Nam sinh xuất sắc Đại học Bách khoa Hà Nội làm ở Nvidia trước khi tốt nghiệp
Phạm Vũ Tuấn Đạt làm việc tại Nvidia Việt Nam, trước khi trở thành một trong 8 sinh viên tốt nghiệp sớm với điểm xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phạm Vũ Tuấn Đạt (22 tuổi) vừa nhận bằng tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính với điểm tổng kết (CPA) 3.66/4 và điểm rèn luyện 97/100.
![]() |
Phạm Vũ Tuấn Đạt. |
Trong 8 sinh viên xuất sắc ra trường đợt này, Đạt có điểm rèn luyện cao nhất nhờ tích cực tham gia nhiều hoạt động, từ đoàn hội đến nghiên cứu khoa học. Chàng trai quê Điện Biên là tác giả chính của hai bài nghiên cứu công bố tại AAAI và ICASSP - hội nghị quốc tế hàng đầu về AI và xử lý âm thanh, tiếng nói, tín hiệu.
Nam sinh cũng từng là thành viên của Trung tâm tài năng trẻ FPT, thực tập tại Công ty VinBrain, sau đó trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp này. Cuối năm ngoái, sau khi Nvidia mua lại VinBrain, Đạt được trao cơ hội thử sức tại Nvidia Việt Nam.
"Mình may mắn và biết ơn vì có được những hành trang quý giá này trước khi tốt nghiệp đại học", Đạt nói.
Đạt là cựu học sinh chuyên Lý của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên. Nam sinh trúng tuyển vào Bách khoa năm 2021 bằng phương thức xét tuyển tài năng, nhờ giải nhất cấp tỉnh Tin học và khoa học kỹ thuật; thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia Vật lý.
"Việc chọn Bách khoa không ngẫu nhiên do danh tiếng. Mình chọn sau khi được phân tích kỹ lưỡng và có định hướng rõ ràng", Đạt nói. "Mình muốn được làm nghiên cứu khoa học tại đây".
Dù tìm hiểu kỹ, khi vào trường, Đạt vẫn sốc bởi chương trình nặng. Nếu như ở cấp ba, nội dung lý thuyết một buổi chỉ bằng nửa trang A4, thì ở Bách khoa, trong 2-3 tiếng, Đạt phải học hết một chương, kiến thức trải đầy 6 tấm bảng, chưa kịp hiểu nội dung này đã đến phần khác.
Sau tháng đầu, Đạt dần khắc phục bằng việc đọc bài trước khi đến lớp, lưu tâm phần chưa hiểu để chú ý hơn khi lên giảng đường và hỏi thầy cô khi cần. Đạt cũng luôn cố gắng làm đầy đủ bài tập.
Việc học vào guồng, đến kỳ II, Đạt quyết định tham gia nghiên cứu khoa học ngay, như định hướng đã vạch ra khi vào trường.
Đạt tìm thông tin các phòng thí nghiệm (lab), nhóm nghiên cứu, cân nhắc hướng phù hợp rồi liên hệ. Email đầu tiên Đạt gửi tới Phó Giáo sư- Tiến sĩ Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu Tối ưu, hiện là Phó hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông.
![]() |
Tuấn Đạt và cô Bình trong ngày tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, hôm 10/5. |
Cô Bình cho biết thời điểm đó, Đạt là một trong số rất ít sinh viên muốn tham gia nghiên cứu từ năm thứ nhất. "Đó là ngày 28/2/2022. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận được email của Đạt vì xin vào lab quá sớm", cô Bình nói.
Nhìn email đưa ra lý do, cam kết rõ ràng, cô Bình quyết định cho Đạt lên lab nghe và dự họp hàng tuần.
Tham gia nghiên cứu sớm khiến Đạt gặp nhiều khó khăn khi chưa biết nhiều kiến thức chuyên ngành. Song Đạt coi đây là cơ hội để học trước bài. Nam sinh cũng tham gia đầy đủ các buổi hướng dẫn, hỏi anh chị đi trước để biết cách đọc bài báo khoa học, phân tích, tổng hợp dữ liệu, tìm vấn đề mới để viết bài báo.
Cùng đó, Đạt vào câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Đoàn thanh niên - Hội sinh viên trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, làm trợ giảng. Tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Đạt từng giành tới giải nhất.
"Thanh xuân ở Bách khoa của Đạt là ở trường từ sáng đến tối", cô Bình nói. "Tôi rất ấn tượng với định hướng rõ ràng, ý chí, sự chăm chỉ, toàn năng của Đạt".
Cũng từ năm thứ nhất, Đạt xây dựng hồ sơ bản thân trên LinkedIn - mạng xã hội giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm việc làm.
"Thay vì lướt Facebook, mình dành thời gian lướt LinkedIn để biết thêm những điều mới về ngành nghề. Mỗi năm, mình lại cập nhật những gì làm được vào hồ sơ trên đó", Đạt nói.
Tháng 9/2023, Đạt được một người liên hệ, nói hồ sơ trên LinkedIn phù hợp với VinBrain. Tìm hiểu và nộp hồ sơ, Đạt được nhận vào vị trí thực tập sinh Applied Sciences (Khoa học ứng dụng).
Thời gian này, Đạt tham gia nghiên cứu tính năng của sản phẩm AI chăm sóc sức khỏe, giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm của công ty. Đây cũng là thời gian Đạt có công bố tại hội nghị ICASSP.
Sau một năm, Đạt được VinBrain ký hợp đồng làm việc, dù chưa nhận bằng tốt nghiệp và gắn bó đến nay, khi doanh nghiệp này đã thuộc về Nvidia.
"Ban đầu, mình đặt mục tiêu tốt nghiệp xong sẽ du học", Đạt kể. "Nhưng sau khi có cơ hội làm việc ở tập đoàn đa quốc gia này, mình thay đổi kế hoạch".
Hiện, Đạt vừa làm việc tại Nvidia, vừa sắp xếp thời gian học thạc sĩ Khoa học dữ liệu tại Bách khoa Hà Nội để nâng cao chuyên môn.
"Mình muốn có chuyên môn, kinh nghiệm vững vàng để đạt hiệu quả cao trong công việc, làm tiền đề cho những bước đi tiếp theo", Đạt nói.
Ý kiến bạn đọc (0)