Chung tay chống hàng giả: Bài 2 - Cuộc chiến thường xuyên, liên tục, không có vùng cấm
BẮC GIANG - Dù đã phá được nhiều vụ vi phạm lớn song công tác chống hàng giả còn một số khó khăn, hạn chế. Trong khi đó, các thủ đoạn chống đối, qua mắt lực lượng chức năng ngày càng tinh vi. Để ngăn chặn hiệu quả cần có giải pháp quyết liệt, nhất là sự chung tay của toàn dân.
Văn bản chồng chéo
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I/2025, bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ rõ những hạn chế trong công tác đấu tranh với gian lận thương mại và hàng giả. Đó là, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết thực tế. Hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được tuồn sâu vào nội địa, bày bán công khai, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân.
![]() |
Khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Bắc Giang. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vi phạm. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chưa tốt. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chưa quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. “Câu hỏi đặt ra là có rất nhiều quy định của pháp luật liên quan, nhiều lực lượng tham gia phòng, chống nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, công khai thì cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của từng lực lượng” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đáng ngại hơn nữa là chính cơ quan quản lý-nơi người dân gửi gắm niềm tin ngăn hàng giả, hàng kém chất lượng lại tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả. Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các đồng phạm để điều tra hành vi nhận hối lộ liên quan đến sản xuất thực phẩm giả. Các đối tượng đã cấp giấy chứng nhận cho một số sản phẩm dù không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông tin này khiến dư luận dậy sóng, bởi lẽ chính cơ quan “gác cổng” để có sản phẩm an toàn cho cộng đồng lại dung túng cho sản xuất hàng giả, gián tiếp đầu độc người dân.
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06 diễn ra ngày 17/5, riêng đối với nhiệm vụ đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hàng giả cả 100 tấn mà chính quyền không biết, cấp ủy không biết, cơ quan chức năng không biết thì chỉ có thể do hai nguyên nhân. Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc. Bởi lẽ, các đối tượng thực hiện hành vi này chắc chắn phải có kho, bãi rộng; phải vận chuyển, có hoạt động mua bán, giao dịch thường xuyên. Đây chính là tiêu cực, phải xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân liên quan.
Ngoài các yếu tố được chỉ ra như trên thì công tác đấu tranh với hàng giả trong cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn. Đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang nêu, trong công tác đấu tranh với gian lận thương mại, hàng giả, đơn vị cũng gặp một số trở ngại như: Địa bàn tỉnh Bắc Giang rộng, trình độ dân trí và nhận thức của Nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả hạn chế, không đồng đều. Một số người mua phải hàng giả với số tiền lớn nhưng khi phát hiện cũng không tố cáo đến cơ quan chức năng. Trong khi đó, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động ngày càng tinh vi, có sự cảnh giới, thường xuyên thay đổi mẫu mã hàng hóa, thay đổi địa điểm sản xuất, ngụy trang nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Việc quản lý, phát hiện, kiểm tra, xử lý các đối tượng buôn bán hàng hóa trên mạng Internet, sàn thương mại điện tử mất nhiều thời gian, có trở ngại nhất định do các giao dịch như đặt hàng, trao đổi thông tin, thỏa thuận giá cả đều diễn ra trên không gian mạng, thông tin tài khoản, số điện thoại thông thường không đúng thực tế. Ông Chu Thanh Hiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh thông tin, hiện nay trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi lợi dụng mạng Internet để buôn bán, kinh doanh hàng giả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cùng đó, việc thiếu cán bộ có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao, thiếu kinh phí trong khâu bảo quản, xét nghiệm khi lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nên khó có căn cứ xử lý.
Thực hiện đợt cao điểm truy quét hàng giả
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn mới nổi lên. Trong khi đó, cả nước tiếp tục kiên trì mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có vai trò rất quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế lành mạnh, bền vững, ổn định vĩ mô, củng cố trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và uy tín quốc tế của đất nước. Do đó, ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới.
![]() |
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tham gia lớp tập huấn hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả. |
Theo đó nhấn mạnh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là Nhân dân. Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”... |
Xây dựng phong trào toàn dân trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả. Đặc biệt, thực hiện nghiêm các quy định, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính lực lượng chức năng. Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc; quan tâm ứng dụng công nghệ thông minh để đấu tranh có hiệu quả.
Khắc phục tình trạng chồng chéo các văn bản, hiện nay Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, có nội dung mới là đề nghị ngành Điện cần nắm bắt, theo dõi việc tiêu thụ điện năng, nếu thấy dấu hiệu bất thường của các cơ sở, hộ gia đình không đăng ký sản xuất, kinh doanh cần cung cấp, trao đổi cho lực lượng chức năng. Đây cũng là một trong những thông tin quan trọng trong phát hiện về sản xuất hàng giả, đóng gói tiêu thụ hàng giả. Bởi lẽ mọi hoạt động đều liên quan đến sử dụng điện, khi có sự phối hợp nắm bắt, xác minh, trinh sát kịp thời sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
Ngày 20/5, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc công tác đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ 15/5-16/6/2025.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo, người dân cần chủ động tạo lá chắn cho chính mình để ngăn cản, đẩy lùi hàng “rởm”; trước khi mua hàng cần xem xét kỹ tem nhãn, sử dụng thiết bị thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đi đôi với giải pháp trên, nhiều ý kiến đề xuất ngoài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần có biện pháp răn đe những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn và tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật. Cần bắt buộc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhằm bảo đảm minh bạch và an toàn.
Vai trò của người tiêu dùng trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái là vô cùng quan trọng. Có một thực tế, dù người dân biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn nhắm mắt cho qua, sẵn sàng rút ví mua vì phù hợp với điều kiện kinh tế, ham rẻ, nặng tâm lý thích hàng hiệu cho dù là hàng hiệu nhái. Khi nào người mua còn gật đầu với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thì khi đó những loại hàng hóa này vẫn còn “đất sống”. Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với các sản phẩm hàng hoá bán tràn lan trên các nền tảng không gian mạng. Đồng thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện những trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Thực tế, nhiều vụ phát hiện, đấu tranh thành công là từ tin tố giác, phản ánh của Nhân dân.
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng cuộc chiến chống hàng giả sẽ có bước chuyển mạnh mẽ, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào thị trường tiêu dùng trong nước.
Ý kiến bạn đọc (0)