Ủy quyền mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói: Tạo đà cho nông sản vươn xa
BẮC GIANG - Có nhiều quy định liên quan đến mã số vùng trồng, trong đó, quy định ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng sản phẩm xuất khẩu từ các mã số vùng trồng và sản phẩm đóng gói từ các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số để xuất khẩu hàng hóa là một quy định mới. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nắm rõ nội dung này, qua đó có thể khai thác mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được ủy quyền, tạo đà cho nông sản vươn xa.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì 304 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong đó, mã số vùng trồng vải thiều là chủ yếu với 240 mã, diện tích hơn 17,4 nghìn ha; còn lại là nhãn, bưởi, dưa hấu, vú sữa. Bắc Giang có 39 cơ sở đóng gói vải tươi xuất khẩu (37 cơ sở đóng gói sang Trung Quốc, 1 cơ sở đóng gói sang Thái Lan và 1 cơ sở đóng gói sang Nhật Bản). Việc cấp mã số vùng trồng giúp nông sản đáp ứng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tự do, định hình thương hiệu, có tấm “vé thông hành” vào thị trường quốc tế.
![]() |
Cơ sở sơ chế, đóng gói của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco Bắc Giang được phía Hoa Kỳ công nhận đủ điều kiện đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Ảnh: TRỊNH LAN. |
Tháng 1/2025, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có văn bản quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Một trong những điểm mới là quy định việc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng sản phẩm xuất khẩu từ các mã số vùng trồng và sản phẩm đóng gói từ các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số để xuất khẩu hàng hóa. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu nông sản, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh cần nắm chắc thông tin, nhất là những thay đổi trong quá trình xuất khẩu quả tươi để chấp hành đầy đủ các quy định, đáp ứng yêu cầu trong xuất khẩu.
Theo quy định mới, từ ngày 20/1/2025, các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải gửi văn bản về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo thông tin tổ chức, cá nhân được ủy quyền xuất khẩu sản phẩm. Các thông tin cần có gồm: Tên tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu; danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được sử dụng; dự kiến khối lượng sản phẩm xuất khẩu trong năm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tổng hợp, báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật, đồng thời cập nhật thông tin trên hệ thống mã số quốc gia. Đây là căn cứ quan trọng để Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng triển khai các bước kiểm dịch lô hàng.
Các tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sẽ bị từ chối kiểm dịch, điều này đồng nghĩa với việc không thể xuất khẩu hợp pháp sang thị trường nước ngoài, kể cả khi sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp. Đặc biệt, việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, không được “thỏa thuận bằng miệng”. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng; đề nghị các cơ sở đóng gói thực hiện nghiêm các quy định về xuất khẩu bảo đảm tính minh bạch, nâng cao giá trị và uy tín của nông sản địa phương. Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ số cập nhật dữ liệu về quá trình sản xuất, đóng gói, bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, coi đây là chìa khóa mở rộng xuất khẩu bền vững.
Ủy quyền mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là cần thiết giúp cho nông sản vươn xa ra thị trường trên thế giới, khẳng định vị thế nhưng phải đi kèm với năng lực, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn. Chỉ khi đó, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mới thực sự trở thành tấm "hộ chiếu" chất lượng cho nông sản Việt Nam bước vào các thị trường khó tính. Trong bối cảnh xuất khẩu trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng và mở rộng thị trường, đặc biệt sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản thì yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trở thành yếu tố sống còn.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng, bộc lộ một số hạn chế. Để khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu cần tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa phương, đặc biệt cấp xã về việc quản lý các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật. Cùng đó là có cơ chế kiểm tra, hậu kiểm và xử phạt nghiêm với những trường hợp sử dụng sai mã số hoặc vi phạm quy định về chất lượng nông sản.
Tích cực hướng dẫn các địa phương rà soát lại các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp. Tăng cường phối hợp mở lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến quy định của các nước nhập khẩu; tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cấp và quản lý mã số.
Tại vùng sản xuất cần có sự phân công cụ thể cán bộ đầu mối trong quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các vùng trồng phục vụ công tác quản lý tại địa phương. Cùng đó, tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, tránh việc mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.
Thông tin thường xuyên với các cơ quan đầu mối tại tỉnh về công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đề nghị cấp mã số để sản xuất bền vững, xuất khẩu ổn định và nâng cao chất lượng nông sản. Việc nâng cao hiệu quả công tác ủy quyền và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)