Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số
BẮC GIANG - Để hoàn thành mục tiêu đạt mức sinh thay thế, Bắc Giang tập trung tuyên truyền, triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Nhờ đó, tổng tỷ suất sinh của tỉnh dần tiệm cận mục tiêu đề ra, góp phần nâng chất lượng dân số.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Ngày 23/9/2020, UBND tỉnh ban hành Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; mục tiêu đến năm 2025, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2-2,2 con và duy trì vững chắc mức sinh thay thế này đến năm 2030. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, thực tế địa phương. Tại huyện miền núi Sơn Động, do đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm nhà đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có con trai nối dõi nên vẫn còn nhiều gia đình sinh con thứ 4, thứ 5. Để thay đổi nhận thức của người dân, Trung tâm Y tế huyện tăng cường tuyên truyền, xây dựng các mô hình gia đình tiêu biểu để nhân rộng. Nhờ đó, mức giảm tỷ lệ sinh hằng năm của huyện từ 0,05 đến 0,07‰, đạt mục tiêu đề ra.
![]() |
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Với huyện Tân Yên, vừa tuyên truyền tại cộng đồng, nhà trường, hằng ngày, bác sĩ Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế huyện) tuyên truyền về chính sách dân số cho các sản phụ ngay tại phòng bệnh. Với những trường hợp sinh con lần đầu, bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sau sinh, khoảng cách phù hợp để sinh bé thứ 2. Đồng thời, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ sinh con trước tuổi 35 để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé, nâng cao chất lượng dân số. Chị Đỗ Minh Hảo, trú tại xã Hợp Đức (Tân Yên) cho biết: “Trong thời gian nằm viện dưỡng sức sau sinh, tôi được bác sĩ tư vấn về khoảng cách giữa những lần sinh cũng như biện pháp tránh thai hiệu quả. Tôi xác định 3-5 năm nữa sẽ sinh bé thứ hai để có thời gian hồi phục sức khỏe và tập trung chăm sóc con đầu”.
Thống kê của Sở Y tế, qua gần 5 năm triển khai Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, cơ quan chuyên môn của Sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông lồng ghép được gần 1 nghìn buổi với hơn 20 nghìn lượt người về các kiến thức dân số, kế hoạch hóa gia đình; tổ chức hàng chục lớp tập huấn bổ sung, cập nhật những kiến thức mới, cung cấp kỹ năng tuyên truyền, vận động tại cộng đồng, thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nội dung thực hiện giảm sinh ở cơ sở… cho cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố.
Cùng đó, 100% các trường khối trung học phổ thông, trung học cơ sở lồng ghép, tích hợp giáo dục kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản vào tiết học, hoạt động trải nghiệm; các ngành, đoàn thể thành lập, duy trì 709 mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”, 97 mô hình “gia đình hạnh phúc”, 74 câu lạc bộ “dân số - kế hoạch hóa gia đình”…
Bà Hà Minh Thu, Phó trưởng Phòng Dân số và Trẻ em (Sở Y tế) cho biết: “Trong hoạt động truyền thông, chúng tôi cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về hướng dẫn, truyền đạt các nội dung liên quan đến dân số, kế hoạch hóa gia đình; phối hợp với các ngành, địa phương lựa chọn, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”.
Khuyến khích sinh đủ 2 con
Nhờ đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hình thức hỗ trợ, tư vấn, các chỉ tiêu của Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 cơ bản hoàn thành. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (số con/phụ nữ) giảm từ 2,3 con năm 2020 xuống còn 2,21 con vào năm 2024 và ước còn 2,2 con vào cuối năm 2025 (đạt mức sinh thay thế theo mục tiêu của Chương trình); mức giảm tỷ lệ sinh duy trì 0,05‰/năm, đạt mục tiêu đề ra. Cùng đó, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) được cung cấp các biện pháp tránh thai đạt hơn 78,9%... Mặc dù mức sinh đang có xu hướng giảm dần và tiệm cận mức sinh thay thế, song qua đánh giá, Bắc Giang vẫn nằm trong số các tỉnh có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên cao; việc triển khai chính sách dân số ở khu vực nông thôn, miền núi còn gặp khó khăn.
Qua gần 5 năm triển khai Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (số con/phụ nữ) của tỉnh giảm từ 2,3 con năm 2020 xuống còn 2,21 con vào năm 2024 và ước còn 2,2 con vào cuối năm 2025 (đạt mức sinh thay thế theo mục tiêu của Chương trình); mức giảm tỷ lệ sinh duy trì 0,05‰/năm, đạt mục tiêu đề ra. |
Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh năm 2025, UBND tỉnh đề ra mục tiêu duy trì mức giảm tỷ lệ sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Bắc Giang ra khỏi nhóm các tỉnh có mức sinh cao. Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên tổ chức các hoạt động truyền thông ở những địa bàn đông dân, có mức sinh và tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên cao, địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về công tác dân số trong tình hình hiện nay cho lãnh đạo, cán bộ phòng dân số - truyền thông thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn và đại diện cấp ủy, chi bộ, chính quyền cấp thôn, tổ dân phố tại một số địa phương. Cùng đó phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên thị xã Việt Yên tổ chức 2 hội thi “Rung chuông vàng” với chủ đề “Tìm hiểu kiến thức dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên”…
“Hoạt động truyền thông năm nay, chúng tôi tập trung tuyên truyền những chính sách, định hướng, nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới, trong đó chú trọng đến nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên. Quan tâm tư vấn lợi ích của việc sinh đủ 2 con cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ”, bà Hà Minh Thu thông tin.
Ý kiến bạn đọc (0)