Chung tay chống hàng giả: Bài 1- Hàng giả, hàng nhái “bủa vây”
BẮC GIANG - Thời gian qua, hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phanh phui, triệt phá khiến người dân hoang mang, lo lắng. Thực tế này khiến người tiêu dùng như bị “bủa vây” bởi hàng giả, hàng kém chất lượng, suy yếu niềm tin vào thị trường.
Tràn lan hàng giả từ chợ truyền thống đến… “chợ mạng”
Hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc được bán tràn lan từ nông thôn đến thành thị, từ chợ truyền thống đến “chợ mạng”. Dọc các dãy đường gom gần một số khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên, không khó để bắt gặp các quầy hàng kinh doanh quần áo, giày dép mang nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Gucci… nhưng giá thấp đến mức đáng ngờ, chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi sản phẩm. Chợ Thương, phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang) lâu nay được biết đến là chợ hạng I, lớn nhất tỉnh. Hằng ngày, chợ tấp nập người mua, kẻ bán. Khảo sát tại đây cho thấy, nhiều mặt hàng không đầy đủ tem nhãn, mập mờ về nguồn gốc, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng vẫn được bày bán công khai.
![]() |
Túi xách giả thương hiệu nổi tiếng được bán tại một cửa hàng trên đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi (thành phố Bắc Giang). |
Tại một gian bán bánh kẹo, hầu hết các loại bánh, hạt (bí, hướng dương), quả khô (táo đỏ, kỳ tử), ô mai… đều không có bất kỳ tem nhãn nào. Toàn bộ được đóng vào túi ni-lông, hộp nhựa nhiều kích cỡ. Hỏi giá táo đỏ, người bán nói 70 nghìn đồng/kg và giới thiệu đây là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc; bên sản xuất đóng thành từng thùng 10 kg, sau khi nhập hàng, người bán chia nhỏ thành các túi 0,5 kg để thuận tiện cho việc tiêu thụ. Trong khi đó giá táo đỏ Hàn Quốc chính hãng dao động từ 200-300 nghìn đồng/kg.
Ngoài thực phẩm, chợ Thương còn có nhiều cửa hàng thời trang bán các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, Dolce & Gabbana, Gucci… với giá rất “hời”. Người mua chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể sở hữu một đôi giày, một bộ quần áo gắn mác “hàng hiệu”. Mặt hàng túi xách cũng bị nhái nhiều thương hiệu phổ biến. Tại các huyện, thị xã, thành phố có nhiều cửa hàng rộng rãi, bày trí khu vực để túi xách sang trọng, thường trong các tủ kính có lắp hệ thống đèn chiếu sáng.
Khi bước vào không gian ấy, người mua dễ bị lầm tưởng bản thân đang trải nghiệm mua sắm ở nơi cao cấp, đồng nghĩa với việc sản phẩm chất lượng. Chẳng hạn, cửa hàng bán giày dép, túi xách mang tên H trên đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi (thành phố Bắc Giang) bán một chiếc túi gắn mác Dior giá gần 700 nghìn đồng, trong khi hàng chính hãng có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều loại túi xách khác mang lô gô YSL, Gucci, Louis Vuitto… giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/chiếc, rẻ “chóng mặt” so với hàng “xịn”.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thị trấn Kép (Lạng Giang). |
Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng quần áo, túi xách, giày dép… ngay cả mỹ phẩm cũng bị làm nhái tràn lan. Đây là nhóm hàng được nhìn nhận có thể tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng. Mới đây, chúng tôi theo chân chị N.T.V, ở xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) đang là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên) đến cửa hàng mỹ phẩm ở tổ dân phố My Điền 2, phường Nếnh (cùng thị xã) mua hàng. Chị chia sẻ, thường mua mỹ phẩm tại đây vì giá phù hợp. Lấy ví dụ như nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng (Chanel, Dior, Hermes, Gucci…) cũng chỉ có giá từ 100 - 500 nghìn đồng/chai 100 ml.
Trong khi đó, trên website chính thức của các sản phẩm này niêm yết giá lên tới vài triệu đồng/chai với thể tích tương tự. Có lần, chị tìm mua loại kem dưỡng tái tạo da Sum37 nhưng thấy giá bán trên web gần 7 triệu đồng nên không dám xuống tiền. Khi thấy trên mạng xã hội rao bán 650 nghìn đồng, chị “chốt đơn” ngay mà không quan tâm đến chất lượng, tính an toàn của sản phẩm. Sử dụng một thời gian, chị thấy da của mình không được cải thiện, có biểu hiện mọc mụn, ngứa. Lúc này, chị mới biết mình mất tiền oan.
Trên các nền tảng số, tình trạng hàng giả tràn lan trở thành vấn đề nhức nhối. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các nền tảng như Facebook, Zalo, TikTok và các sàn thương mại điện tử lớn đang phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP), giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 3/2024, có gần 900 tài khoản kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên nền tảng Facebook, Instagram bị gỡ bỏ với khoảng 140 nghìn sản phẩm vi phạm.
Các mặt hàng bị làm giả nhiều như: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, thiết bị công nghệ, đồ gia dụng... Đối tượng kinh doanh hàng giả thường quảng cáo sai sự thật hoặc tạo đánh giá ảo trên mạng để tăng độ tin cậy. Một số vụ việc gần đây cho thấy hàng giả được bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt mua.
Tại Bắc Giang, với sự phủ sóng toàn diện các mạng di động, phát triển nhanh điện thoại thông minh, việc mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được hàng thật ưng ý. Nhiều trường hợp đặt hàng một đằng nhưng nhận được hàng một nẻo, không đúng với sản phẩm thực tế, thậm chí mua phải hàng giả.
Triệt phá nhiều vụ vi phạm “khủng”
Theo ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hàng giả, hàng nhái gây ra hệ lụy rất lớn, người dân mất tiền mà mua phải hàng không tương xứng. Nghiêm trọng hơn nữa là nếu mua phải thuốc giả đang trong giai đoạn chữa bệnh khiến bệnh nhân bị bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị, có thể dẫn đến tử vong hoặc phát sinh bệnh khác. Đó thực sự là tội ác, cần nghiêm trị.
![]() |
Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang làm việc với đối tượng Nguyễn Văn Khánh, xã Đại Lâm (Lạng Giang). |
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, triệt phá nhiều vụ vi phạm “khủng”. Điển hình là vụ sản xuất sữa giả với hơn 600 sản phẩm khiến dư luận phẫn nộ. Các đối tượng này lập nhiều công ty “vỏ bọc”, lợi dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để tung sản phẩm ra thị trường hòng tạo lòng tin của người tiêu dùng. Tương tự, vụ thuốc giả tại Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 bị can về tội sản xuất, buôn bán thuốc giả. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, chủ yếu là thuốc tân dược và điều trị xương khớp.
Tiếp đến, ngày 17/5, Công an thành phố Hà Nội bóc gỡ thành công một đường dây sản xuất và buôn bán hơn 100 tấn hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh do vợ chồng đối tượng Phạm Ngọc Tiến ở quận Hà Đông cầm đầu. Thủ đoạn của những đối tượng này là thành lập 17 công ty khác nhau, trong đó 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước. Tiến là dược sĩ nên tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ tự phối trộn thành viên nang, đóng gói. Tất cả nhãn mác trên sản phẩm đều được ghi bằng tiếng nước ngoài nhằm thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ...).
Chung tay với cả nước, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh đã chỉ đạo, huy động lực lượng xử lý hàng giả. Rà soát tình hình trên không gian mạng, mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) phát hiện tài khoản Shopee “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r” và các tài khoản TikTok: “Sare Comesticc”, “Coca Beauty” có hoạt động quảng cáo, rao bán các loại mỹ phẩm như: Khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da… nghi là hàng giả. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã khoanh vùng và xác định đối tượng Nguyễn Văn Khánh, ở xã Đại Lâm (Lạng Giang) chuyên hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả nói trên tại nhà.
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm các ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp, đấu tranh, qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gần 600 vụ. Trong đó, hơn 40 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. |
Theo Thiếu tá Trần Văn Phú, Đội trưởng Đội chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Công an tỉnh), quá trình kiểm tra đã phát hiện Nguyễn Văn Khánh sản xuất 13 loại mỹ phẩm khác nhau với tổng số 2.468 sản phẩm thành phẩm là mỹ phẩm; khoảng 104 nghìn chiếc tem chống hàng giả; hàng triệu nhãn mác các loại; gần 10 nghìn chai, lọ; 300 kg nguyên liệu là phèn chua, dung dịch pha chế, máy co màng băng chuyền, máy dập date (hạn sử dụng)... Tính đến thời điểm bị bắt, đối tượng đã bán ra thị trường hơn 100 nghìn đơn hàng mỹ phẩm các loại, thu lợi khoảng 6 tỷ đồng. Hiện nay, vụ việc đang được điều tra, xác minh mở rộng để xử lý theo quy định.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng phối hợp, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Vĩnh, xã Tân Hưng (Lạng Giang) cùng các đồng phạm về hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Kiểm tra và khám chỗ ở của Nguyễn Văn Vĩnh phát hiện khoảng 3 nghìn chai thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ của các nhãn hiệu Newfosinate 150SL Thiên Lôi, MI STOP 350 SC BIG SKY, BESTKILL ANDORIL 250EC, Yapoko 250SC Top 1 và lncipio 200SC; 4,3 nghìn túi thuốc diệt chuột, hàng nghìn vỏ chai lọ, tem nhãn, nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Được biết từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý 7 vụ việc về sản xuất, buôn bán hàng giả, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên đây chỉ là một số vụ điển hình mà cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Theo thống kê, 4 tháng đầu năm các ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp, đấu tranh, qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gần 600 vụ. Trong đó, hơn 40 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều vụ hàng giả, hàng nhái được phát hiện cho thấy tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hộ, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tác động tiêu cực đến thị trường, quyền lợi người tiêu dùng, cần có những giải pháp mạnh tay, xử lý kiên quyết, không khoan nhượng với hành vi sai trái.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)