Chống buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc ven các khu công nghiệp
Hàng giả, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan
Hằng ngày, vào thời điểm hết giờ làm việc (khoảng từ 16-20 giờ), dọc tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) thường có hàng chục xe máy, xe tải (loại từ 0,5-1 tấn) chở hàng đến bày bán ven hai bên đường. Hàng hóa bày bán rất phong phú, với hàng trăm sản phẩm quần, áo, giày dép, túi xách, kính, phụ kiện điện thoại, chăn, đệm, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em…
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra tem nhãn bao bì hàng hóa tại một cửa hàng ở thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên). |
Đáng chú ý, trong số quần áo, giày dép bày bán tại đây có nhiều sản phẩm mang nhãn, mác của những thương hiệu thời trang nổi tiếng như: NY, LV, Adidas, Gucci, Nike, Lacoste… nhưng lại có giá đồng hạng và chỉ bằng 1/10 giá của các sản phẩm chính hãng. Nhiều quần, áo nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài nhưng không đề nơi sản xuất.
Không ít sản phẩm nhãn, mác phụ (in trên giấy cứng) ghi “Made in Vietnam” nhưng nhãn mác (được in trên nền vải) gắn với sản phẩm lại ghi toàn chữ nước ngoài nhằm đánh lừa thị hiếu người mua. Có đôi giày mới, được bọc trong túi ni lông nhưng đã bục đế, chất lượng rất kém.
Trao đổi với đại diện shop thời trang Maxx Sport, số 194-196, đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) được biết, hiện các sản phẩm giày, dép… của một số hãng lớn như Adidas, Gucci, Nike tại shop này đang được giảm giá khuyến mại tới 40% nhưng giá mỗi sản phẩm vẫn dao động từ 900 đến hơn 3 triệu đồng/đôi. Do đó, các loại hàng hóa mang nhãn hiệu của các hãng thời trang lớn đang được bày bán tại thôn Núi Hiểu chắc chắn là hàng nhái, hàng giả.
Tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác, không rõ xuất xứ bày bán công khai cũng diễn ra tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên); thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng); địa phận xã Song Khê (đoạn quốc lộ 17, gần KCN Song Khê - Nội Hoàng, TP Bắc Giang). Các quầy hàng thời trang ở tổ dân phố My Điền 2 còn bày bán từ sáng cho đến tối khuya.
Chủ của những hàng hóa nêu trên là người ở các huyện khác như: Lục Nam, Lạng Giang và các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên… Nhiều chủ hàng cho biết đã mang sản phẩm đến bày bán ở địa bàn ven các KCN của Bắc Giang nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc hàng hóa, những người này chỉ nói chung chung là nhập từ Trung Quốc và các tỉnh bạn về đây tiêu thụ.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, hàng được làm giả rất đa dạng, trong đó có nhiều loại nhãn hàng hóa khác đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam… Thị trường hàng giả có xu hướng gia tăng trong nhiều lĩnh vực như: Quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, máy tính, túi xách, linh kiện ô tô, xe máy, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Sở dĩ hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn lưu thông được ở vùng ven các KCN là do nơi đây tập trung số lượng lớn lao động, nhiều người có thu nhập thấp. Về phía khách hàng, đa số biết không phải hàng chính hãng nhưng vẫn mua vì giá rẻ, phù hợp túi tiền.
Chưa quan tâm xử lý vi phạm
Nói về tình trạng bày bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý, ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu lý giải: "Cấp xã chỉ cố gắng bảo đảm việc bày bán hàng hóa không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông, còn việc kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái là do ngành chức năng đảm nhiệm".
Chỉ tính tại địa bàn các huyện Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp kiểm tra, xử lý 41 vụ việc buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 286,6 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy hơn 239,8 triệu đồng. |
Theo Cục QLTT tỉnh, riêng tại địa bàn TP Bắc Giang, Yên Dũng và Việt Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý 41 vụ buôn bán hàng giả, không rõ xuất xứ, kém chất lượng...
Tang vật thu giữ chủ yếu là hàng thời trang, may mặc, gồm hơn 3,2 nghìn sản phẩm của các hãng thời trang lớn như Adidas, Nike, Hermes; 200 phụ kiện áo chống nóng; bên cạnh đó là ba lô học sinh, đồ chơi trẻ em...
Trong số này, có 35 vụ thuộc địa bàn huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang (do Đội QLTT số 1 quản lý); 6 vụ thuộc địa bàn Việt Yên (do Đội QLTT số 2 quản lý). Đối tượng vi phạm bị lập biên bản xử lý phần lớn là có địa điểm, cửa hiệu kinh doanh cụ thể. Rõ ràng, việc xử lý các trường hợp bày bán hàng giả mạo thương hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại các tuyến đường giao thông ở các khu vực vùng ven KCN chưa được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho hay: "Tình trạng hàng giả, hàng nhái nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; làm lũng đoạn thị trường, thậm chí khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm chính hãng. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng hàng giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và uy tín thị trường trong tỉnh”.
Nói về trách nhiệm quản lý, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có khu vực ven các KCN, ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: "Thời gian tới đơn vị sẽ làm tốt công tác dự báo thị trường cung - cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao, mặt hàng hay bị làm nhái, làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Từ đó tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)