sự so với các đối thủ. Nói chính xác, Đan Mạch không có lựa chọn khác. Họ đòi hỏi rất nhiều, để nếu phải lùi vài bước trên bàn đàm phán thì kết quả cũng vẫn còn là chấp nhận được.
Trước đó, ngay từ năm 2001, nước Nga cũng đã tuyên bố đòi hỏi chủ quyền hàng chục nghìn km2 vùng biển Bắc Băng Dương. Nối tiếp họ, lần lượt Na Uy, Mỹ, Canada cũng có những yêu cầu lãnh thổ - lãnh hải - đặc quyền kinh tế của riêng mình. Năm 2008, “ngũ cường Bắc Cực” gồm Canada, Nga, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy ký Bản tuyên bố Ilulissat với nội dung các thành viên Hội đồng Bắc Cực phải giải quyết êm thấm mọi tranh chấp chủ quyền cũng như chia sẻ khai thác Bắc Cực. Song, không ai dám chắc thoả thuận này sẽ đủ sức đóng vai trò lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển trong an ninh, hoà bình và ổn định tại Bắc Cực.
Đó là bởi vì Bắc Cực hiện đã chính thức được xem là kho tàng thiên nhiên lớn nhất còn lại trên thế giới với tiềm năng khổng lồ chưa được khai phá. Các nhà khoa học tin rằng ở đây còn tới ít nhất 13% trữ lượng dầu thô chưa được khai thác trên toàn thế giới, cùng với đó là 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 10% trữ lượng hải sản. Cụ thể hơn, theo Bộ Tài nguyên và Năng lượng Nga, chỉ tính trong khu vực vùng biển Nga tuyên bố chủ quyền đã có hơn 10 tỷ tấn dầu thô và khí đốt. Ở trung tâm biển Barents, tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ lượng khoảng 3,7 nghìn tỷ m3 khí đốt và 31 triệu m3 khí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong 7 năm. Bên cạnh đó, dưới đáy Bắc Băng Dương còn tiềm ẩn hàng loạt trữ lượng mỏ quý khổng lồ, như sắt, niken, vàng, kẽm, uranium...
(Còn nữa)
Thiên Thư
Ý kiến bạn đọc (0)