Tháng Năm ở Kim Liên
Trên khắp các ngả đường ngập tràn sắc cờ, biểu ngữ mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dòng người từ khắp mọi miền cùng về đây trong một niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị Cha già dân tộc.
Dòng người tấp nập về thăm quê nội ở làng Sen, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của tuổi thơ Bác Hồ và các thành viên trong gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Các cán bộ thuyết minh phải làm việc hết “công suất” nhưng vẫn say sưa, nhiệt tình với nhiệm vụ giới thiệu về các hiện vật, gia đình và quê hương của Người. Trong dòng người đông đúc, không ít người lặng lẽ rút chiếc khăn tay thấm những dòng nước mắt đang tuôn rơi. Có một phụ nữ xấp xỉ tuổi 70, dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay bưng chiếc đĩa bày một quả dừa, mấy quả xoài, măng cụt, vẻ mặt đầy thành kính.
Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Thương, đến từ tỉnh Hậu Giang xa xôi – nơi nổi tiếng “gạo trắng nước trong”, hoa trái đầy vườn. Hỏi chuyện, bà Thương vui vẻ đáp với một âm điệu mộc mạc, chân chất của vùng Tây Nam Bộ: “Tôi vừa đến Nghệ An từ hôm qua, sáng nay hỏi đường lên thăm quê Bác, giờ đang chờ đến lượt để dâng lên ban thờ Bác những loại hoa quả đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ”.
Dừng một lúc, bà Thương nói tiếp: “Hồi tôi còn nhỏ, đất nước chiến tranh, hai miền còn chia cắt, ở quê trong đó ai cũng cất dành các loại quả thơm ngon nhất chờ Bác vào thăm để đem biếu Bác. Nhưng rồi ước nguyện không thành, Bác ra đi khi hai miền chưa thống nhất, để lại bao niềm tiếc nuối, nhớ mong... Nay có dịp hành hương về quê Bác, bà con chòm xóm đều gửi hoa trái ra đây dâng lên Bác hương vị quê nhà và cả tấm lòng thành kính, biết ơn”.
![]() |
Du khách tham quan, nghe thuyết minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Huy Thư |
Trong khuôn viên di tích gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, ông Nguyễn Xuân Trung – một cựu chiến binh đến từ tỉnh Thái Nguyên dạo quanh vườn tược, hàng cây rồi ngắm nhìn các hiện vật trong ngôi nhà tranh của Bác. Đôi mắt rưng rưng xúc động, bước chân bồi hồi, ông Trung tâm sự: “Về quê Bác, tôi thực sự thấy rất đỗi gần gũi và thân quen, ngỡ như là quê mình vậy. Dù đã biết qua thơ văn, sách báo, ti vi, đã thấy vườn rau, hàng rào dâm bụt, mái nhà tranh đơn sơ nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bâng khuâng, xúc động, có lúc không kìm được nước mắt. Có cảm giác như Người vẫn còn ở quanh đây, dõi theo bước chân hành hương của con cháu khắp mọi miền”.
Ở quê ngoại Hoàng Trù, có một đoàn khách tham quan đến từ đất cảng Hải Phòng, tất cả các thành viên đều chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của cán bộ thuyết minh. Đến đoạn giới thiệu về chiếc khung cửi bà Hoàng Thị Loan thường ngồi dệt và chiếc võng đay giản dị trong ngôi nhà tranh, bỗng dưng một người phụ nữ trạc tuổi 50 òa khóc nức nở. Bà nói khi chưa kịp lau khô dòng nước mắt: “Tôi không thể ngờ được rằng, Bác Hồ có một tuổi thơ giản dị đến thế. Không thể ngờ từ nơi đây, Bác đã đến khắp mọi miền đất nước, bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước, cứu dân...”.
Về quê Bác, khách hành hương được biết thêm về những năm tháng tuổi thơ, gia đình và quê hương của Người. Dịp này, du khách còn được nghe những khúc ca về Người với giai điệu ngọt ngào, thiết tha, chứa chan niềm yêu thương, ngưỡng vọng. |
Về Kim Liên, tham quan quê nội và quê ngoại của Người, nhiều người dành thời gian ghé thăm di tích núi Chung – ngọn núi gắn với những năm tháng tuổi thơ của Bác. Tương truyền, nơi đây thuở ấu thơ Người từng vui đùa và chơi trò đánh trận giả cùng với những người bạn đồng trang lứa.
Nơi đây có rừng cây mát rượi, gió thổi rì rào, đưa chúng ta về cõi nhớ. Một ngôi đền thờ vừa được xây dựng để ghi nhớ công lao các thành viên gia đình cụ Phó Bảng, khách hành hương với một nén tâm nhang, gửi gắm lòng thành kính. Vì gia đình ấy đã hòa vào mạch nguồn non sông, đất nước, cùng chung vận mệnh, sự sống còn của Tổ quốc thân thương.
Về quê Bác, nhiều du khách đã có hành trình lên dãy Đại Huệ - nơi bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ yên nghỉ để dâng nén hương lòng. Những bậc tam cấp dẫn bước chân lên lưng chừng núi, trước mộ thân mẫu của Người là biểu tượng chiếc khung cửi, thể hiện nét tần tảo, chịu thương, chịu khó của người mẹ làng Sen. Từ nơi đây, phóng tầm mắt dòng sông Lam xanh trong như một dải lụa, dãy Thiên Nhẫn trải dài, làng quê trù phú.
Những cánh đồng và bãi bồi vẫn là nguồn sống của người dân quê Bác, quanh năm ngời lên sắc màu bội thu. Và văng vẳng đâu đây câu dân ca ví, giặm mộc mạc ân tình, lắng đọng, thiết tha. Chị Trần Thị Mai – một người con của cao nguyên Đắk Lắk, sau khi thăm quê nội và quê ngoại đã gần trưa, trời nắng gay gắt. Vậy nhưng, chị vẫn quyết định dẫn hai con lên núi Đại Huệ viếng mộ bà Hoàng Thị Loan. Chị tâm niệm: “Đã về quê Bác, dù mệt và xa đến mấy cũng phải lên viếng mộ thân mẫu của Người. Bởi người mẹ ấy đã sinh thành một vĩ nhân, một người anh hùng giải phóng dân tộc…”.
Chị Bùi Thị Đảm - cán bộ Phòng Tuyên truyền - giáo dục Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: “Những ngày tháng Năm, càng gần ngày sinh nhật Bác lượng khách về tham quan càng đông, phần lớn các đoàn đều đăng ký phục vụ và thuyết minh nên công việc rất bận rộn. Dù vậy, anh chị em chúng tôi luôn cảm thấy phấn khởi vì được khách quan tâm lắng nghe và chia sẻ niềm xúc động”.
Về quê Bác, khách hành hương được biết thêm về những năm tháng tuổi thơ, gia đình và quê hương của Người. Dịp này, du khách còn được nghe những khúc ca về Người với giai điệu ngọt ngào, thiết tha, chứa chan niềm yêu thương, ngưỡng vọng. Để rồi, ngày mai trở về với gia đình, với quê hương và những công việc thường ngày, giai điệu và âm thanh, hương sắc quê Người vẫn bâng khuâng, lan tỏa. Và mãi tự hào đã được theo dòng người hành hương về quê Bác, dâng lên Người câu hát, niềm tôn kính, yêu thương cùng niềm tin bất diệt về công lao, sự nghiệp của Người…
Công Kiên
Ý kiến bạn đọc (0)