Rộn ràng quê Bác tháng Năm
BẮC GIANG - Những ngày tháng Năm lịch sử, dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại náo nức trở về với làng Sen - quê hương thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ hội làng Sen toàn quốc năm 2025 được tổ chức trọng thể nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được kỳ vọng mang đến một không gian văn hóa - tâm linh sâu lắng, lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Rộn ràng bước chân về nguồn
Tháng Năm, xứ Nghệ như khoác lên mình tấm áo mới - trầm mặc mà rực rỡ. Những tia nắng đầu hè không còn gay gắt, dịu nhẹ buông xuống những hàng cau, luống rau xanh mướt, giàn hoa giấy rực rỡ bên hiên nhà. Những đầm sen bắt đầu bung nở, toả hương thanh khiết như đón chào bước chân bao người con đất Việt hành hương về làng Sen quê Bác.
![]() |
Khuôn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên được chăm sóc tỉ mỉ để chào đón du khách muôn phương về với quê Bác. |
Trên các tuyến đường về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), dòng xe nối đuôi nhau tạo nên một dòng chảy hành hương lặng lẽ mà sâu lắng, chan chứa bao cảm xúc hướng về cội nguồn. Gương mặt du khách ánh lên niềm mong đợi, bồi hồi. Họ đến đây không phải để tìm kiếm những điều xa hoa, mà để lắng lòng trước mái nhà tranh đơn sơ, trước bể nước, gốc cau gợi nhớ thời thơ ấu của Người. Nhiều người dừng lại thật lâu trước cây mít cổ thụ trong vườn nhà Bác, nơi Bác từng chơi đùa thuở nhỏ, rồi lặng lẽ ghi lại khoảnh khắc bằng một tấm ảnh, như giữ lại chút hơi thở của ký ức.
“Đây là lần đầu tiên tôi về thăm quê Bác. Khi bước chân vào khu di tích, tôi thấy nhịp tim mình chậm lại. Mọi thứ ở đây mộc mạc, chân thành đến lạ. Cảnh sắc thanh bình, con người thân thiện, không khí linh thiêng khiến tôi rất xúc động,” anh Lê Minh Tuấn, du khách đến từ Bắc Giang xúc động chia sẻ. Không chỉ khách trong nước, nhiều đoàn du khách quốc tế cũng bày tỏ niềm kính phục khi được tận mắt chứng kiến không gian lưu giữ những kỷ vật gắn liền với Bác. “Tôi cảm nhận được lòng tôn kính mà người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của mình. Mọi thứ ở đây không quá lớn, nhưng rất sâu sắc”, một du khách đến từ Pháp chia sẻ.
Quê hương Kim Liên hôm nay vẫn giữ được vẻ thanh bình, giản dị, nhưng đã chuyển mình mạnh mẽ. Những con đường làng nhỏ hẹp năm nào giờ đã được mở rộng, đổ bê tông sạch đẹp, hai bên là hàng cây xanh tươi mát mắt. Mỗi sáng, mỗi chiều, người dân cần mẫn chăm chút từng bồn hoa, xóm làng rực rỡ sắc màu, sẵn sàng đón bạn bè bốn phương. Những mô hình du lịch cộng đồng, các sản phẩm OCOP từ sen, từ mây tre đan và đặc sản địa phương dần hình thành, góp phần tạo nên bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu vừa gần gũi, vừa đầy sức sống.
Sẵn sàng cho lễ hội quy mô toàn quốc
Khắp xã Kim Liên những ngày này như một đại công trường văn hóa vào guồng nước rút. Từ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho tới Sân vận động làng Sen - nơi diễn ra lễ khai mạc - mọi công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương nhưng cẩn trọng đến từng chi tiết. Sân khấu ngoài trời được dựng hoành tráng, hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư hiện đại, các hàng ghế, khu khán đài đã hoàn thiện sẵn sàng đón hàng vạn người dân và du khách. Trong khuôn viên khu di tích, các luống sen được trồng từ sớm để kịp nở rộ đúng dịp lễ hội. Vườn cây, lối đi, nhà tưởng niệm… đều được chỉnh trang tỉ mỉ. Từng tấm pano, băng rôn tuyên truyền rực rỡ đã lên khung, căng phông, thắm đượm sắc màu lễ hội. Hàng trăm tình nguyện viên đã có mặt từ nhiều ngày trước để tham gia hỗ trợ du khách, hướng dẫn tham quan, giữ gìn trật tự an toàn cho chuỗi hoạt động.
![]() |
Du khách nghe thuyết minh về gia đình và tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Một trong những hoạt động mang tính biểu tượng sâu sắc của Lễ hội làng Sen 2025 chính là lễ khánh thành Tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” vào tối 15/5. Tượng đài được đúc từ đồng, cao hơn 10 m, tái hiện hình ảnh Bác trong bộ quần áo kaki giản dị, ánh mắt hiền từ, đôi chân đang bước những bước đi đầy trìu mến giữa quê hương. Không gian tượng đài được quy hoạch trang trọng, là nơi để đồng bào cả nước thắp nén hương lòng, tri ân Người đã hiến trọn đời mình cho dân tộc.
Chương trình nghệ thuật “Tượng đài trong muôn triệu trái tim” vào đêm khai mạc lễ hội cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua. Những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam như: Trọng Tấn, Tùng Dương, Tân Nhàn, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu… thể hiện các ca khúc bất hủ ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước. Trên nền nhạc trữ tình, nghệ sĩ và Nhân dân cùng hòa giọng, tạo nên bản hợp xướng xúc động, tái hiện chân dung Người không chỉ bằng âm thanh - ánh sáng, mà bằng cả niềm tin yêu, tự hào và ngưỡng vọng.
Lễ hội làng Sen năm 2025 chính là dịp đồng bào cả nước, kiều bào ở xa quê, những người yêu mến đất nước Việt Nam trở về cội nguồn, được sống lại những giá trị trường tồn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Một lễ hội không chỉ để tưởng niệm, mà còn để tiếp lửa, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau sống xứng đáng với di sản thiêng liêng mà Người đã dày công vun đắp. |
Công trình “Thác 9 tầng” tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được khánh thành. Công trình không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người phụ nữ đã sinh thành và nuôi dưỡng một vĩ nhân cho dân tộc. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, Lễ hội làng Sen có màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút ngay sau lễ khai mạc, như một lời chào rực rỡ gửi đến Bác, đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế đang hướng về miền quê xứ Nghệ.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô toàn quốc, hội tụ hàng loạt hoạt động đặc sắc kéo dài suốt một tuần: Giải chạy “Hành trình theo chân Bác - Vì an ninh Tổ quốc”, hội thi thể thao truyền thống, triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN”, triển lãm mỹ thuật, hội diễn nghệ thuật “Tiếng hát Làng Sen”, các cuộc giao lưu văn nghệ - điện ảnh - thanh niên tiêu biểu… Tất cả như một khúc tráng ca đa sắc, kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai bằng tình yêu quê hương, đất nước và lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Không chỉ là một lễ hội, đây còn là cuộc hội tụ văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc biệt. Lễ hội làng Sen 2025 chính là dịp đồng bào cả nước, kiều bào ở xa quê, những người yêu mến đất nước Việt Nam trở về cội nguồn, được sống lại những giá trị trường tồn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Một lễ hội không chỉ để tưởng niệm, mà còn để tiếp lửa, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau sống xứng đáng với di sản thiêng liêng mà Người đã dày công vun đắp.
Ý kiến bạn đọc (0)