Ngăn chặn thực phẩm “bẩn”
BẮC GIANG - Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, thị trường thực phẩm cũng sôi động hơn với nhiều chủng loại, mẫu mã. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trà trộn vào thị trường.
Nỗi lo mất an toàn
Dạo quanh một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Bắc Giang hay tại trung tâm một số huyện, thị xã, không khí mua sắm nhộn nhịp, lượng hàng hóa tăng đáng kể. Tìm hiểu tại khu vực bán thịt trâu, bò tươi sống dọc tỉnh lộ 298, đoạn qua tổ dân phố Phúc Lâm, phường Nếnh (thị xã Việt Yên), những ngày gần đây, sản lượng tiêu thụ tăng bình quân 20-35% so với ngày thường và dự kiến tăng gấp 2-3 lần trong tuần trước Tết.
Tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) và Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính tại hộ kinh doanh Dương Thị D, xã Hương Lạc (Lạng Giang). |
Dù các cơ sở đều bố trí bàn cao để thực phẩm; thịt tươi sống, thịt đã qua sơ chế cũng được để riêng song do không có dụng cụ che chắn nên thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ruồi nhặng bâu nhiều và bám bụi đường mỗi khi có ô tô chạy qua. Điều này dẫn đến giảm chất lượng thực phẩm, nguy cơ mất ATTP cao.
Khảo sát một cửa hàng bán đồ đông lạnh tại khu vực chợ Thương (TP Bắc Giang), lượng hàng hóa được nhập về với số lượng lớn, đa dạng chủng loại. Bên cạnh những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, tại cơ sở này còn bày bán một số sản phẩm có nhãn tiếng nước ngoài song không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Lý giải về việc này, chủ cơ sở cho biết, do hàng mới nhập về nhiều nên chưa kịp dán nhãn phụ.
Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, lập biên bản 57 vụ việc vi phạm ATTP. Trong số những tang vật thu giữ có hơn 9,8 nghìn gói bánh kẹo không rõ nguồn gốc; hơn 260 kg hoa quả tươi nhập lậu; 5.751 gói chân gà và xúc xích nhập lậu... |
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, Cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, lập biên bản 57 vụ việc vi phạm ATTP. Trong số những tang vật thu giữ có 102 lọ sa tế giả mạo nhãn hiệu; hơn 9,8 nghìn gói bánh kẹo không rõ nguồn gốc; 262,5 kg hoa quả tươi nhập lậu; 5.751 gói chân gà và xúc xích nhập lậu...
Sau một tháng triển khai cao điểm bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 15/12/2024 đến 15/1/2025), các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, TP đấu tranh làm rõ 52 vụ vi phạm pháp luật về ATTP; tịch thu, tiêu hủy gần 4 tấn sản phẩm từ động vật đông lạnh, bột sữa và hơn 16 nghìn sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu và hết hạn sử dụng.
Một số vụ việc đáng chú ý như: Hồi 13 giờ ngày 7/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh Dương Thị D, xã Hương Lạc (Lạng Giang) có nhiều phương tiện, vật tư sản xuất hàng giả. Tang vật thu giữ gồm: Hơn 1,5 nghìn tem, nhãn hàng hóa các loại; 14 kg vỏ túi nilon, 70 vỏ hộp… Qua đấu tranh, bà D thừa nhận đã đặt mua máy móc, nguyên vật liệu, tem nhãn để tiến hành sản xuất hàng hóa có in thông tin giả để bán kiếm lời dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, ngày 26/12/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra, thu giữ tại một cơ sở kinh doanh ở tổ dân phố Minh Khai 1, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (nay là phường Chũ, thị xã Chũ) gần 1 tấn sản phẩm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc.
Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường cho biết: "Qua làm việc, các chủ cơ sở thừa nhận thu mua, tích trữ các sản phẩm trôi nổi trên thị trường về bán lại để thu lợi nhuận. Việc phát hiện kịp thời các vụ vi phạm góp phần giảm nguy cơ mất ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân".
Giám sát nguồn thực phẩm đầu vào
Hiện toàn tỉnh có gần 25,3 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phân cấp cho các ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế quản lý. Ngoài ra còn hàng nghìn tổ chức, cá nhân tự sản xuất, chế biến quy mô nhỏ do các địa phương quản lý. Những năm qua, công tác quản lý, bảo đảm ATTP trên địa bàn được cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt, hầu hết các cơ sở đều chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp, đưa hàng hóa kém chất lượng vào kinh doanh, mua bán nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu.
Mới đây, hơn 100 công nhân Công ty TNHH Shinsung Vina, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng nhập viện điều trị sau tiệc liên hoan của công ty. Trong số thực phẩm đầu vào phục vụ chế biến các món ăn có hai loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ (mực vòng và tai lợn).
Bác sĩ Nguyễn Văn Cương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Các bệnh nhân nhập viện điều trị rối loạn tiêu hóa trong những dịp lễ, Tết phần lớn do chế độ ăn uống thay đổi, ăn thực phẩm tích trữ lâu trong tủ lạnh. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp nhập viện do sử dụng rượu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, mua trên mạng xã hội”.
Để bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 9/1, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Thực hiện chỉ đạo này, hiện UBND các huyện, thị xã, TP mới sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính đã kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao.
Từ ngày 10/1, Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh thành lập đoàn giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp (dự kiến khoảng 20 doanh nghiệp) triển khai giải pháp bảo đảm ATTP, nhất là lựa chọn thực phẩm đầu vào phục vụ bữa ăn cho công nhân. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT cũng bố trí kinh phí tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm được phân cấp quản lý, ưu tiên giám sát và kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở chế biến.
Ông Nguyễn Văn Thể, Trưởng Phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết “Trong những ngày áp Tết và dịp lễ hội đầu xuân, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành tập trung vào các tổ chức, cá nhân thu gom, sơ chế, bảo quản, kinh doanh với số lượng lớn sản phẩm, phụ phẩm động vật và hải sản tươi sống, đông lạnh. Qua đó kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi tiêu thụ trên thị trường và cung cấp cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”.
Ý kiến bạn đọc (0)