Chuông đổ lúc 12 giờ
Chị nhận điện thoại tối qua. Hôm nay, chị phải đi công việc quan trọng. Công việc của chị không thể nói trước lúc nào về nhà cùng con. Có khi là gần nửa đêm mới về nhà, hoặc là đến sáng. Cũng may nhà ngoại ở gần trong thành phố, những lúc chị tham gia "đánh án" là gửi con về ngoại. Một hôm nó nói với chị: “Mẹ cứ đi làm con sẽ tự đi học”. “Nhưng mẹ lo lắm, đường sá đông đúc xe cộ…”. Nó nghiêm mặt: “Con sẽ tự đi học giống thằng Tùng ngõ bên. Sáng ra nó cũng đạp xe đến trường. Bố mẹ nó phải đi kéo xe thuê từ sáng sớm… Nó thương bố mẹ nó lắm nên tự đi một mình. Con… cũng thương mẹ nên con sẽ tự đi một mình”.
Minh họa: Đinh Hương. |
Chị quay mặt đi để tránh ánh nhìn trong veo của con bé mà giọt nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống gò má. Khuôn mặt chị đối diện với di ảnh của anh ngay trước mặt. Trong cuộc vây bắt trùm ma túy ở rừng Thiêng, anh cùng đồng đội đã truy đuổi bọn chúng đến tận cùng để quyết tâm bắt gọn và triệt phá đường dây buôn ma túy có tiếng ở đó. Một viên đạn đã găm trúng lồng ngực anh, mất máu nhiều quá, đồng đội đưa anh đi cấp cứu, trên đường đi anh đã tắt thở. Con bé lúc đó mới 8 tuổi. Nó không khóc. Ngồi im trong căn phòng nhỏ. Khi mọi người ở bên ngoài đến đông, nó chui vào tủ quần áo, ngồi trong đó ôm chặt lấy bộ quần áo công an của bố, rồi mãi mọi người mới tìm thấy nó. Chị thì ngất lên ngất xuống tưởng không trụ vững.
Một thời gian sau, cuộc sống của hai mẹ con cũng dần ổn. Có duy nhất một lần nó hỏi chị: “Bố bị bọn buôn ma túy bắn chết hả mẹ?”. Cái giọng đanh như thép của nó làm chị giật mình, hơi hoang mang. Con bé có gì đó càng lớn càng có vẻ lạnh lùng, ít tâm sự với mẹ. Chị sợ mình bận rộn công việc rồi hai mẹ con cứ xa cách nhau. Có lần, nó trở về nhà đầu tóc rối bù, quần áo bết đất, mặt đầy vết cào cấu. Chị lo thực sự. Nhưng vẫn bình tĩnh hỏi con tại sao. Nó vứt cặp lên bàn rồi thản nhiên nói: “Hôm nay con đánh nhau với thằng Tú đấy, bố nó bị bắt vì buôn bán ma túy đấy mẹ ạ!”. “Trời ơi, sao con lại nói thế, nhỡ không phải thì sao con. Việc này không phải của trẻ con”. Nó nhìn chị rồi giọng hơi xẵng: “Con bảo là, mày mà buôn ma túy như bố mày nữa là tao đánh chết đấy!”. Chị đến đau đầu với con bé tướng con trai này mất thôi. Chị thường xuyên phải gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm nhờ cô quan tâm giám sát giúp nhưng cô thường khen con bé học tốt, có ý thức nên phần nào chị cũng yên tâm.
Hôm trước, Hương sang nhà chơi dặn chị cứ yên tâm đi công tác, rồi cô em ngập ngừng hỏi: "Có người nhận ra chị đi vào nhà nghỉ cách đây hai hôm. Chị có bạn trai mới đấy à?". Chị giật mình, hóa ra có người vẫn nhận ra mình ư. Chết thật! Chị đã cố tình kéo chiếc mũ của áo đi nắng kín xuống, đeo kính đen kín rồi. Việc trao đổi giao dịch đã xong. Tay chủ hàng người Thái Lan nghỉ trong khách sạn đó, không biết có di chuyển tiếp đi đâu nữa không. Chị đã nhận lệnh tiếp tục theo đánh vụ này. Chị ậm ừ để cho qua chuyện với Hương nhưng con bé vẫn cứ nèo thêm một lúc nữa rồi nhắc đến anh Thăng, người cùng phòng với chồng chị.
Từ ngày chồng mất, anh Thăng thường qua lại giúp đỡ hai mẹ con chị. Giờ chị cũng về đội làm việc với anh, nên hai người càng có điều kiện gần nhau để chia sẻ công việc. Chị luôn coi anh như một người anh trai. Hoàn cảnh của anh cũng rất vất vả. Gần 40 tuổi đầu mà chưa đi bước nữa. Hai vợ chồng chia tay sau 5 năm kết hôn. Chưa có con cái gì. Người nọ đổ cho người kia. Anh bảo, thôi giải phóng để cô ấy làm lại hạnh phúc. Lỗi tại anh. Anh đã đi gặp bác sĩ rồi, họ bảo anh khó có khả năng có con. Anh rất yêu trẻ con nhưng anh không thể nhận nuôi một đứa trẻ nào vì công việc không cho phép anh có thời gian để chăm con. Anh nhận bé Tuyết nhà chị làm con nuôi, nhưng con bé không chịu. Mỗi lần anh đến chơi là nó tỏ thái độ không vui.
Chị khoác lên mình bộ quần áo cải trang thành một người đi buôn đến điểm hẹn để nhận hàng. Nhưng chúng chuyển thời gian và địa điểm nhận hàng. Chị nhận lệnh rút êm, chuyển phương án khác.
Những chiếc xe container nối đuôi nhau đi trên con đường cao tốc như đàn trâu rừng, rầm rầm... Trong số các xe ấy sẽ có một chiếc xe có hàng cấm. Anh Thăng và đồng đội chia thành những tốp chốt chặn kiểm tra và chờ tin báo về. Cũng có thể đêm nay, chúng tiếp tục thay đổi cách chuyển giao hàng. Không thể dừng hết các xe để kiểm tra được. Đầu mối thông tin đang đi vào rối loạn. Anh cảm thấy bất lực và có phần chán nản. Kim đồng hồ nhích từng chút. Nếu đêm nay không bắt được số hàng đó thì đây là lượng lớn ma túy bị tuồn vào vào thị trường tiêu thụ, còn biết bao cảnh đời sẽ đổ gục vì thứ chất trắng này. Rít nốt điếu thuốc, anh hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Điện thoại của anh nhận được tin báo. Cũng chỉ là lờ mờ chưa chính xác. Chiếc xe gầm cao dính đầy bùn đất đỏ quạch đã dừng lại. Các chiến sĩ kiểm tra giấy tờ của lái xe đều đầy đủ hết.
Anh cầm tay chị thật chặt nhìn sâu vào mắt chị trao gửi ánh mắt nồng nàn, ấm áp vô cùng. Chị khẽ mỉm cười. Anh ôm lấy chị trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vui rộn của đồng đội. |
Anh Thăng vòng ra phía sau xe, gõ gõ lên chiếc lốp dự phòng. Theo như dự cảm của anh, âm thanh của chiếc lốp vang lên lạ lạ. Gọi người lái xe lại để yêu cầu bỏ chiếc lốp dự phòng xuống. Anh ta lý luận rất nhiều và trì hoãn việc tháo lốp xuống kiểm tra. Cuối cùng một người mặc bộ quần áo dân tộc bước xuống dúi vào tay anh một tập tiền và nói rằng, phải đi gấp về bệnh viện cho người trong xe cấp cứu đau bụng, khả năng có khi đau ruột thừa. Thế là anh và đồng đội đề nghị sẽ đưa người đau bụng đi viện ngay. Tay lái xe định chui lên buồng lái để chạy thì bị chiến sĩ trong đội khống chế. Kiểm tra chiếc lốp dự phòng đã tìm ra những gói bột trắng. Anh Thăng dùng dụng cụ chuyên dụng sục vào chất trắng đó đổ ra một ít và cho thử với hóa chất kiểm tra, nhận ra chắc chắn là ma túy. Chúng không còn chối cãi được nữa. Chuông điểm đúng 12 giờ đêm.
Phòng nghiệp vụ của anh được khen thưởng nóng. Trong buổi được lãnh đạo đến tặng hoa chúc mừng chiến công, chị vắng mặt vì con bé nóng sốt trong viện. Anh Thăng gọi điện mấy cuộc không được. Anh bồn chồn đi lại. Khi bữa tiệc mừng chiến công diễn ra được một lúc, anh vội vàng lao vào bệnh viện. Bé Tuyết vừa được bác sĩ chẩn đoán có khối u trong đầu phải chuyển lên tuyến trên phẫu thuật. Thêm một lần nữa, chị như muốn khuỵu xuống. Anh đã đến. Có anh bên cạnh, mọi thủ tục nhập viện chuyển tuyến cho con anh đều làm hết. Chị ở bên con để chăm sóc con. Những giọt nước mắt của chị cứ rơi trước giờ con vào phòng phẫu thuật. Anh là người lau những giọt nước mắt cho chị.
Thời gian trôi đi căng như dây đàn. Anh xin nghỉ phép để chăm bé Tuyết cùng chị. Có anh ở bên cạnh, chị bỗng cảm thấy có một bờ vai để vững tâm. Anh bảo, đây là trách nhiệm của anh với người đồng đội đã hy sinh. Chính anh là người đã bế Tuấn trên tay đặt lên chiếc cáng hôm ấy. Tuấn ôm ngực và ánh mắt nhìn anh như gửi gắm điều gì không thể nói được.
Sau một tháng, bé Tuyết đã ổn định sức khỏe, chỉ chờ ngày xuất viện. Con bé cầm tay chị nói: "Mẹ ơi, lớn lên con sẽ làm công an". Chị ôm lấy con, bảo: "Con làm cô giáo hay nghề gì cũng được, chứ theo nghề công an như bố mẹ vất vả lắm!". Nó cho chị biết, lúc nó nằm viện, bác Thăng đã mua cho một cuốn sách thiếu nhi "Những chiến công thầm lặng". Nó thích được trở thành công an như mẹ.
Họ cứ lặng lẽ bên nhau. Đôi khi, chị cảm thấy ngại vì anh luôn đối với mẹ con chị rất tốt. Anh trầm ngâm lặng lẽ, thường xuất hiện khi hai mẹ con gặp khó khăn. Nhìn thấy anh sửa giúp bóng điện, lúc lại chạy vội đến để đón bé Tuyết đi học, chị lại thấy hình bóng của chồng như một nửa ở trong anh. Những đau khổ đã vơi dần. Những chiến công phá án cứ nối nhau. Đồng đội đều vun vén cho anh chị. Nhưng cái khoảng cách giữa anh và chị vẫn cách xa nhau. Giữa họ vẫn chỉ là công việc. Có sự chia sẻ và tìm thấy sự đồng cảm trong công việc với đồng đội làm chị đam mê theo nghề.
Gần 10 năm trôi qua, một ngày chị nhận được hai lời mời. Con gái Ánh Tuyết tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Đại học An ninh, nó mời mẹ đến dự lễ trao bằng tốt nghiệp. Còn anh mời chị đến dự bữa tiệc chia tay đồng đội trong phòng để về làm Trưởng công an của một huyện trong tỉnh. Tất nhiên là chị sẽ nhận lời với con gái rồi.
Nước mắt chị cứ tự nhiên trào ra, khi nghe con gái đọc bài phát biểu cảm xúc lúc lên nhận bằng tốt nghiệp. Ánh Tuyết được ở lại trường Đại học để đào tạo học tiếp lên làm giảng viên. Ôm bó hoa trong tay, mắt con bé nhớn nhác tìm ai đó, nó hỏi: "Bác Thăng đâu mẹ?". Chị hơi ngạc nhiên, trả lời: "Hôm nay bác bận, vả lại con có mời bác đâu mà bác đến". Con bé có vẻ không vui, rồi lấy điện thoại ra gọi. Cái giọng rất nhõng nhẽo khác hẳn mọi ngày: "Tại sao bác không đến chúc mừng con?". Không biết hai người đã nói gì với nhau. Nhưng sau buổi trao bằng, bạn trai của Ánh Tuyết đã đưa hai mẹ con về thẳng nhà để dự tiệc chúc mừng bác Thăng nhận công tác mới. Chị rất ngạc nhiên không biết con bé đã thay đổi thái độ với anh từ bao giờ.
Trong buổi tiệc chúc mừng. Con bé vẫn cái vẻ cứng đầu nhưng tự tin. Nó cầm micro hát tặng anh một bài hát. Nó đề nghị mọi người yên lặng để chúc mừng bác Thăng nhận nhiệm vụ mới và giao nhiệm vụ kép cho bác Thăng. Đó là từ nay còn phải có trách nhiệm trông nom mẹ nó giúp nó vì nó ở lại trường đại học công tác. Anh mỉm cười bước đến bên chị, hỏi: "Em có đồng ý nhiệm vụ con giao không?". Bỗng từ phía các đồng đội của anh chị, mọi người đều hô to: Đồng ý, đồng ý! Rồi tiếng vỗ tay cổ vũ: Hôn đi! Hôn đi!... làm chị ngượng chín cả mặt. Anh cầm tay chị thật chặt nhìn sâu vào mắt chị trao gửi ánh mắt nồng nàn, ấm áp vô cùng. Chị khẽ mỉm cười. Anh ôm lấy chị trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vui rộn của đồng đội: Chiến thắng, chiến thắng! Tiếng chuông điểm 12 giờ trưa vang lên bính boong.
Nhài quyết quay lưng để dứt bỏ mối tình này. Hoa nhài vẫn thơm ngát ngoài hiên, mùa dịu dàng vẫn về quanh ngôi nhà của hai mẹ con nhưng trái tim Nhài thì đang vỡ ra, nức nở.
Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến bạn đọc (0)