Chuyển đổi số trong giáo dục: Thêm cơ hội học tập cho mọi người
Bước tiến đầu tiên
So với toàn quốc, ngành giáo dục Bắc Giang được Bộ GD&ĐT đánh giá là đơn vị có nhiều sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Cách đây gần 20 năm, Sở GD&ĐT đã đưa vào sử dụng website cung cấp thông tin về lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh với cả nước.
Ngành cũng tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các nhà mạng đưa Internet đến với trường học, đầu tư hạ tầng cơ sở từng bước đồng bộ, hiện đại, duy trì hệ thống thư điện tử đến đơn vị trực thuộc và cơ sở giáo dục.
Các văn bản đến và đi (không thuộc diện văn bản mật) cập nhật liên tục trên hệ thống giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên thuận tiện tìm hiểu, tra cứu thông tin. Hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành bảo đảm đồng bộ, liên thông 3 cấp từ cơ sở đến tỉnh và T.Ư.
Toàn ngành đã đầu tư xây dựng 21 phòng họp trực tuyến chuyên dụng trên nền tảng phần mềm Microsoft Teams. Đây là những bước tiến đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại.
![]() |
Học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) trải nghiệm học trực tuyến trên nền tảng chuyển đổi số do Microsoft Việt Nam hỗ trợ. |
Đặc biệt trong năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên môn và hoạt động dạy và học đều triển khai trực tuyến.
Mặc dù dịch bệnh đã tác động đến mọi mặt của đời sống song với sự nỗ lực, linh hoạt thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa chuyển đổi phương thức quản lý, điều hành, tổ chức dạy và học vừa tập trung phòng dịch, Sở GD&ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu toàn quốc, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua năm học 2019-2020.
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã xác định GD&ĐT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thực hiện.
Tại Bắc Giang, với 10 phòng GD&ĐT, 1 trường cao đẳng trực thuộc, 761 trường học và 28 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngành giáo dục xác định đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, từ đó tiếp tục đóng góp cho sự phát triển KT-XH chung của tỉnh và quốc gia.
Chủ động đáp ứng yêu cầu
Để chủ động bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số, những năm gần đây một số địa phương trong tỉnh đã bám sát kế hoạch của T.Ư, của tỉnh về mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trường học thông minh, số hóa thông tin quản lý nên đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại.
Điển hình như huyện Việt Yên đã làm việc với các doanh nghiệp Vinaphone, Viettel cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao đến tất cả cơ sở giáo dục. Huyện đầu tư hơn 10 tỷ đồng lắp ti vi thông minh, bảng tương tác có kết nối Internet cho hơn 600 phòng học, trang bị hơn 1 nghìn máy vi tính hiện đại cho các trường.
Trường THCS Thân Nhân Trung và Trường THCS Hoàng Ninh còn được huyện đầu tư xây dựng thư viện điện tử với nguồn tài liệu số đa dạng, bước đầu đáp ứng nhu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng của giáo viên và học sinh.
Hầu hết các hoạt động chuyên môn thực hiện trên hệ thống quản lý. Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Những công việc trước đây mất khá nhiều thời gian, công sức của cán bộ để rà soát, nắm bắt thống kê số liệu như: Công tác phổ cập giáo dục, kiểm định chất lượng, quản lý học sinh, chỉ đạo hoạt động chuyên môn... nay đều thực hiện trên phần mềm trực tuyến. Vì vậy, bất cứ khi nào cần tra cứu thông tin chúng tôi đều có thể dễ dàng thao tác và cho kết quả chính xác”.
Từ năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT phối hợp với một số doanh nghiệp thành lập tổ chuyên môn trợ giúp các trường triển khai mô hình giáo dục mới dựa trên nền tảng số. Phấn đấu đến năm học 2025-2026, 100% các trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điện tử theo dõi và đánh giá học sinh; 90% các bài kiểm tra đánh giá định kỳ tổ chức trực tuyến. |
Tại các trường: THPT Chuyên Bắc Giang, THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang), THCS Hoàng Ninh (Việt Yên), nhận thấy nhiều ưu điểm nổi bật khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy thể hiện ở việc giáo viên chủ động khai thác các nguồn tư liệu trên mạng Internet phù hợp với nội dung bài học, kết hợp với máy tính, máy chiếu được trang bị tại lớp nên tiết học sinh động hơn, học sinh dễ hiểu.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Nam, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Tân Yên số 1, những năm trước, một số giờ học phải thực hành tại phòng thí nghiệm nay chúng tôi ứng dụng phần mềm thiết kế thí nghiệm ảo vẫn cho xuất hiện các phản ứng tương tự, hình ảnh, âm thanh rõ nét".
Từ những gợi ý của thầy cô, học sinh về nhà chủ động tìm hiểu kiến thức, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu, dành thời gian trên lớp để thầy trò giải đáp các thắc mắc hơn là phương pháp truyền thụ một chiều.
Thực hiện chuyển đổi số là cơ hội để giáo dục Bắc Giang có bước tiến xa hơn, thúc đẩy chất lượng giáo dục phát triển song cũng là thách thức bởi bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa ở các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhất là người lớn tuổi ngại đổi mới, năng lực ứng dụng công nghệ hạn chế.
Khắc phục những khó khăn trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT xác định giải pháp trước mắt là toàn ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong giáo dục; tổ chức hướng dẫn thực hiện số hóa các văn bản chỉ đạo, tăng cường tổ chức các cuộc họp, tập huấn thông thường trên môi trường mạng. Từ năm học này, các trường có đủ điều kiện triển khai sổ điểm, học bạ điện tử thay thế dần cho văn bản, tài liệu giấy.
Từng bước hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, liên kết với các cơ sở giáo dục toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu cho mọi cán bộ, công chức, viên chức. Cùng đó, Sở GD&ĐT tích cực tham mưu với các địa phương đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị tại các vùng khó khăn, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)