Hội viên phụ nữ: Nòng cốt xây dựng nhà sạch, xóm phố đẹp
BẮC GIANG - Thực hiện Đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định" giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 1553), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, góp phần nâng cao ý thức người dân, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn.
Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả
Để thực hiện Đề án 1553, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Lý (Tân Yên) đã kết hợp tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, các buổi truyền thông cộng đồng. Mỗi tuần, có khoảng 60 lượt bài tuyên truyền được phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở về giữ gìn vệ sinh môi trường. Tại các điểm vui chơi công cộng, nhà văn hóa, đường liên thôn, các chi hội lắp đặt 52 pano, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan.
![]() |
Công trình đường cây xanh của phụ nữ thị trấn Phồn Xương thực hiện Đề án 1553. |
Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo mã QR chứa nội dung hướng dẫn phân loại rác, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ tại hộ, niêm yết ở nhà văn hóa 12/12 thôn và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chi hội, hội viên nòng cốt, tổ chức hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về bảo vệ môi trường”. Năm 2024, phụ nữ xã hoàn thành ba công trình xanh, trồng mới 10 nghìn cây bạch đàn và hơn 500 cây hoa các loại, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Với địa bàn huyện Lạng Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chỉ đạo 19/19 đơn vị cơ sở hội xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định. Toàn huyện có 21 chi hội đăng ký thực hiện mô hình, góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Nhằm động viên các hộ tích cực tham gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tặng hàng nghìn thùng, sọt phân loại rác và chế phẩm sinh học cho gia đình hội viên làm điểm. Từ đó huy động người dân cùng tham gia xử lý rác thải, từng bước xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn xóm, phố sạch đẹp.
Chị Chu Thị Lợi, hội viên phụ nữ thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm (Lạng Giang) nói: “Từ khi được cán bộ hội phụ nữ phát tờ rơi, hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác tại hộ, tôi và nhiều chị em trong thôn không chỉ thực hiện tốt việc phân loại rác mà còn phổ biến, hướng dẫn lại cho hàng xóm. Phân loại rác không hề phiền phức mà còn giúp bảo vệ sức khỏe, làm sạch môi trường và tiết kiệm chi phí”.
Quá trình thực hiện Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Việt Yên đã tổ chức hơn 300 buổi tuyên truyền, gần 40 nghìn hộ ký cam kết phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Nhiều mô hình như “Đổi rác lấy cây xanh”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngôi nhà xanh” được nhân rộng. Tăng hiệu quả tuyên truyền bằng cách phát video clip, chia sẻ bài viết qua mạng xã hội.
Các chị còn tổ chức trình diễn trang phục từ rác tái chế, vẽ tranh về môi trường, thi tuyên truyền viên giỏi, phát động chiến dịch vệ sinh môi trường 100 ngày góp phần nâng cao nhận thức của hội viên và người dân. Nhờ vậy, từ khi triển khai Đề án đến nay, các cấp hội trong huyện đã thu gom phế liệu gây quỹ được hơn 1,5 tỷ đồng, tặng 233 xe đạp, 694 suất quà, hỗ trợ xây dựng 14 nhà “Mái ấm tình thương” và phương tiện sinh kế cho phụ nữ, trẻ em khó khăn.
Chuyển biến nhận thức và hành động
Sau một thời gian triển khai, Đề án 1553 đã đem lại hiệu quả thiết thực về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, tăng thêm nguồn lực tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua của phụ nữ toàn tỉnh. Từ chỗ chưa biết cách, chưa quan tâm, nhiều hội viên đã chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, biết phân loại rác hữu cơ, vô cơ, rác tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon.
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức gần 15 nghìn cuộc tuyên truyền cho 827 nghìn lượt người; phát miễn phí dụng cụ thu gom, phân loại rác; xây dựng 3,4 nghìn mô hình, câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Từ nguồn thu gom, phân loại phế liệu tái chế gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn hơn 6,8 tỷ đồng. |
Tại huyện Hiệp Hòa, các cấp hội trong huyện đã xây dựng 25 mô hình xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học và 182 mô hình “tiết kiệm xanh” thu gom rác tái chế gây quỹ. Qua đó góp phần xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, toàn huyện có 10 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu với 79 thôn kiểu mẫu.
Tại thành phố Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện Đề án bằng các mô hình cụ thể, sát thực tế từng địa bàn. Tại xã Song Mai và Tư Mại có diện tích đất nông nghiệp lớn được chọn để xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải bằng men vi sinh. Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường xây dựng mô hình “Phụ nữ xách làn đi chợ”, “Phụ nữ nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” nhằm hạn chế rác thải nhựa. Những mô hình hay, cách làm sáng tạo đã và đang từng bước thay đổi cảnh quan môi trường ở các khu dân cư.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án vẫn còn một bộ phận hội viên, người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn, ở một số địa phương việc nhân rộng mô hình gặp khó khăn. Nhằm khắc phục những tồn tại, phát huy kết quả đã đạt được của Đề án, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế phấn đấu 100% chi hội có mô hình xử lý rác hữu cơ hoặc thu gom rác tái chế; mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất một công trình gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Chú trọng chuyên sâu về kỹ năng vận động, hướng dẫn xử lý rác thải cho chi hội trưởng, cán bộ hội phụ nữ cơ sở. Tiếp tục gắn tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình “5 không, 3 sạch”, phong trào “sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà”.
Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Để tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án. Từ đó đánh giá mức độ chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên và Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường để đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số như sử dụng mã QR, fanpage, video clip hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác thải. Thường xuyên kiểm tra, biểu dương những đơn vị làm tốt, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn những đơn vị còn hạn chế để tạo động lực thi đua giữa các chi hội; vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở”.
Ý kiến bạn đọc (0)