Chiêu qua mặt hệ thống đăng kiểm cho 'xe gửi'
Lương Minh Tú (áo xanh) trong buổi làm việc với cảnh sát, tháng 1/2023. |
Hành vi của Lương Minh Tú (43 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Quốc Tuấn (chủ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D ở TP Biên Hòa) và 8 đăng kiểm viên được Công an tỉnh Đồng Nai nêu trong kết luận điều tra vừa hoàn tất, đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Liên quan vụ án, Võ Chí Giang (39 tuổi), nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T và Lê Tín Trung (43 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.
Theo cơ quan điều tra, Lương Minh Tú với vai trò giám đốc đã chỉ đạo 8 đăng kiểm viên và nhân viên có xe quen dẫn mối đến đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D; "bật đèn xanh" cho việc nhận tiền rồi dùng nhiều thủ thuật để bỏ qua các lỗi đăng kiểm. Ngoài số tiền đóng phí đăng kiểm, phí đường bộ theo quy định (nộp vào cho kế toán), chủ các xe vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật phải đưa thêm từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng tùy loại xe.
Quy trình kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm 60-04D sẽ qua 5 công đoạn, theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, gồm: Kiểm tra nhận dạng, tổng quát; phần trên của phương tiện; hiệu quả phanh và trượt ngang; môi trường và phần dưới của phương tiện.
Để bỏ qua các lỗi của xe, các đăng kiểm viên thường không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định mà sử dụng các thủ đoạn làm sai lệch kết quả kiểm định.
Theo nguyên tắc, ở công đoạn kiểm tra môi trường, đăng kiểm viên sẽ khởi động xe, đạp ga liên tục 4 lần để máy đo ghi nhận mức độ khí thải, đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu với thông số kỹ thuật tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt. Tuy nhiên, với các xe "gửi", đăng kiểm viên sẽ làm sạch ống xả bằng cách gõ vào ống xả rồi đạp ga mạnh trước khi đưa xe vào máy đo; hoặc đạp ga từ từ cho đến khi có kết quả đạt; hoặc dùng tay che một phần máy đo để hạn chế tiếp xúc với khí thải của xe, từ đó đưa ra kết quả đạt.
Đối với nội dung kiểm tra phanh, theo quy định, khi đưa xe vào vị trí kiểm tra sẽ cho chạy trên bàn thắng rồi đạp phanh để máy đo đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu với thông số tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt. Nhưng với các xe đã "chung chi", nhân viên đăng kiểm sẽ điều chỉnh cho bánh xe sát vào máy đo để tăng ma sát, dùng thêm phanh tay hoặc cài số lùi để đưa ra kết quả đạt. Trường hợp đã sử dụng các cách thức trên nhưng không có kết quả thì dùng xe cùng trọng lượng có phanh đạt tiêu chuẩn, để đưa vào đo thay.
Tương tự, ở khâu kiểm tra đèn bằng máy, nếu thông số đèn chiếu sáng không đạt, đăng kiểm viên sẽ sử dụng kết quả đo của đèn đạt cho cả hai đèn; hoặc sử dụng kết quả đo đèn của xe khác. Còn ở công đoạn kiểm định bằng mắt thường như gầm, đèn xi nhan thì các đăng kiểm viên sẽ cho đạt với các xe đã đưa tiền, bỏ qua các lỗi như đôn nhíp, ốc vít lỏng, đèn mờ, cơi nới thùng xe tải (từ 20 đến 30cm)...
Quá trình điều tra Tú khai đã nhận hối lộ 500 triệu đồng để bỏ qua các lỗi đăng kiểm (trước đó thừa nhận 1,9 tỷ đồng).
Công an tỉnh Đồng Nai nhận định, hành vi của các đăng kiểm viên gây nguy hiểm cho xã hội, mất an toàn giao thông, có sự thống nhất chặt chẽ giữa các thành viên, diễn ra liên tục trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương...
Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước, đến nay công an hơn 30 tỉnh, thành phố đã khởi tố hơn 60 vụ án với tổng cộng hàng trăm bị can. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, đại án đăng kiểm là vụ tham nhũng được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm. Công an phát hiện có sự móc nối chặt chẽ giữa nhân viên kiểm định của Cục Đăng kiểm và các trung tâm để cấp giấy chứng nhận cho xe dưới chuẩn thông qua các công ty sân sau.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)